Trong đó, Bình Định có ba người chết, ba người mất tích; Quảng Ngãi có một người mất tích và hai người bị thương. Mưa lũ cũng làm hơn 4.200 ngôi nhà bị ngập (Quảng Ngãi: 460 ngôi nhà, Bình Định: 3.822 ngôi nhà). Hiện nay mực nước các hồ thủy điện của khu vực miền trung và Tây Nguyên trung bình đạt 80 đến 95% dung tích thiết kế. Các tỉnh trong khu vực đã chủ động triển khai công tác điều tiết hồ chứa nước theo quy trình vận hành.
Nhiều xã ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bị ngập sâu trong nước. Font Size: | |
Từ chiều 30-11, tàu cá số hiệu QB 98991TS do ông Nguyễn Thanh Minh (SN 1983 ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) làm thuyền trưởng cùng sáu ngư dân đang khai thác hải sản tại vị trí cách phía đông cửa Gianh - Quảng Bình khoảng 88 hải lý thì chết máy phải thả trôi tự do và phát tín hiệu cứu nạn. Một tàu cá của ngư dân phường Quảng Phúc gần đó đã tiếp cận, cứu bảy thuyền viên an toàn và tổ chức lai dắt tàu cá QB 98991TS về bờ.
Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến đường vào khu sản xuất Hố Mây, thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị sạt lở nghiêm trọng. Hằng ngày, người dân đi lại trên con đường này rất khổ sở gây ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch nông sản của một trăm hộ dân có khoảng 300 ha xoài, chuối, điều, mì… canh tác ở khu sản xuất Hố Mây.
Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bình Định, đến sáng 2-12, nước lũ trên các sông rút chậm, nhiều địa phương vẫn bị ngập và chia cắt do lũ. Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng 730 ha cây hoa màu; 4 ha mặt nước nuôi tôm; 206 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá; hơn 7 km và 3.800 m3 kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 128 đập tạm, đập bổi bị nước lũ cuốn trôi; 1,4 km bờ suối và 12 cống tiêu thoát lũ bị sạt lở. Đáng chú ý, mưa lũ làm ba người chết, ba người bị thương.
Tại huyện Hoài Ân, nước lũ dâng cao làm 1.600 ngôi nhà và 1.200 giếng ngập sâu; 75 ha hoa màu bị tàn phá; khoảng 1.000 gia cầm bị cuốn trôi; hơn 2,2 km kênh mương sạt lở, bồi lấp... Tuyến giao thông lên những xã vùng cao, cầu tràn ở Gò Dài, Bến Nhơn cùng 300 hộ dân ở An Hòa ngập sâu. Nhiều xã trong khu Đông và Tây huyện Tuy Phước cũng gặp tình cảnh tương tự khiến 29 trường học phải cho 18 nghìn học sinh nghỉ để bảo đảm an toàn.
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cho biết, trong tháng 12, không khí lạnh sẽ tiếp tục gia tăng về cường độ và tần suất xuất hiện; các tỉnh miền bắc có khả năng chịu ảnh hưởng từ bốn đến năm đợt không khí lạnh. Các tỉnh miền trung, nhất là khu vực trung và nam Trung Bộ tiếp tục chịu tác động của không khí lạnh kết hợp với các hình thế gây mưa lớn khác. Vì vậy, khu vực này cần đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng gây ra lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng
Từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên đã xảy ra hai đợt mưa lũ lớn, làm 65 người chết và mất tích; gần 200 nghìn nhà ngập nước, hơn 22 nghìn ha lúa ngập, hư hại. Thiệt hại về vật chất ước tính hơn 7.198 tỷ đồng. Nhằm rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo ứng phó và công tác khắc phục, sáng 2-12, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn về rút kinh nghiệm công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lưu ý, trong công tác ứng phó thiên tai phải chủ động không để bị bất ngờ. Trong đó, các địa phương phải thực hiện đúng phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó kịp thời với mọi tình huống khi thiên tai xảy ra. Trước mắt, cần tập trung ứng phó với mưa lũ đang diễn ra tại một số tỉnh miền trung, có giải pháp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra; tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức điều tra vết lũ, nhận dạng lũ; đánh giá ảnh hưởng, tác động tới đời sống, cơ sở hạ tầng vùng hạ du của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong hai đợt mưa lũ vừa qua, đề xuất trình Chính phủ giải pháp căn cơ bảo đảm phòng, chống lũ an toàn, phù hợp với từng giai đoạn hiện nay…
Chiều 2-12, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xảy ra lốc xoáy kèm mưa lớn kéo dài, làm nhiều căn nhà bị sập và tốc mái. Theo thống kê ban đầu, có 126 căn nhà bị ảnh hưởng tại bốn xã, phường, gồm: Lạc Hòa, Vĩnh Hiệp, phường 2, phường Khánh Hòa, trong đó có 20 căn nhà sập hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân và người dân đến hiện trường giúp đỡ bà con khắc phục thiệt hại; đồng thời, hỗ trợ trước mắt hai triệu đồng/hộ có nhà bị sập hoàn toàn.
Nhiều hồ chứa chủ động vận hành xả lũ Ngày 2-12, Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền trung - Tây Nguyên cho biết, hiện nay mực nước các hồ thủy điện của khu vực miền trung và Tây Nguyên trung bình đạt 80 đến 95% dung tích thiết kế. Các tỉnh trong khu vực đã chủ động triển khai công tác điều tiết hồ chứa nước theo quy trình vận hành. Trong ngày 1-12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành liên tiếp hai lệnh vận hành thủy điện. Theo đó, từ 12 giờ, thủy điện Hương Điền xả lũ điều tiết với lưu lượng 300 m3/s; từ 17 giờ cùng ngày, thủy điện Bình Điền xả điều tiết khoảng từ 160 đến 200 m3/s. Có bốn trong số tám hồ của tỉnh Đác Lắc đang vận hành xả qua cửa gồm: Ea Soup Thượng, Krông Buk Hạ, Buôn Yông, Vụ Bổn. |