Một lần không dám tự giới thiệu là giáo viên!

Bạn tôi là một nhà giáo tận tâm với học trò. Anh rất được phụ huynh, học sinh yêu mến. Cuối tuần anh đến nhà chơi, tôi nói người như anh thật sướng, thật hạnh phúc. Anh nói, cũng không hoàn toàn là thế, vì có lúc anh thấy xấu hổ, không giám giới thiệu là nhà giáo. Tôi quá bất ngờ về suy nghĩ này của anh, và thế là anh cũng không ngần ngại bộc bạch những điều anh “cả nghĩ”.

Anh nói, cứ mỗi lần họp phụ huynh là muối mặt. Giá như người giáo viên chỉ thực hiện thiên chức giảng dạy thì khỏe biết mấy. Ấy vậy mà cứ vào đầu năm học, giữa năm học hoặc kết thúc năm học, là ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, hội trưởng hội phụ huynh phổ biến thực hiện các khoản thu. Mặc dù là khoản thu “tự nguyện”, nhưng nếu lớp nào đạt thấp thì giáo viên chủ nhiệm khó ăn khó nói với nhà trường. Nào là bị quy kết về ý thức, trách nhiệm, không có kỳ họp nào là không bị đưa ra mát mẻ, “chà xát”.

Anh nói, bản thân anh lựa chọn thà bị ban giám hiệu “chiếu tướng” chứ không thể để phụ huynh nhìn mình với ánh mắt khác (!). Còn lại, khá nhiều giáo viên không chịu được, thế là cũng “dùi đánh đục, đục đánh khăng”, cũng phải “chịu trận” khi họp phụ huynh để “đặt vấn đề” đề nghị ủng hộ “xã hội hóa”, rồi ủng hộ những khoản phụ thu trên trời dưới đất mà bản thân giáo viên chủ nhiệm nhiều khi cũng không biết rõ. Khi gặp gỡ những phụ huynh gia đình có điều kiện về kinh tế thì còn yên tâm. Chứ nhìn nhiều phụ huynh khuôn mặc khắc khổ, nhìn thấy rõ nỗi lo âu trên khuôn mặt, ánh mắt lộ rõ sự buồn bã hoặc thái độ khó chịu, không đồng tình nhưng ngại phản kháng, nhiều khi giáo viên chủ nhiệm không dám nhìn thẳng vào mắt họ.

mot lan khong dam tu gioi thieu la giao vien
Trường học vùng cao thiếu thốn đủ thứ, nhưng luôn ăm ắp tình thầy trò. Ảnh minh họa

Anh kể, một lần có một đồng nghiệp trẻ hỏi anh rằng ngày nhà giáo 20/11 thu nhập cao hơn hay ngày Tết Nguyên đán thu nhập cao hơn. Anh hỏi thu nhập gì, thì đồng nghiệp trẻ bảo thu nhập từ tiền phụ huynh và học sinh đến chúc mừng thầy cô giáo. Trời ạ! Anh sững sờ cả người.

Từng “cắm bản” một thời gian dài tuổi trẻ ở miền rẻo cao, cảm nhận sâu sắc cái nghĩa thầy trò, biết bao nhiêu năm anh bớt tiền lương để mua sách giáo khoa, mua mì tôm cho những đứa học trò nội trú nhà nghèo mà ham học, anh không khỏi chạnh lòng khi nghe đồng nghiệp trẻ hỏi như vậy. Nhưng cũng không trách được đồng nghiệp trẻ này. Bởi anh biết, cuộc sống ở phố thị rất khác, với biết bao nhiêu nhu cầu, áp lực. Hồi anh ra trường, chỉ nộp hồ sơ là được phân công đi miền núi.

Còn để được về miền xuôi, anh cũng phải tích cóp lâu dài để có điều kiện “vận động”, cũng “cảm ơn”, cũng phải tỏ ra mình là người... biết điều. Còn với các đồng nghiệp trẻ, anh biết, có người gia đình xin việc cho con bố mẹ phải “cắm bìa đỏ ở ngân hàng”... Rồi ngày lễ ngày tết cũng không thể “chúc mừng miệng” chỗ này chỗ kia được. Đồng lương eo hẹp, nhưng cũng phải smartphone, phải quần này áo nọ, rồi thấy người ta đi xe này xe nọ thì mình cũng không thể không nghĩ đến. Cứ thế, ban đầu một số người còn ngại ngần, sau dần thì coi như là chuyện thường, đến khi không có lại cảm thấy... khó chịu. Ồ chà là cái thói đời...

Một lần anh ngồi trong quán cà phê, tình cờ ngồi bàn bên cạnh là một nhóm người nhiều lứa tuổi vừa đi họp phụ huynh về, nghe họ nói về chuyện thầy chủ nhiệm phổ biến thu “xã hội hóa”, thu quỹ lớp, quỹ hội... mà anh không khỏi xấu hổ. Rằng tất cả họ đều được phát giấy phô tô in sẵn có nội dung tự nguyện nộp tiền, phụ huynh chỉ việc ký tên vào.

Tự nguyện gì mà nhà trường làm sẵn, phô tô sẵn. Tự nguyện gì mà có cả mức sàn, rồi cả lớp đều “tự nguyện” giống nhau. Nhóm người này đổ hết mọi bực tức cho giáo viên chủ nhiệm, mà nào hiểu giáo viên chủ nhiệm chỉ là một... công cụ.

Trong khi đang sôi nổi bàn chuyện, có người quay sang hỏi anh làm nghề gì. Không hiểu sao, anh không đủ can đảm nhận mình là nhà giáo, chứ chưa nói đến anh cũng là một giáo viên chủ nhiệm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.