Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (H.Mai Sơn) bị thiệt hại nặng nhất của đợt lũ quét vừa qua tại Sơn La. TUỆ NGUYỄN |
Lo nhất học sinh đói cơm ăn, thiếu sách học
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (H.Mai Sơn) là một trong những trường bị thiệt hại nặng nhất của đợt lũ quét vừa qua tại Sơn La. Cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến trường này là một khoảng sân như ruộng, bốn bề là màu vàng đỏ của bùn đất dày đến gần 1 m. Các lực lượng như quân đội, công an, người dân và cả các trường học lân cận đều dồn về đây để giúp thầy trò khắc phục hậu quả thiên tai với hy vọng sẽ có một sân trường sạch sẽ tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5.9.
Theo cô giáo Trần Thị Khuyên, từ chiều 29.8, toàn trường đã căng mình dọn dẹp sau đợt mưa lũ trước đó thì đến ngày 30.8 đợt lũ mới lại tràn về. Thầy giáo Trần Trung Huấn, Hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại khoảng hơn 17 giờ ngày 28.8, khi bữa chiều đang được các cô nhà bếp dọn ra sân trường, học sinh (HS) chuẩn bị ăn thì lũ ập đến và chỉ trong 2 - 3 phút đã tràn qua sân và lên rất nhanh. Các thầy cô chỉ kịp hô hoán để HS lên tầng 2 tránh lũ...
Ông Huấn cho biết, lũ đi qua rất nhanh nhưng toàn bộ trang thiết bị dạy học, máy tính, sách vở tại thư viện và phòng thực hành của nhà trường đều bị lũ cuốn hoặc làm hỏng; 1,4 tấn gạo vừa mua dự trữ cho HS bán trú năm học mới cùng toàn bộ dụng cụ nhà bếp, nấu ăn, chăn màn… đều hư hỏng, ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 2 tỉ đồng. Đây là thiệt hại quá lớn ở một xã miền núi nghèo khó vốn dạy học trong cảnh thiếu thốn trăm bề.
“Lo nhất là HS vào năm học mới vừa đói cơm ăn vừa thiếu sách học”, ông Huấn nghẹn lời, nói.
Khi trường học an toàn mới cho học sinh trở lại trường
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Sơn La, mưa lũ đã làm nhiều trường thuộc các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ thiệt hại nặng nề. Trong đó H.Mai Sơn, ngoài Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt, còn có Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tà Hộc...
Tại H.Vân Hồ, Trường THPT Vân Hồ nước ngập, bùn đất trôi vào một số phòng, nhiều đoạn đường bị ngập, sạt. Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Xuân bị sạt lở bếp ăn, nhà xe; phòng hội đồng nhà trường có nguy cơ bị núi lở chôn vùi. Trường tiểu học Xuân Nha trôi mất cầu dẫn vào điểm trường Chiềng Hin. Trường tiểu học Vừ A Dính có điểm trường Co Tang (xã Lóng Luông) bị cô lập, chưa thống kê được thiệt hại…
“Dù đặt mục tiêu khai giảng năm học mới đúng kế hoạch, nhưng chúng tôi vẫn đặt an toàn cho HS lên trên hết. Chỉ khi trường học an toàn, sạch sẽ thì mới cho HS trở lại trường”, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Sơn La chia sẻ.
Nhiều trường không kịp khai giảng
Nhiều giáo viên và học sinh vĩnh viễn không được đón ngày khai trường Sau đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp trong tháng 6, 7 và 8 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ngành GD-ĐT tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Trong số đó có nhiều giáo viên và HS vĩnh viễn không bao giờ được đón ngày khai trường nữa. Cụ thể, toàn tỉnh có 2 giáo viên và 9 HS thiệt mạng do mưa lũ, riêng xã Vàng Ma Chải, H.Phong Thổ có 4 HS tiểu học thiệt mạng, 1 HS mất tích. Có 23 trường học bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại các huyện. Hầu hết các trường bị hư hỏng tường rào và các tài sản. Đặc biệt, điểm trường Phìn Khò thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mù Cả bị cuốn trôi, thiệt hại gần 1,5 tỉ đồng. Tuyết Mai |
Ngày 3.9, ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mường Lát (Thanh Hóa), cho biết chưa thể thống kê cụ thể có bao nhiêu điểm trường bị vùi lấp, hư hỏng vì lũ do mất liên lạc, nhiều xã bị cô lập. Theo ông Giang, những xã bị ảnh hưởng nhẹ hơn cũng rất khó khăn để tổ chức cho HS ăn bán trú vì thiếu lương thực.
“Mới chỉ xác định được trường mầm non và tiểu học ở bản Lìn, xã Trung Lý; trường mầm non và tiểu học bản Pọong, xã Tam Chung bị đất đá vùi lấp đến nóc. Ngoài ra, 2 trường THCS xã Tam Chung và xã Pù Nhi cũng bị hư hỏng nhiều phòng học, nhà bán trú nên không thể khai giảng đúng lịch. Chúng tôi chưa thể biết khi nào thông đường vào các trường”, ông Giang nói.
Tại H.Cẩm Thủy (Thanh Hóa), nước sông Mã dâng đã làm 11 trường học trên địa bàn ngập sâu 1 - 3 m. Từ ngày 1.9, nước bắt đầu rút nhưng nhiều bàn ghế, sách vở, tài liệu giảng dạy bị hư hại.
Tại H.Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), bà Nguyễn Thanh Dung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Yên, cho biết đến ngày 2.9 nước đã rút, nhưng bùn đất còn dày, có nơi đến 20 cm nên vẫn không kịp để ngày 5.9 khai giảng.
Tại 3 huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông của tỉnh Nghệ An, đến ngày 3.9, nhiều trường học vẫn phải kêu gọi phụ huynh đến dọn bùn đất để kịp ngày khai trường.
Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng GD-ĐT H.Kỳ Sơn, cho biết: “HS THCS ở nhiều nơi có thể sẽ không đi đến trường được vì đường bị vùi lấp, chưa thể khắc phục kịp”. Tại H.Con Cuông, lũ do bão số 4 đã nhấn chìm Trường THCS Dân tộc nội trú (TT.Con Cuông) và Trường tiểu học Bồng Khê (xã Bồng Khê) ngập sâu khoảng 2 m. Lũ rút thì bùn cũng phủ dày 40 - 50 cm, khiến chính quyền địa phương phải huy động lực lượng dọn dẹp. Nhưng vừa dọn xong thì lũ mới lại về ngập cao hơn đợt trước khiến ngày 3.9, Bộ Chỉ huy quân sự Nghệ An phải huy động 150 cán bộ, chiến sĩ đến 2 trường trên để dọn bùn giúp trường kịp khai giảng.
Hàng trăm học sinh sống trong vùng lũ chia cắt Lũ tràn về An Giang và Đồng Tháp gây ngập sâu nhiều tuyến đường. Trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông (xã Vĩnh Hội Đông, H.An Phú, An Giang) như một ốc đảo vì nước lũ bao vây. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó hiệu trưởng, cho biết trường có 534 HS thì đã có hàng trăm em sống trong vùng bị lũ chia cắt, phần đông các em ở 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An. Những điểm này có nơi nước ngập sâu hơn 1,5 m nên các em không thể đến trường. Hai điểm trường tiểu học và THCS ở xã Phú Hữu (H.An Phú) cũng nằm trong rốn lũ nên có 146 HS bị ảnh hưởng phải nhờ đưa rước. Còn ở H.Hồng Ngự (Đồng Tháp), khu dân cư ở ấp Giồng Bàn (xã Thường Phước 1) bị nước lũ bao vây nên hàng chục HS THCS và THPT cũng không thể đến trường. Thanh Dũng |
Không khóc nhè, không bịn rịn như phụ huynh tưởng, các bé hào hứng vào lớp 1
Chẳng còn lạ lẫm, bỡ ngỡ hay gào khóc như khi ở mẫu giáo, năm học mới bắt đầu bắt đầu, dường như các bé ... |
Miền Tây loay hoay đối phó lũ lên cao khi sắp đến ngày khai giảng
Sắp đến ngày khai giảng (5/9) nhưng giao thông vẫn bị chia cắt do nước lũ lên cao, ngành giáo dục các tỉnh miền Tây ... |
Khai giảng năm học mới, bố mẹ đối mặt với nỗi lo mới: Đưa đón con đi học
Năm học mới vừa bắt đầu, bên cạnh nỗi lo về việc học của con, về học phí, các khoản đóng góp, bố mẹ còn ... |