Mở rộng gấp đôi hầm Đèo Ngang và hai cầu vượt sông trên tuyến quốc lộ 1 qua Quảng Bình

Cầu Gianh, cầu Quán Hàu và hầm Đèo Ngang trên tuyến quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Bình sẽ được mở rộng lên gấp đôi, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Cầu Quán Hàu trên tuyến quốc lộ 1 qua Quảng Bình hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nâng cấp, cải tạo một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 (cầu Xương Giang , cầu Gianh, cầu Quán Hàu và hầm Đèo Ngang).

Trong đó, cầu Gianh và cầu Quán Hàu nằm trên QL 1 thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình được đầu tư trong giai đoạn năm 1996 - 2000, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Quy mô hai làn xe cơ giới, kết cấu BTCT. Hiện do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý khai thác, là điểm thắt hẹp gây ùn tắc và thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng.

Trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ngày 25/8/2017 trên cơ sở kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng đã kết luận sẽ xem xét, triển khai đầu tư khi nhu cầu vận tải tăng cao và nguồn lực cho phép.

Hầm Đèo Ngang hiện tại có quy mô hai làn xe chưa đồng bộ với QL 1 (4 làn xe), không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, thường xuyên ùn tắc và tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, với sự phát triển rất nhanh của Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình) cũng như các khu kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ, lưu lượng giao thông trong khu vực đang có xu hướng tăng rất nhanh.

Hơn nữa, đèo Ngang có vị trí chiến lược rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng nên hầm Đèo Ngang còn có giá trị trọng yếu trong an ninh quốc phòng, cần đảm bảo thông suốt.

Do vậy, việc đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác cho tuyến QL 1 là cần thiết và cấp bách.

 Từ trên xuống cầu Gianh - cầu Quán Hàu - hầm Đèo Ngang. (Ảnh chụp từ văn bản).

Cầu Gianh và cầu Quán Hàu sẽ xây thêm một đơn nguyên mới

Theo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ dự án), cầu Gianh (bắc qua sông Gianh) trên QL 1, điểm đầu thuộc địa phận TX Ba Đồn; điểm cuối thuộc huyện Bố Trạch; cầu Quán Hàu (bắc qua sông Nhật Lệ) trên QL 1, điểm đầu thuộc đị phận huyện Quảng Ninh; điểm cuối thuộc huyện Quảng Ninh.

Đối với địa điểm thực hiện dự án, cầu Gianh nằm tại phường Quảng Thuận, TX Ba Đồn và xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch; cầu Quán Hàu nằm tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh và xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh.

Về hiện trạng sử dụng đất, tổng diện tích sử dụng đất cho dự án cầu Gianh khoảng 7,6 ha.Trong khu vực dự án không có khu dự trữ sinh quyển hay vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên nào. Dự án chủ các khu vườn trồng xoài, nhãn, mít, dừa, chuối...và ao nuôi tôm.

Cầu bắc qua sông Gianh nối hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Trên sông hoạt động đánh bắt cá của tàu thuyền và giao thông thủy qua lai.

Khu vực dự án đi qua tổ dân phố Thuận Bài, phường Quảng Thuận, TX Ba Đồn và xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch. Ngành nghề chính của các hộ dân chủ yếu là nông nghiệp.

Ngoài ra, một số hộ dân, chủ yếu tại điểm đầu dự án tận dụng mặt đường để kinh doanh nhỏ như quán nước, quán ăn, sửa xe. Các hộ dân sẽ bị ảnh hưởng do mất đất, chịu tác động cho chất thải và các vấn đề xã hội khác do hoạt động thi công gây ra.

 Một số hình ảnh về hiện trạng cầu Gianh hiện nay. (Ảnh chụp từ văn bản).

Đối với cầu Quán Hàu, điểm cuối cầu gần trạm thu phí, hai bên là đất ruộng. Hệ thống sông, kênh Cầu bắc qua sông Nhật Lệ. Trên sông hoạt động giao thông thủy qua lại.

Khu vực dự án đi qua thị trấn Quán Hàu và xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Ngành nghề chính của các hộ dân chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài ra, một số hộ dân, chủ yếu tại điểm đầu tự án tận dụng mặt đường để kinh doanh nhỏ như quán nước, quán ăn.

 Một số hình ảnh về hiện trạng cầu Quán Hàu hiện nay. 

Về quy mô xây dựng dự án, cầu Gianh có chiều dài nghiên cứu khoảng 2,15 km; cầu Quán Hàu có chiều dài nghiên cứu hơn 1,8 km. Quy mô đầu cầu có mặt cắt ngang 20,5 m. Cả cầu Gianh và cầu Quán Hàu sẽ xây dựng thêm một đơn nguyên cầu bên cạnh cầu cũ có bề rộng cầu 12 m. 

Quy mô đường đầu cầu có bề rộng mặt đường gồm 4 làn xe cơ giới rộng 14 m; bề rộng mặt đường xe thô sơ, xe máy 4 m; bề rộng giải phân cách giữa 0,5 m; bề rộng giải an toàn giữa 1 m; bề rộng lề đất 1 m.

Quy mô cầu có bề rộng làn xe cơ giới 7 m; bề rộng làn xe thô sơ, xe máy 3,5 m; bề rộng dải an toàn 0,5 m; bề rộng gờ lan can 1 m.

Xây thêm hầm ở Đèo Ngang 

Đối với nâng cấp hầm Đèo Ngang, địa điểm thực hiện dự án nằm tại xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Về hiện trạng sử dụng đất dự án, diện tích dự kiến thu hồi đất và các hạng mục đền bù phạm vi hạng mục hầm Đèo Ngang hơn 20 ha. Phần cửa hầm phía bắc thuộc địa phận xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, một số nhà dân và công ty (Công ty Hạ tầng sông Đà, Công ty Thiết bị Ô tô Đình Hóa) nằm rải rác dọc hai bên đường dẫn từ khoảng Km591+700-Km 591+900, cách vị trí thi công từ 20 - 100 m.

Dân cư sống tập trung tại ngã ba giao QL 1 cũ tại khoảng km591+600-Km591+700. Dự án chủ yếu đi qua đất trồng cây hàng năm và đất rừng phòng hộ điểm đầu đường dẫn (phía bắc hầm Đèo Ngang), gần khu dân cư xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (hầm Đèo Ngang).

Phần của hầm phía nam thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dự án chủ yếu đi qua đất rừng sản xuất của hộ dân. Dọc hai bên đường dẫn hầu như không có dân cư. Chỉ có một số nhà dân ở cuối đường dẫn (khoảng 3, 4 nhà) cách vị trí thi công khoảng 150 m.

Một số hình ảnh về hiện trạng khu vực hầm Đèo Ngang hiện nay. (Ảnh chụp từ văn bản).

Về quy mô xây dựng dự án, dự án có chiều dài nghiên cứu khoảng 2,9 km. Quy mô đầu cầu có mặt cắt ngang 20,5 m. Xây dựng thêm một đơn nguyên cầu bên cạnh cầu cũ có bề rộng cầu 12 m; dự án cũng sẽ xây dựng thêm một đơn nguyên hầm bên cạnh hầm cũ có bề rộng lòng hầm 10,5 m (tổng bề rộng hầm 11,5 m).

Quy mô đường đầu hầm có bề rộng mặt đường 4 làn xe cơ giới rộng 14 m; bề rộng mặt đường làn xe thô sơ, xe máy 4 m; bề rộng giải phân cách giữa 0,5 m; bề rộng giải an toàn giữa 1 m; bề rộng lề đất 1 m.

Quy mô cầu có bề rộng làn xe cơ giới 7 m; bề rộng làn xe thô sơ, xe máy 3,5 m; bề rộng dải an toàn 0,5 m; bề rộng gờ lan can 1 m; quy mô hầm có bề rộng làn xe cơ giới 7 m; bề rộng làn xe hỗn hợp 1,5 m; bề rộng lề an toàn 1 m; bề rộng lề bảo dưỡng 1 m.

Về tiến độ, thời gian thực hiện của toàn bộ dự án cải tạo 4 cầu, hầm trên quốc lộ 1 bao gồm cầu Xương Giang, cầu Quán Hàu, cầu Gianh và hầm Đèo Ngang được dự kiến hoàn thành vào năm 2025, với tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đối với cầu Xương Giang tại tỉnh Bắc Giang, địa điểm thực hiện có điểm đầu thuộc địa phận phường Lê Lợi, TP Bắc Giang; điểm cuối thuộc địa phận xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang. Chiều dài nghiên cứu khoảng 1 km.

Về quy mô xây dựng, quy mô đường đầu cầu là đường ô tô cao tốc vận tốc thiết kế vận tốc 100 km/h, quy mô mặt cắt ngang 33 m phù hợp với quy mô mặt cắt ngang tuyến hiện tại. Trong đó, bề rộng làn xe cơ giới là 15 m; bề rộng làn dừng khẩn cấp 6 m; bề rộng giải phân cách giữa 9 m; bề rộng giải an toàn giữa 1,5 m và bề rộng lề đất 1,5 m.

Dự án cũng sẽ xây dựng thêm một đơn nguyên cầu bên cạnh cầu cũ có bề rộng cầu là 16,5 m. Trong đó, bề rộng làn xe cơ giới là 11,25 m; bề rộng làn dừng khẩn cấp 3,5 m; bề rộng giải an toàn tổng cộng là 0,75 m; bề rộng gờ lan can 1 m.