Mỹ chìm trong suy thoái, vì sao cử tri vẫn tin tưởng quyết sách kinh tế của ông Trump?

Gần 30 triệu người Mỹ đã mất việc và đang nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn đạt điểm tương đối cao về cách kiểm soát nền kinh tế trong các cuộc thăm dò dư luận.

"Đẹp khoe, xấu che"

Khi Đảng Cộng hòa tổ chức đại hội toàn quốc và tập trung tìm kiếm "cơ hội" tái đắc cử cho ông Trump, nền kinh tế Mỹ vẫn là một trong các điểm mạnh đáng giá của ông chủ Nhà Trắng.

Trong đêm sự kiện ngày 25/8, Đệ nhất Phu nhân Melania Trump đã bày tỏ niềm cảm thông với nạn nhân của đại dịch Covid-19 và kêu gọi xây dựng sự hiểu biết về vấn đề chủng tộc. Đối tượng trực tiếp của bài phát biểu này là các cử tri nữ đã từ bỏ ông Trump, Reuters cho hay.

Mỹ chìm trong suy thoái, tại sao cử tri vẫn tin tưởng quyết sách kinh tế của ông Trump? - Ảnh 1.

Đệ nhất Phu nhân Melania Trump phát biểu tại đại hội của Đảng Cộng hòa tối 25/8. (Ảnh: AFP).

Trong khi đó, một loạt quan chức và người Mỹ hàng ngày vẫn chỉ ra nỗ lực của ông Trump trong việc nới lỏng các qui định kinh tế, đặt "Nước Mỹ trên hết" trong các thỏa thuận thương mại và bảo tồn quyền tự do tôn giáo để bảo vệ ông chủ Nhà Trắng trước đối thủ Joe Biden.

"Lựa chọn kinh tế của chúng tôi rất rõ ràng. Bạn muốn một nền kinh tế thịnh vượng, giàu cơ hội và lạc quan, hay muốn quay trở về những ngày đen tối, trì trệ, suy thoái và bi kịch?", cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow phát biểu tại đại hội ngày 25/8.

Tuần trước, phát biểu trước những người ủng hộ tại Minnesota, ông Trump cũng nói: "Số liệu mà chúng tôi công bố thật đáng kinh ngạc. Trong ba tháng qua, nước Mỹ đón thêm nhiều việc làm hơn bao giờ hết".

Khi khoe khoang về thành tựu việc làm trong ba tháng 5, 6 và 7, ông Trump đã tiện tay bỏ qua hàng chục triệu việc làm biến mất trong tháng 3 và tháng 4. Theo NPR, cho đến nay Mỹ chỉ mới phục hồi gần một nửa số lượng việc làm bị đại dịch Covid-19 quét sạch vào mùa xuân năm nay.

Thông thường, tỉ lệ thất nghiệp hai con số có thể cướp đi cơ hội tái đắc cử của một tổng thống đương nhiệm. Năm 1992, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nhẹ cũng đủ để khiến Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) đánh mất nhiệm kì thứ 2.

Dù tăng mức độ phủ sóng sau khi giành chiến thắng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, tỉ lệ tín nhiệm về kinh tế của ông Bush đã giảm mạnh xuống còn 18%.

Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp năm đó chưa bao giờ đạt đến 8%, ông Bush đã thất cử trước Tổng thống Bill Clinton. Khi đó, chiến lược gia chính trị James Carville từng có một câu nói nổi tiếng: "Vấn đề là kinh tế, đồ ngốc ạ!"

Câu nói của ông Carville phản ánh bản chất chính trị của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1992. Người dân Mỹ rất quan tâm đến vấn đề kinh tế, do đó ông Clinton đã đánh mạnh vào yếu tố này và trở thành Tổng thống Mỹ đời 42.

Có nhiều lí do khiến dân Mỹ vẫn tin tưởng chính sách kinh tế của ông Trump

Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế năm nay nghiêm trọng hơn nhiều, tỉ lệ ủng hộ của cử tri trước cách ông Trump chèo lái nền kinh tế vẫn tiếp tục dao động gần 50%.

Mỹ chìm trong suy thoái, tại sao cử tri vẫn tin tưởng quyết sách kinh tế của ông Trump? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump phát biểu tại bang Wisconsin hôm 17/8. (Ảnh: Getty Images).

Ông Whit Ayres - nhà thăm dò ý kiến của Đảng Cộng hòa, nhận định: "Trong tâm trí người dân bây giờ là ấn tượng về nền kinh tế Mỹ trước đại dịch".

Ông Ayres cho rằng nhiều người Mỹ vẫn đang đánh giá cao chính sách kinh tế của ông Trump như cách đây nửa năm, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới điêu đứng.

"Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỉ lục và nền kinh tế đang trong tình trạng ổn định trước khi đại dịch đánh gục nó", ông Ayres nói.

Tỉ lệ tín nhiệm của Tổng thống Trump nhìn chung không tăng và giảm mạnh như trước đây. Người Mỹ cho rằng họ đang phân cực nhiều hơn, chần chừ từ bỏ nhà lãnh đạo của chính họ hoặc miễn cưỡng chấp thuận phía còn lại.

NPR nhận định, ông Trump cũng có thể nhận được tín nhiệm về kinh tế cao vì người Mỹ quan tâm nhiều đến các vấn đề khác hơn, chẳng hạn như quan hệ chủng tộc và đại dịch.

Bà Lydia Saad - Giám đốc công ty nghiên cứu Gallup, cho hay: "Người dân Mỹ xem đại dịch Covid-19 là một căn bệnh và nền kinh tế là triệu chứng".

"Họ xem suy thoái kinh tế như một cơn bão, tự đến và gây bao ảnh hưởng nhưng cuối cùng bão sẽ tan và cuộc sống trở lại bình thường", bà Saad nói tiếp.

Đó chính là cách ông Mark Schneider - một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, nhìn nhận. Tuần trước, khi chỉ số S&P 500 tiến đến mốc cao kỉ lục, ông Schneider đăng tải một dòng tweet, khen ngợi nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Trump "không gì có thể cản nổi". Bản thân cựu sĩ quan Hải quân Mỹ cho rằng suy thoái sẽ sớm qua đi.

Ông Schneider nói: "Đó chỉ là cảm giác tạm thời. Chúng ta chỉ tạm dừng nền kinh tế chứ không phải cái gì đó làm hỏng cả hệ thống kinh tế Mỹ".

Dù tỉ lệ tín nhiệm của cử tri về kinh tế của ông Trump cao, ông Ayres không chắc chắn về khả năng tái đắc cử của ông chủ Nhà Trắng. Ông Ayres nói: "Đại dịch Covid-19 đã quét sạch những thứ khác".

Tỉ lệ ủng hộ chung của cử tri dành cho ông Trump thấp hơn nhiều so với điểm tín nhiệm về chính sách kinh tế của ông, một phần do chiến lược chống dịch yếu kém của Nhà Trắng. Trừ khi có một giải pháp cho Covid-19, ông Ayres dự đoán sẽ rất khó để nền kinh tế Mỹ phát triển trở lại.

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...