Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Theo kết quả này, Tập đoàn Sơn Hải đã độc lập vượt qua 4 liên danh khác cũng tham gia đấu thầu dự án và trúng sơ tuyển hồi đầu tháng 5.
Đáng chú ý, trong các liên danh này có những tên tuổi lâu năm trong ngành xây dựng, đơn cử là liên danh Vinaconex - CTCP Đầu tư phát triển Duy Tân - CTCP Trường Long. Liên danh Tập đoàn CIENCO4 – CTCP phát triển xây dựng và thương mại Thuận An - Tập đoàn Tân Thành Đô cũng trúng sơ tuyển dự án trên.
Liên danh thứ ba là Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - CIENCO1 - CTCP 873 xây dựng công trình giao thông - CTCP Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.
Liên danh còn lại là CTCP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu về kỹ thuật. Trong khi đó, liên danh của "ông lớn" Vinaconex không kê khai được và cũng không có bảo đảm thầu do ngân hàng hay tổ chức tín dụng hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng séc.
Về dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ của dự án là 7.615 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư dự án được cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình khoảng 5.536 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 2.980 tỷ đồng; phần vốn nhà đầu tư trúng thầu khoảng 2.557 tỷ đồng.
Tập đoàn Sơn Hải thành lập từ năm 2007 do ông Nguyễn Viết Hải làm người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc với hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực xây dựng. Trụ sở chính của công ty đặt tài số 117 Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình.
Tính đến thời điểm cuối năm 2018, công ty có vốn điều lệ hơn 791 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Viết Hải nắm 99,75% vốn cổ phần. 0,25% vốn còn lại do người đại diện pháp luật hiện tại là ông Lê Thanh Hướng sở hữu.
(Nguồn: Thu Thủy tổng hợp).
Trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu và lợi nhuận công ty liên tục tăng trưởng từng năm. Đến năm 2019, Tập đoàn Sơn Hải ghi nhận doanh thu thuần 1.442 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp đạt 106 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 28 tỷ đồng, tăng gần 45%.
Dù vậy, biên lợi nhuận của Tập đoàn Sơn Hải ghi nhận thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận mà Vinaconex hay Cenco4 (Cả hai đều là doanh nghiệp đại chúng công khai báo cáo tài chính hàng năm). Tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) trong năm 2019 của Tập đoàn Sơn Hải là 1,9% so với mức 7,2% của Vinaconex và 3,97% của Cenco4.
Theo nguồn tin của chúng tôi có được, tổng tài sản của Sơn Hải tính đến ngày 31/12/2019 đã vượt 3.810 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 2.340 tỷ đồng.
Tập đoàn Sơn Hải nổi lên từ năm 2014 khi trên các tuyến đường công ty thi công đều cắm các biển "bảo hành 5 năm". Chương trình này đã giúp xây dựng tên tuổi và uy tín cho nhà thầu này, khi mà các nhà thầu khác thời điểm đó thường chỉ bảo hành hai năm.
Đầu năm 2015, Tập đoàn Sơn Hải tiếp tục khẳng định vị thế khi hoàn thiện gói thầu trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sớm gần 1 năm, trở thành nhà thầu "về đích" đầu tiên trên đường Hồ Chí Minh. Theo Tạp chí GTVT, đơn vị này còn được Bộ Giao thông vận tải tin tưởng và mời về khắc phục hiện tượng hằn lún trên QL5 cũ hồi tháng 7/2015.
Điểm lại một số dự án mà Tập đoàn Sơn Hải đã tham gia như Gói thầu số 10-XL Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 trị giá hơn 1.600 tỷ đồng; gói thầu H2 Dự án đầu tư xây dựng đường Trường Sơn Đông trị giá gần 170 tỷ đồng...
Không chỉ thực hiện các dự án quy hoạch hạ tầng giao thông, Tập đoàn Sơn Hải còn được UBND tỉnh Quảng Bình chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Nam Cầu Dài – Đồng Hới vào cuối năm 2019 vừa qua.
Theo quyết định phê duyệt của tỉnh, dự án Khu đô thị Nam Cầu Dài có tổng vốn đầu tư của dự án là 2.200 tỷ đồng, toàn bộ do nhà đầu tư trúng thầu tự thu xếp để thực hiện. Trong đó, tổng chi phí thực hiện dự án là 2.095 tỷ đồng, chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư là hơn 104 tỷ đồng, số tiền sử dụng đất tối thiểu nhà đầu tư phải nộp ngân sách Nhà nước tạm tính là 936 tỷ đồng.
Đầu năm 2019, Tổng giám đốc tập đoàn là ông Nguyễn Viết Hải thành lập Công ty TNHH Đầu tư Hướng Sơn vốn điều lệ 412 tỷ đồng. Trong đó, ông Hải góp 85% vốn, 10% do ông Nguyễn Quang Minh nắm giữ và 5% còn lại trong tay Tập đoàn Sơn Hải.
Cổ đông của Đầu tư Hướng Sơn tính đến ngày 30/9/2020. (Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).
Tuy nhiên, cập nhật đến 30/9/2020, ông Nguyễn Viết Hải đã giảm dần tỷ lệ sở hữu tại Hướng Sơn còn 39% vốn điều lệ. Thay vào đó, Tập đoàn Sơn Hải trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 51% vốn cổ phần.
Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định cấp chủ trương đầu tư cho Hướng Sơn thực hiện cụm dự án thủy điện Hướng Sơn bậc 2 và bậc 3 tại địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Gio Linh.
Đây là cụm dự án gồm 3 bậc với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỉ đồng. Dự án Thủy điện Hướng Sơn bậc 1 có tổng vốn đầu tư 701,94 tỉ đồng, được thực hiện tại các xã Hướng Lập, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) với diện tích gần 62 ha. Dự án có công suất thiết kế 20 MW, điện lượng hằng năm 66,95 triệu kWh.
Dự án Thủy điện Hướng Sơn bậc 2 và bậc 3 được giao cho Hướng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 670 tỷ đồng. Tong đó, dự án bậc 2 có tổng vốn đầu tư 217 tỉ đồng, được thực hiện tại xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) với diện tích hơn 72 ha. Dự án có công suất thiết kế 8 MW, điện lượng hằng năm 28,16 triệu kWh.
Dự án Thủy điện Hướng Sơn bậc 3 có tổng vốn đầu tư hơn 454,42 tỉ đồng, thực hiện tại các xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa), Hướng Hiệp (huyện Đakrông) và Linh Thượng (huyện Gio Linh) với diện tích hơn 100 ha. Dự án có công suất thiết kế 19 MW, điện lượng hằng năm 67,7 triệu kWh.