'Một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ'

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vì một số lí do vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lí tiếp tục sử dụng.

Mới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng (THTK,CLP) phí năm 2018.

Theo đó, đơn vị này cho biết mặc dù năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã phê bình, nhắc nhở nhưng năm 2019 vẫn có 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả THTK,CLP (gửi sau ngày 28/2/2019).

Bên cạnh đó, có 27/34 bộ, ngành và 34/63 địa phương chưa triển khai Thông tư số 129/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính qui định tiêu chí đánh giá kết quả THTK,CLP trong chi thường xuyên.

Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, việc xây dựng báo cáo của một số cơ quan, đơn vị còn sơ sài, thiếu số liệu.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết một số hạn chế về THTK,CLP trong báo cáo của Chính phủ là còn đánh giá chung chung.

Một số nhận định, đánh giá thiếu số liệu, dẫn chứng như nhận định thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nhưng chưa chỉ rõ là lĩnh vực nào...

Về quản lí, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, phương tiện, trang thiết bị làm việc, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết việc xử lí nhà, đất công sản còn chậm.

Cụ thể, đến nay các cấp có thẩm quyền mới chỉ phê duyệt phương án đối với 132.844 cơ sở với tổng diện tích là 2.282tr m2 đất và 124,4tr m2 nhà, đạt khoảng 80% cơ sở, 70% tổng diện tích đất và 85% diện tích nhà so với số được tổng hợp, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương chưa thực hiện nghiêm việc chấm dứt sử dụng nhà, đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết; chưa thực hiện việc di dời các hộ gia đình bố trí trong khuôn viên trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vì một số lí do vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lí tiếp tục sử dụng.

Nhiều bộ, cơ quan ở Trung ương chưa ban hành qui định phân cấp quản lí, sử dụng tài sản công theo qui định.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong THTK,CLP năm 2018 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lí chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỉ cương, kỉ luật trong THTK,CLP còn hạn chế nhất định,...

"Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong THTK,CLP", Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.