Truyền thống “Mùng 3 tết thầy” vốn được xem là nét đẹp trong văn hóa người Việt. Trước đây, khi Nho học còn thịnh hành, chưa có ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, người Việt xem ngày Mùng 3 Tết là ngày dành thời gian đến thăm hỏi người thầy đã dạy dỗ mình, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa đã có những chia sẻ với chúng tôi về truyền thống này nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
- Dưới góc nhìn văn hóa, quan niệm về 'Mùng 3 Tết thầy' thời kì trước đây được hiểu như thế nào thưa ông?
Hoạt cảnh học trò Phạm Sư Mạnh khi đỗ đạt làm quan vẫn giữ lễ nghĩa khi tới thăm thầy giáo Chu Văn An để thể hiện đạo thầy trò. Ảnh tư liệu: Đình Tuệ. |
PGS.TS Lê Quý Đức: "Mùng 3 Tết thầy" trong câu ca dao xưa nay là để nói về công cha nghĩa mẹ ơn thầy, giúp thế hệ sau biết ơn sinh thành, dưỡng dục làm người của đấng sinh thành, giúp trở thành người có nhân cách. Đây là biểu hiện ứng xử có tính đạo đức, đạo lý. Ứng xử văn hóa là biết ơn những người giáo dục mình, là thầy giáo mình. Đó là truyền thống văn hiến của dân tộc. Có lẽ chỉ từ khi có việc giáo dục, không chỉ học chữ mà còn dạy nghề, thợ mộc hay thợ may đều là truyền thống.
Theo tác giả Phan Kế Bính viết trong cuốn 'Việt Nam phong tục', những ngày như Mùng 1 Tết nhà nội (Tết cha), Mùng 2 Tết nhà ngoại (Tết mẹ) gọi là biếu, khấn vái, quà tết cho họ nội và họ ngoại. Đây không chỉ là cha, mẹ mà là họ nội, ngoại. Điểm này mang tính truyền thống, dù hơi phóng kiến nhưng có phần đề cao người đàn ông hơn.
'Mùng 3 Tết thầy' nghĩa là dâng hương, biếu quà. Tác giả Phan Kế Bính có ghi lại rằng: Ngày này, học trò có thúng gạo, một hay đôi gà trống, có thể là bánh đường phèn, bánh đèn lồng đến thăm thầy. Ngày xưa không hẳn chỉ có duy nhất Tết Nguyên đán mà còn có cả ngày Mùng 3/3 (âm lịch), Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hay ngày Rằm tháng 7... học trò cũng đến nhà thầy.
Thầy đau ốm hay gia đình thầy có việc hiếu, học trò cũng đến thăm nom giống như người sinh thành ra mình. Như vậy có thể thấy rằng, 'Tết của thầy' có thể thay cho việc đóng góp để trả công, trả lương cho thầy. Ngày xưa thầy không có lương, có chăng làng xã sẽ tập trung trả thóc gạo, nuôi sống bằng vật chất với người thầy. Tất cả là phong tục xã hội truyền thống của dân tộc mà chủ yếu từ thời Nho học còn thịnh trị.
- Vậy sau giai đoạn đó, khi Nho học không còn phát triển như trước thì mối quan hệ giữa người thầy và học trò có biến đổi như thế nào thưa ông?
PGS.TS Lê Quý Đức: Ở thời kỳ Pháp thuộc, việc ứng xử với người thầy cũng gần như vậy. Thời kì này đã bắt đầu có nhà trường của nhà nước đứng ra tổ chức.
Trong xã hội trung đại, nhà trường là tư thục do thầy đồ, hay do ông nghè, ông cống đứng ra tổ chức. Hoặc có nơi sẽ do gia đình có của đứng ra tổ chức. Họ có thể mời kêu gọi thêm những gia đình khác cùng cho con học ở những trường tư thục như vậy. Thời Pháp thuộc vào còn có hệ thống công lập của nhà nước. Thầy giáo dạy trường Pháp - Việt ăn lương của nhà nước. Cách trả công thầy cũng đã bớt đi.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, nhà nước ta làm chủ đất nước tổ chức công lập là chính, thầy giáo ăn lương bằng tiền nhà nước. Đi tết thầy dần dần giảm lược đi, không nặng về ý thức đề cao mùng 1, 2, 3. Thậm chí có nơi không đi đi tết thầy nữa, chỉ có một số gia đình làm tốt truyền thống còn tết thầy giáo.
Tết thầy chỉ quay lại với chúng ta vào thời kỳ đổi mới là chính. Thầy dạy tri thức học vấn văn hóa, thậm chí thầy dạy cả nghề nghiệp. Đó là về cả ý thức, người ta hoài niệm, giữ và phục hồi truyền thống cũ. Thứ hai có thể do đời sống xã hội phát triển cao “phú quý sinh lễ nghĩa” có điều kiện đến thăm thầy.
- Thực tế hiện nay việc đi thăm thầy cô giáo không chỉ có ngày Mùng 3 Tết mà còn có ngày 20/11, 8/3 hay 20/10 và nhiều ngày khác nữa, liệu giá trị của ngày mùng 3 Tết thầy có phần bị giảm đi?
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển (Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Đình Tuệ. |
PGS.TS Lê Quý Đức: Đây chính xác là câu chuyện rất thực tế diễn ra vài chục năm gần đây. Ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày có ý nghĩa trọng đại với các thầy cô giáo.
Tuy nhiên, thực trạng do điều kiện kinh tế thị trường và hiểu không đúng đắn nên tết thầy cô có thể biến tướng. Có một số phụ huynh hay học sinh nghĩ là chăm chỉ 'đi Tết' thầy cô sẽ được quan tâm hơn nên ít nhiều mang hình thức mua bán, thầy làm dịch vụ dạy tôi muốn dịch vụ tốt hơn, kiểu như 'tiền trao cháo múc'...
Với một bộ phận thầy cô cũng có tư tưởng nhân dịp tết muốn biếu hơn, cũng có người lợi dụng đòi hỏi điều kiện vật chất, thậm chí đổi tình lấy điểm. Vậy nên, cả hai điều đó đã phần nào làm giảm mất ý nghĩa thiêng liêng của tết thầy. Hiện tượng này trở nên xấu trong xã hội ta hiện nay.
Nếu như ở cơ quan hành chính thì có người quan niệm 'tốt lễ dễ kêu, nén bạc đâm toạc tờ giấy'. Riêng trong ngành giáo dục, tiêu cực thi cử liên quan đến mua bán, tiền nong trước hết là vi phạm đạo đức của người làm thầy, đồng thời cũng là vi phạm pháp luật. Nó ảnh hưởng và phản ánh một mặt nào đó của đời sống xã hội, không lý tưởng hóa nhà trường như pha lê. Hiện tượng tham nhũng, đút lót trong nhà trường cũng có ở một số nơi.
- Vào mỗi dịp Tết đến người ta thường lì xì cho nhau để lấy may. Tuy nhiên không ít người coi đây là dịp để nịnh nọt người trên thông qua những phong bao lì xì. Ông có nhận định ra sao về thực trạng này?
PGS.TS Lê Quý Đức: Lì xì hay mừng tuổi đầu xuân là phong tục đẹp của người Việt để chúc mừng cho người trên khỏe mạnh, học hành hay công việc tiến tới. Cũng có trường hợp biến tướng thành chuyện lì xì đút lót. Và đút lót trong ngày tết đó là cơ hội để người ta làm có vẻ giảm bớt đi ý nghĩa tiêu cực, người đút lót không ngại mình đút lót. Rõ ràng lì xì kiểu này biểu hiện tham nhũng mua bán chức vụ để phân chia lợi ích.
Ví dụ như, cho làm ăn ưu đãi thì anh lại chia lại cho tôi lợi ích kinh tế. Điều này tạo ra lòng tham và mất đi giá trị thiêng liêng và ý nghĩa nhân bản của tục lệ lì xì. Phản ánh cái thiếu ý thức như phấn đấu đạt cái này cái kia, rèn luyện, mua chức tước, tất nhiên thiếu đi nhân cách vì anh phải đi mua, chạy chọt, thậm chí thiếu liêm sỉ. Có những lãnh đạo trong ngày tết xe pháo xếp hàng không vào được cửa nhà.
Thói xấu có thể sẽ lây sang con trẻ, đi lì xì nó phải ý thức việc đút lót như thế nào. Sau này làm quan chức đòi hỏi lì xì thế nào, di hài cho cái xấu truyền lại làm hỏng thế hệ trẻ của chúng ta và đây là điều đáng lo. Xã hội luôn xử sự với nhau trên cơ sở mua bán mọi lợi ích theo nghĩa nào đó.
Với trẻ em, tiền lì xì đơn giản nhất bố mẹ góp mua quà sinh nhật, hay nói với con mua gì đó kỷ niệm hoặc giúp con làm từ thiện với những người thiếu may mắn. Có nhiều cách giáo dục trẻ biết sử dụng đồng tiền. Tuyệt nhiên ta không nên cho con mở quà hay mở lì xì trước mặt khách mà nên góp vào để bố mẹ giữ hộ. Đây cũng là ân nghĩa như là món nợ, là ý nghĩa đồng tiền. Ta không nên khoe hay so sánh kích thích lòng tham của trẻ, bố mẹ phải tế nhị hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Những câu đối chúc Tết thầy cô cho ngày 'mùng Ba tết thầy'
Những câu đối chúc Tết thầy cô giáo ý nghĩa nhằm tri ân công lao dạy dỗ trong dịp xuân về. |
10 lời chúc Tết thầy cô giáo hay và ý nghĩa nhất
Những lời chúc năm mới không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt với truyền thống tôn sư trọng đạo, học trò thường ... |
'Mùng ba tết thầy' ngày nay ra sao?
Dù là tết xưa hay tết nay, 'mùng ba tết thầy' là dịp để mỗi người nhớ về nguồn cội, thể hiện tình cảm với ... |
Quà Tết thầy cô: Cốt ở tấm lòng
Cuối năm, nhiều phụ huynh lại lăn tăn nghĩ về quà Tết biếu thầy cô. Nhiều người mang nặng suy nghĩ phải đi Tết thầy ... |