Trong phiên giao dịch đêm 3/9, giá vàng lại vượt lên trên ngưỡng 1.550 USD/ounce. Giá vàng trong nước sáng 4/9 lập tức trở lại ngưỡng 43 triệu đồng/lượng. Sức cầu dồn dập từ các tổ chức giao dịch vàng trên thế giới cũng như từ ngân hàng trung ương các nước đang đẩy giá vàng đi lên.
Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng miếng trên thị trường thế giới tăng khoảng 250 USD/ounce, tương đương mức tăng gần 20%.
Vàng tăng giá bất chấp đồng USD của Mỹ vẫn ở mức cao, trong khi đồng NDT của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 11 năm so với USD, còn Euro và bảng Anh xuống giá kỉ lục.
Tại thị trường trong nước, sau 5 năm nằm im ở mức 36 triệu đồng/lượng, giá vàng đang dồn dập tăng. Tính từ đầu tháng 8 tới giờ, có những tuần giá vàng đã tăng tổng cộng gần 3 triệu đồng/lượng và hiện ở mức gần 43 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng gần đây tăng nhanh.
Giá vàng tăng mạnh và vọt lên đỉnh cao mới trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nguy cơ bất ổn chưa từng có. Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết chiến, tuyên bố sẽ cứng rắn hơn nhiều nếu Bắc Kinh trì hoãn đàm phàn thương mại, trong khi Trung Quốc không có nhiều dư địa chính sách để chống đỡ.
Vàng được hưởng lợi trong bối cảnh nền kinh tế cả Mỹ và Trung Quốc đang phát ra những tín hiệu cho thấy suy giảm tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu và sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc liên tục thu hẹp. Chỉ số PMI - đo lường hoạt động của các nhà máy của Trung Quốc - rớt xuống mức 49,5 điểm trong tháng 8. Đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp và đã 6 lần kể từ đầu năm, PMI của Trung Quốc xuống dưới ngưỡng đánh dấu giữa mở rộng và thu hẹp: 50 điểm.
Ngành chế tạo của Mỹ lần đầu tiên sau 3 năm qua cũng suy giảm. Đơn đặt hàng và thuê mướn nhân công trong tháng 8 giảm từ 51,2 điểm hồi tháng 7 xuống 49,1 điểm, do căng thẳng thương mại đang làm suy mòn lòng tin kinh doanh. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này suy giảm. Trước đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố báo cáo cho biết ngành chế tạo nước này rơi vào suy thoái.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn sau khi Ngân hàng TƯ Trung Quốc (PBOC) gần 1 tháng qua liên tục hạ tỷ giá trung tâm - tham chiếu (midpoint) dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. Đến nay, tỷ giá này đã xuống tới 7,0884 đổi 1 NDT (ngày 3/9). Tỉ giá giao dịch trên thị trường quốc tế đã xuống tới dưới ngưỡng 7,16 NDT đổi 1 USD.
Cuộc chiến tiền tệ giữa các nước khốc liệt.
Trên thực tế, vàng bắt đầu tăng giá mạnh sau khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Đây cũng là biện pháp đáp trả đầu tiên đối với việc PBOC để đồng NDT tuột khỏi ngưỡng quan trọng.
Trong bối cảnh các nền kinh tế đồng loạt phát ra tín hiệu xấu, ngân hàng TƯ các nước sẽ phải giảm lãi suất; điển hình là từ Mỹ, Trung cho tới châu Âu, Nhật,... đều đã hạ lãi suất hoặc/và thực hiện các biện pháp nới lỏng.
Tháng 9 này, Fed sẽ có một phiên họp quan trọng, nếu không có gì bất thường thì ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm phần trăm. Các nước khác cũng đang đẩy nhanh nới lỏng chính sách tiền tệ.
Dù vậy, ngân hàng trung ương các nước cũng khó điều chỉnh gì nhiều, bởi lãi suất hầu hết đều đang ở mức thấp. Nhiều nơi còn duy trì lãi suất âm. Do vậy, các cơ quan này không có nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là một môi trường hoàn hảo để vàng tiếp tục xu hướng đi lên.
Vàng còn được hỗ trợ bởi những bất ổn tại châu Âu khi mà ngày càng có cơ sở cho thấy nước Anh sẽ rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit mà không có một thỏa thuận nào. Theo kế hoạch, mốc Anh rời khỏi EU là vào 31/10 tới.
Vàng được dự báo nằm trong xu hướng đi lên về dài hạn.
Đại diện Ủy ban châu Âu (EC) hôm 3/9 cũng thừa nhận khả năng cao về một kịch bản "Brexit cứng" sẽ diễn ra cho dù dây là điều mà EU hoàn toàn không mong muốn. Hiện tại, EU vẫn muốn chính quyền thủ tướng mới Boris Johnson sẽ để nước Anh rời EU trên cơ sở thỏa thuận mà cựu thủ tướng Theresa May đã đạt được trước đó. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị Quốc hội Anh bác bỏ 3 lần.
Ông Boris Johnson đang tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit với EU, nhưng nhiều đại diện khối liên minh này cho hay sẽ không thay đổi thỏa thuận "li hôn" với Anh, đặc biệt là điều khoản "chốt chặn", nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit. Điều khoản này được coi phải là một phần trong bất kì thỏa thuận Brexit nào.
Nếu không có gì thay đổi lớn thì cuối tháng 10, nước Anh sẽ ra khỏi EU với một kịch bản cứng. Vàng cũng được dự báo sẽ tăng sau sự kiện này.
Tới giữa tháng 12, những mức thuế mới Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc và ngược lại sẽ có hiệu lực. Nó cũng góp phần khiến giới đầu tư đẩy nhanh dòng tiền vào loại hàng hóa có độ rủi ro thấp như vàng.
Ông Trump cho biết ông sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc nếu tái đắc cử tổng thống Mỹ. Cuộc chiến thương mại đang ở vào giai đoạn “ăn miếng trả miếng” và được dự báo sẽ còn kéo dài. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ còn những dòng tiền tìm đến mặt hàng kim loại quý.
Một số dự báo cho rằng, chu kì nới lỏng mới của Fed có thể sẽ đẩy vàng lên 1.600 USD/ounce, thậm chí 1.700 USD/ounce. Fed được cho là có thể sẽ 4 lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 6/2020.
Sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ tác động toàn diện đến thế giới.