Thông tin từ Báo Đầu tư, liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - CTCP Đầu tư xây dựng 194 vừa được chọn là nhà đầu tư dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 9.620 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 78,5km, quy mô 4 làn xe, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tổng vốn đầu tư theo kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là 8.925 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư 3.786 tỉ đồng; phần nhà nước tham gia trong dự án 5.139 tỉ đồng.
Nhà đầu tư thực hiện dự án theo loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với thời gian xây dựng đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo trong 24 tháng, riêng hạng mục hầm Núi Vung là 30 tháng. Thời gian thu phí và vận hành khai thác là 17 năm, 15 ngày.
Tập đoàn Đèo Cả được biết đến là "ông trùm" của loạt dự án BOT có vốn đầu tư khủng lên tới hàng chục tỷ đồng. Một trong hai thành viên còn lại của liên danh nhà đầu tư trên là Xây dựng Hải Thạch cũng là công ty con của Tập đoàn Đèo Cả, chuyên tư vấn khảo sát thiết kế, thi công, giám sát dự án xây dựng của tập đoàn.
Những dự án BOT tiêu biểu Đèo Cả từng tham gia triển khai như dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cụm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông) có tổng mức đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng; dự án tuyến cao tốc Bắc Giang – TP Lạng Sơn vốn đầu tư gần 12.200 tỷ đồng;
Bên cạnh Hải Thạch, tập đoàn này còn sở hữu loạt đơn vị thành viên khác như CTCP Đầu tư Đèo Cả - phụ trách vận hành khai thác dự án trọng điểm quốc gia – hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cụm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng; dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng vốn đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng vốn 12.186 tỷ đồng.
Cuối năm 2020 vừa qua, tỉnh Cà Mau thông tin đoạn Bạc Liêu - Cà Mau trong dự án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có sự tham gia của Tập đoàn Đèo Cả theo hình thức BOT kết hợp với đầu tư công.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 46 km với tổng vốn đầu tư khoảng 11.145 tỉ đồng, được chia thành 2 dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần 1 là đầu tư công các cầu lớn và nút giao (tổng mức đầu tư 2.730 tỉ đồng); dự án thành phần 2 là đầu tư PPP khoảng 44 km cao tốc (tổng mức đầu tư 8.730 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% - vốn BOT 50%).
Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả cũng là nhà đầu tư dẫn đầu về số lượng trạm BOT trì hoãn triển khai thu phí tự động không dừng tính đến tháng 11/2020. Cụ thể, có 8 nhà đầu tư BOT đang quản lí 11 trạm BOT chưa kí hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng, trong đó Tập đoàn Đèo Cả có 2 công ty với 4 trạm BOT: CTCP đầu tư BOT Đèo Cả - Khánh Hòa (Trạm Ninh Lộc trên QL1); Công ty CPĐT Đèo Cả (DCIC) đang quản lí 3 trạm là Trạm Bàn Thạch, Trạm Hầm Đèo Cả, Trạm Hầm Cù Mông trên QL1).