Một vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng suýt xảy ra vào khoảng 6 giờ ngày 27-2 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam giữa tàu khách và tàu hàng tại khu vực ga Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Hai đoàn tàu chỉ kịp dừng lại đối đầu cách nhau... 10 m.
Theo thông tin ban đầu, thời điểm trên, tàu khách SE25 với 13 toa chạy tuyến Hà Nội - TP HCM, còn tàu hàng ASY2 chạy theo hướng ngược lại. Theo kế hoạch, hai tàu sẽ tránh nhau tại ga Dầu Giây, tuy nhiên đến thời điểm trên, nhân viên đường sắt điều tiết tại khu vực đã phát hiện hai tàu có dấu hiệu đối đầu, có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Các đơn vị liên quan lập tức điện báo, yêu cầu hai đoàn tàu dừng ngay. Rất may, hai tàu kịp dừng lại khi đã gần đâm vào nhau. Các cán bộ chuyên môn ngành đường sắt nhận định đây là một sự cố cực kỳ nguy hiểm.
Khu vực suýt xảy ra thảm kịch tàu hỏa vào sáng 27-2
Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Nguyễn Bôn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, cho biết sau sự cố, một trong hai đoàn tàu sẽ được kéo ngược lại ga Dầu Giây để giải tỏa đường sắt cho các đoàn tàu tiếp tục hành trình. Vụ việc khiến hệ thống vận hành đường sắt bị xáo trộn, nhiều đoàn tàu bị trễ lịch trình.
Trước đó, vào giữa tháng 7-2017, tàu khách SQN2 từ TP HCM đi Quy Nhơn và tàu khách SE1 từ Hà Nội đi TP HCM khi đến ga Suối Vận (tỉnh Bình Thuận )đã suýt đối đầu nhau. May mắn, nhân viên đường sắt phát hiện và can thiệp kịp thời, hai tàu dừng lại cách nhau khoảng 80 m. Sau vụ việc, trưởng ga này bị cách chức, một số cá nhân bị khiển trách, nhân viên trực ban bị sa thải vì thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong việc điều tiết, thông báo lịch trình vận hành tàu.
Trao đổi với Báo Người Lao Động về việc làm sao để ngăn chặn hoặc hạn chế những sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết tất cả các quy định về kỹ thuật, tổ chức chạy tàu, đều có. "Nếu những quy định này mà được các bộ phận thực hiện tốt sẽ không có vấn đề gì xảy ra" - ông Hoạch nói và nhấn mạnh rằng ngay cả sự cố tại ga Dầu Giây thì những chốt chặn cuối cùng vẫn có thể ngăn chặn được tai nạn xảy ra.
"Do đó, mỗi nhân viên thừa hành nhiệm vụ, mỗi bộ phận của ngành cần nâng cao trách nhiệm, tuân thủ nghiêm quy định, quy trình, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Chỉ có như vậy mới có thể giảm thiểu những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra" - ông Hoạch nói.
Ông Đoàn Duy Hoạch cho biết VNR đã cử những chuyên gia kỹ thuật vào hiện trường để đánh giá, xem xét nguyên nhân sự cố tại ga Dầu Giây. Sáng 28-2, đích thân ông Hoạch có mặt tại Đồng Nai để chỉ đạo giải quyết.