Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ giúp gã khổng lồ công nghệ Mỹ thâu tóm một ứng dụng mạng xã hội phổ biến và giảm bớt áp lực của chính phủ Mỹ đối với ByteDance - công ty Trung Quốc sở hữu TikTok.
Chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc có nên yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ hay không, Bloomberg dẫn một số nguồn cho biết. Chính phủ Mỹ đã và đang điều tra các rủi ro về an ninh quốc gia đối với TikTok do lo sợ ByteDance sử dụng ứng dụng này cho mục đích gián điệp và đánh cắp thông tin người dùng Mỹ.
Mặc dù Washington dự kiến sẽ công bố một chỉ thị mới liên quan đến TikTok vào ngày 31/7, một nguồn tin cho biết quyết định sau đó bị hoãn lại, chờ Tổng thống Trump xem xét thêm.
Phát ngôn viên của Microsoft và TikTok đều từ chối đưa ra bình luận về các cuộc đàm phán. Mối quan tâm của gã khổng lồ công nghệ Mỹ đối với TikTok từng được Fox Business Network đưa tin trước.
"Chúng tôi đang điều tra TikTok và có thể cấm ứng dụng này", ông Trump chia sẻ với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 31/7. "Chính phủ Mỹ đang cân nhắc nhiều lựa chọn thay thế liên quan đến TikTok".
Bất kì thỏa thuận nào giữa Microsoft và TikTok đều có thể vấp phải rào cản pháp lí. ByteDance đã mua Musical.ly vào năm 2017 và sáp nhập và TikTok, từ đó tạo ra một ứng dụng mạng xã hội phổ biến tại Mỹ. Đến nay, TikTok là ứng dụng Trung Quốc đầu tiên đạt được thành công như vậy tại Mỹ.
Khi TikTok trở nên phổ biến hơn, các quan chức chính quyền ông Trump ngày càng lo ngại về khả năng chính phủ Trung Quốc sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu của người dân Mỹ.
Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ (CFIUS) đã bắt đầu đánh giá về thỏa thuận mua lại Musical.ly của ByteDance vào năm 2019.
Trong vài năm qua, CFIUS đã đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đánh giá và phê duyệt các thỏa thuận có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Cơ quan này sau đó có thể đề xuất Tổng thống Mỹ ngăn chặn hoặc gỡ bỏ thỏa thuận.
Bloomberg cho biết các khách hàng tiềm năng khác cũng có thể tham gia thâu tóm TikTok.
Các ông lớn cùng ngành công nghệ của Microsoft như Facebook, Apple, Amazon và Alphabet đều phù hợp cho thỏa thuận mua lại TikTok tại Mỹ, mặc dù cả 4 công ty đều đang chịu cảnh giám sát chống độc quyền từ các cơ quan quản lí của Mỹ. Vướng mắc này có thể gây khó khăn cho thỏa thuận nếu một trong 4 công ty trên muốn mua lại TikTok.
Nếu mua được TikTok, Microsoft có thể đạt thành công lớn nhờ thu về một ứng dụng phổ biến đã chiếm trọn tình cảm của đông đảo thanh thiếu niên Mỹ với các video nhảy, hát nhép và ảnh chế.
Microsoft từng đầu tư vào mạng xã hội trong quá khứ nhưng chưa phát triển thành công một dịch vụ phổ biến cho riêng công ty trong lĩnh vực sinh lời này.