Sáng 30/11, ứng dụng quan trắc không khí PAM Air ghi nhận nhiều điểm ở Hà Nội chất lượng không khí ở mức kém, không tốt cho sức khoẻ con người. (Ảnh: XUÂN LONG)
Sáng 30/11, ứng dụng quan trắc PAM Air ghi nhận kết quả chất lượng không khí ở hầu hết các khu vực trong Hà Nội và một số nơi lân cận đều ở ngưỡng đỏ, không tốt cho sức khỏe.
Chỉ số chất lượng không khí phổ biến ở mức 160 - 187 - ngưỡng chất lượng không khí kém, trong đó có những điểm chỉ số chất lượng không khí chuẩn bị sang ngưỡng xấu như tại khu vực Hàng Quạt, khu vực Trường tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm.
Kết quả quan trắc của thành phố Hà Nội trong sáng 30/11 cũng tương tự, nhiều điểm ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, chất lượng không khí ở ngưỡng xấu.
Theo Tổng cục Môi trường, trong tuần từ 22/11 đến 29/11, chất lượng không khí tại một số đô thị lớn có sự khác biệt rất rõ. Tại Hà Nội, mức độ ô nhiễm cao nhất, sau đó đến các thành phố: Việt Trì, Hạ Long, TP.HCM, riêng Huế và Đà Nẵng chất lượng không khí vẫn ở mức tốt.
Theo kết quả quan trắc, Tổng cục Môi trường cho biết tại Hà Nội, trong tuần qua có tới 6/7 ngày chất lượng không khí duy trì ở mức kém.
Trong nhóm các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, bụi mịn PM2.5 tăng cao có nguyên nhân từ đun bếp than tổ ong. Ở một số khu vực quanh bệnh viện của Hà Nội, tình trạng đun bếp than tổ ong còn rất phổ biến / Ảnh: XUÂN LONG
Ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi bụi mịn PM2.5, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép so với tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.
Trong các đô thị, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại Hà Nội cao nhất, có đến 6/7 ngày giá trị này vượt giới hạn. Chỉ có ngày 28/11, thông số PM2.5 tại Hà Nội mới giảm và nằm trong giới hạn cho phép.
Tại Đà Nẵng và Huế, giá trị thông số PM2.5 vẫn thấp hơn giới hạn của tiêu chuẩn cho phép trong tất cả các ngày. So với tuần trước, từ ngày 15/11 đến 21/11, chất lượng không khí trong tuần từ 22/11 đến 29/11 tại Đà Nẵng có kém hơn.
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí cho thấy tại Việt Trì có 4/7 ngày chất lượng không khí ở mức kém (101/150), còn tại TP.HCM là 1/7 ngày chất lượng không khí ở mức xấu.
Về diễn biến hàm lượng bụi mịn PM2.5 trong ngày, theo Tổng cục Môi trường, các thời điểm hàm lượng PM2.5 cao vẫn là từ đêm đến đầu giờ sáng, đạt cực đạt lúc 5/6h sáng.
Tổng cục Môi trường cho rằng kết quả quan trắc trong những năm trước cũng cho thấy khu vực miền Bắc giai đoạn giữa mùa đông là thời kì chất lượng không khí thấp nhất trong cả năm. Vì vậy, người dân cần theo dõi các thông tin về chất lượng không khí để có những ứng phó phù hợp. Trong những ngày chất lượng không khí ở mức kém và xấu thì hạn chế các hoạt động ngoài trời, luôn đeo khẩu trang chống được bụi mịn và hạn chế mở cửa nhà.
Cũng trong ngày 30/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một số tỉnh miền Bắc bắt đầu ảnh hưởng bởi không khí lạnh, khoảng chiều và đêm 1/12, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ sẽ có mưa, mưa nhỏ rải rác từ chiều 1/12, đến đêm trời trở rét. Từ ngày 2/12, tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn do tác động của đợt không khí lạnh kèm theo mưa.