Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan trở thành tâm điểm của thị trường. Theo đó, mã MSN đã có 7 phiên tăng giá liên tiếp từ giá 54.100 đồng/cp lên 74.800 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ tăng 38,3%. Đi cùng với sự tăng giá là thanh khoản đột biến.
Tuy nhiên, đà tăng giá của cổ phiếu MSN chỉ trong thời gian ngắn vẫn chưa thể giúp nhiều quĩ đầu tư "vào bờ". Trong đó, không thể không nhắc đến hai cổ đông tổ chức lớn là SK Group (Hàn Quốc) và quĩ Chính phủ Singapore (Government of Singapore - GIC).
Nói về thương vụ đầu tư của GIC vào Masan, đây là cổ đông tổ chức nước ngoài lớn nhất nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Masan. Việc tăng số lượng cổ phần nắm giữ của GIC vào Masan được thực hiện vào tháng 3/2016.
Cụ thể, ngày 14/3/2016, GIC đã mua thỏa thuận 27,63 triệu cổ phiếu MSN, nâng tỉ lệ sở hữu từ 1,38% lên 5,08% vốn điều lệ của Tập đoàn Masan và trở thành cổ đông lớn. Mức giá thực hiện giao dịch là 69.200 đồng/cp. Ước tính GIC đã chi ra gần 1.920 tỉ đồng để mua vào cổ phiếu MSN tại thời điểm đó.
Nếu điều chỉnh giá khi trả cổ tức bằng cổ phiều bằng tiền mặt, giá vốn cho lô cổ phiếu do GIC mua vào trong tháng 3/2016 khoảng 44.000 đồng/cp. Với giá đóng cửa 74.800 đồng/cp, ước tính GIC lãi 70%, tương ứng số tiền lãi hơn 1.340 tỉ đồng.
Sở hữu của nhóm GIC tính đến ngày 29/5/2020. (Nguồn: GIC)
Trở lại giao dịch gần đây nhất, nhóm GIC đã bán ra 154.520 cổ phiếu MSN trong phiên 29/5, giảm số lượng cổ phần nắm giữ từ hơn 152 triệu cp (tương ứng tỉ lệ sở hữu 13%) xuống còn 151,85 triệu cp (12,99%).
Trái với GIC, thành viên của GIC là Ardolis Investment Pte Ltd. vẫn đang thua lỗ sau 4 đợt gom cổ phiếu MSN của Masan kể từ tháng 10/2018. Theo ghi nhận, Ardolis Investment liên tục "cưa chân bàn" khi trung bình giá xuống cổ phiếu MSN từ 89.200 đồng/cp xuống còn 60.000 đồng/cp.
Gần đây nhất, trong phiên 14/5, Ardolis Investment là đã mua 39 triệu cổ phiếu MSN với giá 60.000 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch khoảng 2.335 tỉ đồng.
(Nguồn: Lợi Hoàng ước tính)
Theo tổng hợp của người viết, trong 4 đợt tăng tỉ lệ sở hữu tại Masan, quĩ Ardolis Investment chi ra tổng cộng 7.973 tỉ đồng. Ước tính với giá đóng cửa 74.800 đồng/cp, giá trị thị trường khoản đầu tư vào MSN của quĩ là hơn 7.842 tỉ đồng. Như vậy, Ardolis Investment tạm lỗ gần 131 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào MSN.
Tổng hợp lại đợt mua gom MSN của GIC vào tháng 3/2016 và 4 đợt mua vào của quĩ thành viên - Ardolis Investment, nhóm này đang lãi hơn 1.200 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào MSN.
Tương tự với tình trạng của Ardolis Investment, cổ đông lớn của Masan - SK Group (Hàn Quốc) vẫn chưa có lãi khi sở hữu cổ phiếu MSN thông qua quĩ thành viên SK Investment Vina I Pte. Ltd.
Phiên 2/10, nhóm quĩ này đã mua vào gần 109,8 triệu cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan với giá trị gần 11.000 tỉ đồng (gần 470 triệu USD), tại mức giá 100.000 đồng/cp. Đây là lượng cổ phiếu quĩ được Masan bán ra để bổ sung vốn chủ sở hữu của công ty.
Ước tính với giá đóng cửa 74.800 đồng/cp, SK Investment Vina I đang lỗ khoảng 25%, tương ứng 2.750 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào Masan.
Thống kê trên cho thấy trạng thái của các quĩ ngoại khi nắm giữ cổ phiếu MSN trong nhiều năm. Theo ghi nhận của người viết, hiện một số quĩ đóng trên thị trường cũng đang phân bổ danh mục đầu tư vào cổ phiếu MSN.
Đơn cử, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund đang phân bổ khoảng 7,9% danh mục giá trị gần 266 triệu USD vào cổ phiếu MSN. Tundra Sustainable Frontier Fund cũng đang phân bổ 2,8% danh mục đầu tư 159,2 triệu USD vào cổ phần của Tập đoàn Masan.
Tuy nhiên, người viết chưa có đủ cơ sở để ước tính về giá trị lãi lỗ khoản đầu tư cổ phiếu MSN của hai quĩ.