Một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên được coi là biện pháp cuối cùng mà giới chức Mỹ và đồng minh hướng đến do nó sẽ dẫn đến sự thiệt mạng của hàng triệu người dân vô tội ở cả 2 phe.
Theo Jerry Hendrix, cựu sỹ quan hải quân Mỹ và hiện là chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), một cuộc tấn công phủ đầu sẽ diễn ra rất nhanh ở nhiều phương diện khác nhau và mất nhiều tháng để chuẩn bị.
Ông Hendrix cho rằng, Mỹ sẽ mở đầu cuộc tấn công bằng việc triệt hạ các hệ thống tên lửa phòng không của Triều Tiên. Điều này sẽ được thực hiện bằng các máy bay tàng hình tối tân của Mỹ hiện nay như F-22, F-35 hay B-2.
Yểm trợ máy bay Mỹ là các chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, máy bay không người lái cũng có thể được sử dụng nhằm tránh khả năng gây thiệt hại về người.
Sau khi phá hủy được phần lớn các hệ thống phòng không, không lực mạnh nhất sẽ đến từ đảo Guam với sự tham gia các máy bay ném bom tầm xa như B-1B, B-52 và B-2.
Trong khi Mỹ và máy bay đồng minh đang phá hủy các mục tiêu hàng đầu, các tàu chiến của Mỹ ngoài khơi cũng sẽ khai hỏa hàng loạt tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào các căn cứ quân sự, hệ thống phòng không và địa điểm nghi Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa hạt nhân
Hải quân Mỹ đang có ít nhất 10 tàu khu trục và tàu tuần dương ở Nhật Bản. Những tàu này đều được trang bị tên lửa Tomahawk cho mục đích tấn công vào hệ thống chiến đấu Aegis cho đánh chặn các tên lửa của Triều Tiên.
Cùng lúc đó, Mỹ sẽ thực hiện các vụ tấn công mạng nhằm gây gián đoạn các chương trình vũ khí của Triều Tiên. Theo nhiều chuyên gia, sự can thiệp này nhiều khả năng sẽ chỉ làm gián đoạn chứ không thể ngăn cản Triều Tiên triển khai mọi biện pháp đáp trả.
Ông Hendrix nhận định rằng, chiến dịch tấn công phủ đầu Triều Tiên sẽ tiêu tốn một lượng lớn bom và tên lửa trong kho vũ khí Mỹ, do đó, Washington cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Ngoài ra, theo ông Joe Cirincione, chủ tịch Quỹ Ploughshare, tổ chức hoạt động nhằm ngăn cản phổ biến vũ khí hạt nhân, kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên sẽ chỉ là khởi đầu.
Mỹ và đồng minh sẽ không thể phá hủy hết được các khí tài của Triều Tiên, do đó, việc làm tiếp theo sẽ là ứng phó với hàng nghìn hệ thống pháo phản lực của Triều Tiên chuẩn bị tung đòn đáp trả vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc, vốn chỉ cách biên giới khoảng 100km.
Một cuộc tấn công phủ đầu cũng kéo theo một trận chiến leo thang nhằm buộc chính quyền Triều Tiên phải đầu hàng. Với việc Triều Tiên có tới 1 triệu binh lính sẵn sàng chiến đấu, chiến dịch quân sự của Mỹ sẽ cần ít nhất 200.000 lính Mỹ và 500.000 lính Hàn Quốc.