Tiếp nối đà phục hồi từ năm ngoái, bức tranh thị trường địa ốc 2025 được nhiều chuyên gia dự báo khởi sắc hơn khi ba bộ luật liên quan bất động sản dần được thẩm thấu.
Tại toạ đàm mới đây của Báo Dân Việt, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại OneHousing đánh giá, năm 2025 các điều kiện cần và đủ cũng như các yếu tố tạo nền cho thị trường đã tốt hơn rất nhiều.
Trong đó, các bộ luật mới đến thời điểm hiện tại đang từng bước được thực thi và tạo ra những hành lang pháp lý có tính định hướng, lộ trình rõ ràng cho câu chuyện doanh nghiệp phát triển. Về mặt thủ tục hành chính cũng đang được cải tổ, rút gọn...
Các yếu tố nêu trên vừa là cơ hội, song cũng vừa là thách thức. Cơ hội là tạo ra những thứ giúp thị trường minh bạch, rõ ràng để doanh nghiệp dễ tiếp cận, tự phải thay đổi cách thức tiếp cận.
Còn thách thức là tạo ra sự sàng lọc. Doanh nghiệp nào không còn khả năng thích ứng được với thay đổi của thị trường, chắc chắn sẽ phải tìm cách M&A. Về hành vi của người dân trong câu chuyện đầu cơ nhiều, thì phải đầu tư thay vì đầu cơ. Hành vi lướt sóng trước đây nhiều thì giờ sẽ khó và nhà đầu tư sẽ phải có lộ trình lâu dài hơn trong quá trình mua bán.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo thị trường địa ốc trong năm 2025 sẽ hoạt động tích cực hơn so với năm 2024, khi các chỉ số về cung - cầu đều cải thiện.
Nguồn cung được dự báo tăng trưởng. Vị này cho biết, số lượng nhà ở mới tại Hà Nội và các đô thị vệ tinh dự kiến ước đạt 3.000 - 7.000 sản phẩm, tại TP HCM và các khu vực vùng ven ước đạt trên 8.000 sản phẩm.
Nguồn cung nhà ở tập trung vào phân khúc cao cấp và trung cấp. Phân khúc bình dân ghi nhận sự cải thiện với các dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, các dự án thương mại giá rẻ thì hiện tại vẫn chưa xuất hiện.
Về lực cầu, ông Đính đánh giá cả nhu cầu ở thực và nhu cầu đầu tư sẽ có xu hướng tăng trong năm nay. Giá bán bất động sản sẽ có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn so với đà tăng quá mức của năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm sâu sẽ khó xảy ra vì một số vấn đề như bảng giá đất, chi phí,... tạo áp lực đầu vào cho giá thành cho sản phẩm.
Lượng giao dịch sẽ có xu hướng tăng do nguồn cung được cải thiện, các phân khúc phát triển ổn định hơn, giá bán được điều chỉnh và giữ nhịp ở mức tốt.
(Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).
Bàn về cơ hội trên thị trường bất động sản dưới tác động của chủ trương tinh gọn bộ máy, Chủ tịch VARS cho rằng 2 kịch bản có thể xảy ra.
Với kịch bản tích cực, việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp giảm thiểu thời gian, chi phí, chính sách pháp lý giúp thúc đẩy thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới, thăng hoa và phát triển tốt.
Tuy nhiên, kịch bản xấu hơn là khi những cơ quan, cá nhân sau hợp nhất không được phân công nhiệm vụ cụ thể, không chủ động trong công việc khiến thủ tục đầu tư bất động sản bị trì hoãn, kéo cả thị trường đi lùi, thậm chí đóng băng.
Ở góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định, tinh gọn bộ máy là cơ hội cho không chỉ riêng doanh nghiệp ngành địa ốc mà cho tất cả các lĩnh vực. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
“Sau khi tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, nhiều cơ quan, bộ, ban ngành, liên quan thì thủ tục đầu tư một dự án bất động sản sẽ giảm đi rất nhiều. Về cơ bản, để thực hiện một dự án cần phải có 30 - 40 thủ tục lớn (chưa tính tới các thủ tục nhỏ lẻ).
Bây giờ, việc tinh gọn bộ máy sẽ góp phần triển khai thủ tục nhanh hơn. Đây chính là thuận lợi của các dự án bất động sản. Đơn cử như việc thẩm tra, thẩm định các dự án cấp 1 trước đây là ở Trung ương, nhưng bây giờ địa phương phải chuẩn bị bộ máy, con người để thẩm định các dự án đó. Khi tổ chức tốt, có bộ máy tốt sẽ giúp các dự án triển khai nhanh hơn, tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản", ông Dũng cho hay.