Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã xác nhận xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với 15 ngân hàng Việt ở mức Ba3.
Đồng thời, Moody's cũng điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng từ "tiêu cực" lên "tích cực" gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV; 4 ngân hàng từ "ổn định" lên "tích cực" gồm OCB, TPBank, VPBank, VIB; 6 ngân hàng từ "tiêu cực" lên "ổn định" gồm ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank.
Ngoại trừ ABBank, mức xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh này.
Theo đó, Moody's đã hạ mức BCA và BCA điều chỉnh của ABBank từ b1 xuống b2; trong khi CRA hạ từ Ba3 (cr) xuống B1 (cr) và CRR hạ từ Ba3 xuống B1.
Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm này đã quyết định giữ nguyên đánh giá tín dụng dài hạn, không bảo đảm của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3 và nâng triển vọng lên "tích cực".
Moody's cho biết sức mạnh tín dụng chủ quyền của Việt Nam là yếu tố đầu vào quan trọng trong đánh giá của hãng về xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của các ngân hàng Việt Nam.
Việc Moody's sửa đổi triển vọng xếp hạng nhà phát hành Ba3 của Việt Nam từ "tiêu cực" thành "tích cực" cho thấy khả năng chính phủ có khả năng cao hơn trong việc hỗ trợ cho các ngân hàng.
Do đó, việc nâng xếp hạng chủ quyền của quốc gia có thể giúp hãng có cơ sở nâng hạng nhiều ngân hàng Việt Nam, thông qua việc mở rộng sự hỗ trợ của chính phủ.
Triển vọng "tích cực" về xếp hạng chủ quyền của Việt Nam phản ánh những dấu hiệu về những cải thiện trên diện rộng về sức mạnh thể chế và quản trị của Việt Nam.
Qua đó, có thể củng cố hồ sơ tín dụng của Việt Nam theo thời gian, đặc biệt khi nền kinh tế có thể hưởng lợi từ những thay đổi vĩ mô như chuyển dịch chuỗi sản xuất và cung cầu sau đại dịch COVID-19.
Với giả định tất cả các yếu tố không đổi, Moody's có khả năng sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam có xếp hạng triển vọng "Tích cực" nếu Chính phủ Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm.
Riêng đối với ACB và MB, xếp hạng dài hạn sẽ được nâng hạng nếu chính phủ Việt Nam được nâng xếp hạng và BCA của 2 ngân hàng này được nâng cấp. Ngoài ra, xếp hạng dài hạn của 4 ngân hàng Việt khác sẽ được nâng hạng nếu BCA của các nhà băng này được nâng.
BCA của các ngân hàng có thể được nâng cấp nếu có những cải tiến về sức mạnh tín dụng độc lập.
Mặt khác, xếp hạng dài hạn của 15 ngân hàng Việt có thể bị tụt hạng nếu các nguyên tắc cơ bản về tín dụng bị suy giảm nghiêm trọng và/hoặc nếu Moody's đánh giá rằng sự hỗ trợ của chính phủ đối với các ngân hàng đã suy yếu.