Mỹ xử lý thế nào đối với những kẻ dâm ô trẻ em sau khi mãn hạn hình sự

Ở gần như tất cả các nước trên thế giới, hành vi ấu dâm được coi là tội hình sự, nhưng đặc biệt là ở Mỹ, những kẻ bị vướng vào tội danh dâm ô ở mức độ cao còn phải chịu hình phạt tới cuối đời.

Đạo luật An toàn và Bảo vệ Trẻ em Adam Walsh

Đạo luật An toàn và Bảo vệ Trẻ em Adam Walsh là một đạo luật liên bang đã được Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush ký vào luật ngày 27/7/2006. 

Đạo luật Walsh phân chia những kẻ phạm tội ấu dâm thành ba cấp độ tùy theo tội ác và những hành vi vi phạm, ở cấp độ ba (cấp nghiêm trọng nhất), sau khi ra tù, những kẻ phạm tội sẽ phải liên tục cập nhật nơi ở của mình cho đến hết đời. 

Người phạm tội cấp hai phải cập nhật nơi ở của mình sau mỗi sáu tháng và kéo dài trong vòng 25 năm kể từ ngày mãn án và người phạm tội cấp một phải cập nhật nơi ở của mình mỗi năm một lần trong vòng 15 năm. 

Nếu trong trường hợp những kẻ ấu dâm sau khi mãn án mà không đăng ký và cập nhật thông tin theo đinh kì thì bị coi là một trọng tội và bắt buộc phải xử lý theo pháp luật. 

Các tiểu bang được yêu cầu tiết lộ công khai thông tin của những người vi phạm Cấp 2 và Cấp 3 lên internet (ví dụ: tên, địa chỉ, ngày sinh, nơi làm việc, ảnh, v.v.).

Mỹ xử lý thế nào đối với những kẻ dâm ô trẻ em sau khi mãn hạn hình sự - Ảnh 1.

Năm 2006, Tổng thống George W. Bush ký và ban hành đạo luật Bảo vệ an toàn trẻ em Adam Walsh (The Adam Walsh Child Protection and Safety Act).

Đạo luật này được đặt theo tên của Adam Walsh, một cậu bé người Mỹ bị bắt cóc từ một trung tâm mua sắm ở Florida và sau đó bị giết.

Đạo luật Adam Walsh đã xây dựng một hệ thống đăng ký liên bang dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. 

Thông tin của những người có tiền án về những tội liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ em từ tất cả các bang sẽ được lưu trữ cũng như cung cấp cho người dân khắp cả nước.

Kể từ tháng 4/2014, Bộ Tư pháp báo cáo rằng 17 tiểu bang, ba vùng lãnh thổ và 63 bộ lạc đã thực hiện các yêu cầu đáng kể của Đạo luật Adam Walsh.

Đạo luật Megan Quốc tế

Tháng 2/2016, Tổng thống Barack Obama ký và ban hành Đạo luật Megan Quốc tế (International Megan's Law to Prevent Child Exploitation and Other Sexual Crimes Through Advanced Notification of Traveling Sex Offenders).

Theo luật này, những công dân Mỹ từng có tiền án về các tội tình dục liên quan đến trẻ em trước khi rời Mỹ đến thăm một quốc gia khác phải thông báo với cơ quan chức trách ít nhất là 21 ngày. 

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ đưa thông tin của những người này đến nơi mà họ dự định đến, cũng như sẽ dán một loại ký hiệu riêng biệt trên hộ chiếu của họ.

Tương tự, Hoa Kỳ cũng có thể đòi hỏi thông tin từ các chính phủ về những công dân nước ngoài có tiền án xâm phạm trẻ em trước khi họ đến Mỹ.

Mỹ xử lý thế nào đối với những kẻ dâm ô trẻ em sau khi mãn hạn hình sự - Ảnh 2.

Một ví dụ về thông tin đăng ký theo luật Megan Law.

Ngày nay, đa số người Mỹ đều rất quen thuộc với "hệ thống đăng ký dữ liệu theo luật Megan" (Megan's Law Registry).

Hiện tại, tất cả 50 tiểu bang Hoa Kỳ đều có hệ thống đăng ký dữ liệu Megan với các thông tin khá chi tiết về những người đã từng bị tuyên án và đã thi hành xong án tù cho những tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Từng tiểu bang đều lưu trữ và công bố tên, tuổi, hồ sơ vụ án, thời gian thi hành án, và địa điểm cư trú hiện tại của những người có tiền án đến tất cả cư dân của bang. Có bang công bố địa chỉ cụ thể, có bang chỉ công bố khu vực cư trú theo mã bưu chính (zip code) của họ.

Phụ huynh có thể truy cập dữ liệu của hệ thống trên mạng để xem khu vực xung quanh nơi họ cư trú hay trường học của con cái có những người mang tiền án sinh sống hay không.

Vi phạm quyền con người của những ai có tiền án?

Theo tổ chức Human Rights Watch (HRW) có trụ sở đặt tại New York, các đạo luật Megan của các tiểu bang và đạo luật liên bang Adam Walsh đã có những dấu hiệu vi phạm quyền con người của những người có tiền án vì một số lý do sau:

1. Tất cả những người nằm trong hệ thống dữ liệu Megan đã thi hành xong bản án và đã trả giá cho hậu quả của hành vi mình gây ra theo luật hình sự. Việc họ bị bắt buộc đăng ký vào hệ thống là tiếp tục trừng phạt họ cho đến cuối đời.

2. Không phải tất cả những người bị bắt buộc đăng ký trên các hệ thống dữ liệu Megan đều là những kẻ phạm tội nguy hiểm. Có những người chỉ vì trót quan hệ tình dục với bạn gái khi cả hai đều dưới tuổi vị thành niên (là một tội hình sự ở tất cả các bang) nhưng cũng nằm trong cùng một hệ thống đăng ký.

3. Tất cả thông tin đều nằm trên mạng và bất kỳ ai cũng có thể truy cập những dữ liệu này nếu họ có kết nối Internet. Đây là một vi phạm rất lớn đến quyền riêng tư của những người này. Ngoài ra, điều đó cũng có thể khiến những người có tiền án trở thành nạn nhân của những vụ việc sách nhiễu và hành hung.

4. Các thành phố cũng ban hành những điều luật riêng yêu cầu những người có tên trong hệ thống dữ liệu Megan phải sống cách xa các khu dân cư, trường học một khoảng cách nhất định. Việc này ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của họ và khiến cho họ gặp trở ngại, khó khăn khi tái hòa nhập xã hội trong việc tìm kiếm công việc và nhà ở.

Mỹ xử lý thế nào đối với những kẻ dâm ô trẻ em sau khi mãn hạn hình sự - Ảnh 3.

Mẫu hộ chiếu minh hoạ cho việc dán nhãn hộ chiếu của những người có tiền án. (Ảnh: Organize Justice/Change.org).

Còn theo tổ chức California Reform Sex Offender Laws, đạo luật Megan Quốc tế năm 2016 là vi hiến khi yêu cầu Bộ An ninh Nội địa (Homeland Security) và Bộ Tư pháp dán nhãn hộ chiếu của những người từng có tiền án và đòi hỏi những người này phải thông báo trước cho cơ quan chức năng khi họ muốn rời nước Mỹ.

Chủ tịch của tổ chức này, luật sư Janice Bellucci, cho biết họ đang xem xét khả năng khởi kiện chính phủ Mỹ (vì đã ban hành một đạo luật vi hiến) khi trả lời phỏng vấn của báo Washington Post vào tháng 2/2016.

Cuộc tranh cãi giữa việc bảo vệ trẻ em và quyền con người của những người có tiền án về các tội ấu dâm và xâm phạm tình dục trẻ em vốn chưa bao giờ có hồi kết ở Mỹ, nay lại càng gay gắt hơn.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.