Vừa qua CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư PPP.
Theo đó, tuyến đường cao tốc đoạn TP HCM - Chơn Thành thuộc Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại vành đai 3 TP HCM và điểm cuối tại khu vực thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Đoạn tuyến cũng được xác định trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nghị quyết ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Bình Dương giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan chủ quản và Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP - CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật - CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - đoạn qua tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư.
Theo thỏa thuận liên danh ngày 9/5/2023, thành viên đứng đầu liên danh là CTCP Tập đoàn Đèo Cả thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý của dự án.
Theo nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Đèo Cả, điểm đầu của tuyến đường nằm tại vành đai 3 TP HCM thuộc địa phận TP Thuận An; điểm cuối nằm tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án). Tổng chiều dài tuyến gần 46 km.
Địa điểm thực hiện tuyến cao tốc sẽ đi qua địa giới hành chính các huyện, thành phố bao gồm Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tổng diện tích đất GPMB của dự án khoảng 322,5 ha. Trong đó, hiện trạng bao gồm diện tích đất chuyên trồng lúa nước là 37 ha; đất ở 8 ha; đất vườn: 7,5 ha; đất bằng trồng cây hàng năm gần 227 ha; đất khu công nghiệp 13,5 ha; đất giao thông khoảng 14,5 ha; đất công cộng, đất khác khoảng 14 ha; đất sông, ngòi, suối khoảng 1 ha. Dự án này di dân, tái định cư khoảng 375 hộ.
Mục tiêu xây dựng cao tốc TP HCM - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường vành đai 4, vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Do đó, tuyến cao tốc này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và cần sớm được đầu tư để tạo động lực phát triển, hạn chế tăng chi phí theo thời gian.
Về hướng tuyến, từ vành đai 3 TP HCM, tuyến đi trùng ĐT 743B, ĐT 743, ĐT 747B tới khoảng Km6+500 (trước cầu Khánh Vân) tuyến chuyển 38 hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại và đi men theo Suối Cái và song song với ĐH 409.
Tuyến sau đó cắt ĐT 747A tại Cổng Xanh, sau đó tuyến đi song song với ĐT 741 lên xã An Long, huyện Phú Giáo rồi đi thẳng lên KCN Becamex Bình Phước và kết nối với đoạn cao tốc qua địa phận tỉnh Bình Phước.
Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng tuyến đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đây là công trình giao thông cấp I.
Đầu tư phân kỳ bao gồm đoạn từ vành đai 3 (Km0+00) đến cầu Khánh Vân (Km6+500) sẽ giữ nguyên hiện trạng, chỉ nghiên cứu các giải pháp tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng.
Đoạn từ cầu Khánh Vân (Km6+500) đến cuối tuyến sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (bề rộng 60 m) và đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75 m (đã bao gồm hai làn dừng khẩn cấp suốt đoạn tuyến dự án).
Về tiến độ, dự án dự kiến phê duyệt đầu tư vào quý II/2024; phê duyệt thiết kế kỹ thuật và đền bù GPMB vào quý III/2024; khởi công dự án vào quý IV/2024; thanh thải, hoàn thành dự án đến hết quý IV/2027. Thời gian thi công dự án dự kiến ba năm.
Tổng mức đầu tư dự án là 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Vốn tham gia của Nhà nước là 8.530 tỷ đồng. Dự kiến đảm nhiệm các hạng mục bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 246 tỷ đồng.
Vốn huy động từ Nhà đầu tư: 8.878 tỷ đồng; trong đó 70% vốn vay ngân hàng, 30% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Trên tuyến cao tốc TP HCM - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng 4 nút giao khác mức liên thông gồm nút giao Khánh Vân; nút giao vành đai 4; nút giao ĐT 741 và nút giao Tạo lực Phú Giáo - Bàu Bàng.
Dự án cũng sẽ xây dựng cầu cạn, cầu vượt dòng chảy, cầu vượt ngang đường và các cầu trong nút giao liên thông phù hợp với quy mô 4 làn xe cao tốc và các nút giao.
Cụ thể, xây dựng 9 cầu vượt dòng chảy, gồm cầu Suối Chợ, lý trình Km7+680; cầu Hồ Voi, lý trình Km13+580; cầu Suối Cái, lý trình Km14+100; cầu nhỏ 1 (suối Bàu Cỏ), lý trình Km22+920; cầu nhỏ 2 (Suối Bà Tảo), lý trình Km37+500; cầu nhỏ 3 (Suối Dâu), lý trình Km43+160.
Cầu nhỏ 4 (Suối Ông Bằng), lý trình Km45+480; cầu nhỏ (Khe suối), lý trình Km48+250; cầu Kênh (Kênh Phước Hòa), lý trình Km49+630.
Ba cầu trong nút giao gồm nút giao vành đai 4 (nút giao hoa thị), lý trình Km19+400; ĐT 741 (nút giao Trumpet), lý trình Km30+870; nút giao Phú Giáo - Bàu Bàng (nút giao hoa thị), lý trình Km39+600.
Ba cầu vượt ngang, gồm cầu vượt HL746, lý trình Km11+300; cầu vượt ĐH747A, lý trình Km27+100; cầu vượt ĐH 745B, lý trình Km44+870.