New York Times: 17 tiết lộ từ hồ sơ thuế gây tranh cãi của Tổng thống Trump

Tổng thống Trump từ lâu đã từ chối tiết lộ thông tin thuế, khiến ông trở thành ông chủ Nhà Trắng đầu tiên trong hàng chục năm phải che giấu tình hình tài chính bản thân. New York Times (NY Times) hôm 27/9 đã công bố một số phát hiện chính và phác thảo bức tranh tổng quát về tình hình tài chính của Tổng thống Trump.

New York Times (NY Times) đã thu thập dữ liệu thuế của ông Trump và các công ty liên quan trong hơn hai thập kỉ qua. Ngày 27/9, hãng tin này đã công bố một số phát hiện chính và phác thảo bức tranh tổng quát về tình hình tài chính của Tổng thống Trump như sau:

Nhiều năm không đóng thuế

1. Không đóng thuế thu nhập liên bang trong gần hai thập kỉ

Ngoài 11 năm không đóng thuế trong 18 năm mà NY Times điều tra, ông Trump chỉ trả 750 USD/năm trong hai năm gần nhất là 2016 và 2017.

Ông chủ Nhà Trắng xoay xở để né thuế, dù bản thân tận hưởng lối sống xa hoa của một tỉ phú như ông khẳng định, trong khi các công ty phải trang trải chi phí được cho là chi tiêu cá nhân của ông.

2. Tương phản với hầu hết giới đại gia Mỹ

Thuế đánh vào người giàu tại Mỹ đã giảm mạnh trong vài thập kỉ qua và nhiều người sử dụng kẽ hở để giảm hóa đơn thuế xuống dưới mức luật định. Tuy nhiên, hầu hết giới đại gia Mỹ vẫn phải nộp nhiều thuế thu nhập liên bang.

Trong hai thập kỉ qua, ông Trump đóng thuế thu nhập liên bang ít hơn 400 triệu USD so với mức trung bình của một người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất nước Mỹ.

3. Khác biệt với nhiều người tiền nhiệm

Ông Trump có thể là tổng thống Mỹ giàu nhất trong lịch sử, nhưng ông thường đóng thuế ít hơn các đời tổng thống gần đây. Ông Barack Obama và ông George W. Bush (Bush con), mỗi người đều đặn trả hơn 100.000 USD thuế/năm và đôi khi là nhiều hơn khi đang đương nhiệm.

Ngược lại, ông Trump hầu như không đóng góp thuế thu nhập cho chính phủ liên bang trong nhiều năm.

4. Khoản hoàn thuế gây tranh cãi

Ông Trump nhận một hóa đơn thuế khá lớn sau thành công ban đầu của chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" (Người học việc), tuy nhiên ông đã đảo ngược tình thế.

Ban đầu ông Trump nộp gần 95 triệu USD tiền thuế liên bang trong 18 năm. Sau đó, ông Trump xoay xở để thu lại phần lớn khoản tiền này (kèm theo lãi suất) bằng cách nộp đơn và được hoàn thuế 72,9 triệu USD từ năm 2010.

Khoản hoàn thuế giúp hóa đơn thuế thu nhập liên bang của ông Trump trong giai đoạn 2000 - 2017 giảm xuống mức trung bình hàng năm là 1,4 triệu USD. Trong khi đó, nhóm 0,001% người giàu nhất nước Mỹ phải trả khoảng 25 triệu USD thuế thu nhập liên bang/năm trong cùng giai đoạn.

5. Số tiền 72,9 triệu USD thành chủ đề cho cuộc chiến Trump - IRS

Khi đệ đơn xin hoàn thuế, ông Trump cho biết bản thân đang gánh một khoản lỗ lớn liên quan đến thất bại của các sòng bạc tại Atlantic City. Tuy nhiên, thực tế khác lời ông Trump kể.

Luật pháp liên bang qui định nhà đầu tư có thể tuyên bố mất toàn bộ khoản đầu tư nếu không nhận được gì. Tuy nhiên, ông Trump dường như đã nhận được 5% cổ phần của công ty casino thành lập mới sau khi ông bỏ số cổ phần cũ.

Năm 2011, Sở Thuế vụ (IRS) bắt đầu kiểm toán khoản hoàn thuế. Gần 10 năm sau, vụ việc chưa ngã ngũ và có thể dây dưa lên tòa án liên bang.

18 tiết lộ từ hồ sơ thuế gây tranh cãi của Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Ông Trump đang đứng trước nhiều sóng gió sau khi New York Times công khai vấn đề thuế của ông. (Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock)

Chi phí kinh doanh và lợi ích cá nhân

6. Chi tiêu cá nhân của ông Trump

Tổng thống Trump phân loại phần lớn chi tiêu cá nhân là chi phí kinh doanh, chẳng hạn như các sân golf mà ông thường xuyên lui tới, máy bay di chuyển giữa các sản nghiệp, 70.000 USD chi phí làm tóc cho chương trình "The Apprentice",...

Toàn bộ các khoản chi này giúp giảm bớt hóa đơn thuế của ông Trump vì các công ty liên quan của gia đình Trump có thể được miễn trừ chi phí kinh doanh. 

7. Bất động sản Seven Springs

Ông Trump mua Seven Springs (rộng gần 81ha) tại Bedford, New York vào năm 1996. Các con trai ông thường nghỉ ngơi tại đây vào mùa hè và từng thừa nhận Seven Springs là khu nghỉ dưỡng của gia đình

Tuy nhiên, ông Trump nói bất động sản này là tài sản đầu tư. Do đó, ông có thể giảm bớt 2,2 triệu USD thuế bất động sản từ năm 2014.

8. "Phí tư vấn"

Trong gần như toàn bộ dự án liên quan, các công ty của ông Trump dành khoảng 20% doanh thu cho "phí tư vấn" dù không lí giải rõ về khoản này. Qua đó, hóa đơn thuế của ông Trump tiếp tục giảm vì các công ty của gia đình có thể coi đây là chi phí kinh doanh.

Ví dụ, ông Trump từng thu về 5 triệu USD từ một thương vụ bán khách sạn ở Azerbaijan (nằm gần biển Caspi) và báo cáo 1,1 triệu USD phí tư vấn. Từ năm 2010, ông Trump đã loại bỏ khoảng 26 triệu USD tiền thuế nhờ các khoản phí tư vấn như thế.

9. Con gái cũng nhận phí tư vấn?

Cuộc điều tra của NY Times phát hiện ra một điểm trùng khớp đáng chú ý: Hồ sơ riêng của ông Trump cho thấy công ty của ông từng trả 747.622 USD phí cho một nhà tư vấn giấu tên trong thương vụ khách sạn ở Hawaii và Vancouver.

Hồ sơ công khai của Ivanka Trump do cô nộp khi gia nhập Nhà Trắng vào năm 2017 cho thấy Ivanka từng nhận một khoản tiền cùng giá trị 747.622 USD thông qua một công ty tư vấn mà cô đồng sở hữu.

Kinh doanh thua lỗ

10. Nhiều công ty có tiếng của ông Trump lỗ lớn

Kể từ năm 2000, ông Trump báo lỗ hơn 315 triệu USD tại các sân golf mà ông mô tả là trái tim của đế chế kinh doanh nhà Trump. Ngoài ra, khách sạn của ông Trump tại Washington báo lỗ hơn 55 triệu USD.

Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ: Tòa tháp Trump Tower tại New York lại mang về cho ông chủ Nhà Trắng hơn 20 triệu USD lợi nhuận/năm.

18 tiết lộ từ hồ sơ thuế gây tranh cãi của Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Tòa nhà Trump Tower nhìn từ dưới lên. (Ảnh: New York Times)

11. Thành công nhất là thương hiệu cá nhân

Theo ước tính của NY Times trong giai đoạn 2004 - 2018, ông Trump kiếm được tổng cộng 427,4 triệu USD từ việc kinh doanh hình ảnh cá nhân.

Các công ty khác, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, đã trả tiền để mua quyền sử dụng tên ông Trump. Ngoài ra, thương hiệu của ông Trump cũng đã giúp ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đắc cử dù không có kinh nghiệm chính trị.

12. Mục đích tài chính của các công ty làm ăn thua lỗ: giảm hóa đơn thuế

Trump Organization - một tập hợp gồm 500 tổ chức hầu như đều thuộc toàn quyền sở hữu của ông Trump, đã dùng các khoản lỗ để bù đắp cho lợi nhuận lớn từ hoạt động kinh doanh thương hiệu Trump và các mảng kinh doanh có lãi khác.

Các khoản lỗ từ loạt công ty thuộc Trump Organization lớn đến mức có thể xóa sạch lợi nhuận từ việc kinh doanh tên tuổi của ông Trump, cho phép tổ chức này khẳng định họ không kiếm ra tiền và không cần phải đóng thuế.

NY Times nhận định phương thức này không mới với ông Trump vì các hoạt động kinh doanh lớn sụp đổ vào đầu thập niên 1990 đã giúp ông Trump giảm thuế thu nhập liên bang trong nhiều năm sau đó.

Loạt hóa đơn khủng sắp phải thanh toán

13. Vung tiền chi tiêu sau thành công "The Apprentice"

"The Apprentice," ra mắt trên NBC năm 2004, là một thành công vang dội. Ông Trump nhận được 50% lợi nhuận của chương trình, sau đó ông tiếp tục mua hơn 10 sân golf và nhiều bất động sản khác. Khoản lỗ của các tài sản này giúp hóa đơn thuế của ông Trump giảm xuống.

Tuy nhiên, chiến lược trên bắt đầu trục trặc khi lợi nhuận từ "The Apprentice" giảm. Đến năm 2015, tình hình tài chính của ông Trump bắt đầu xấu đi.

14. Tranh cử năm 2016 để hồi sinh thương hiệu Trump

Hồ sơ tài chính của ông Trump không trả lời dứt khoát câu hỏi này. Tuy nhiên, thời điểm lại khá phù hợp.

Ông Trump tuyên bố tranh cử vào năm 2016 dù biết chiến thắng khá may rủi, tuy nhiên ông chắc chắn đã thu hút sự chú ý mới từ công chúng, ngay tại thời điểm các công ty của gia đình cần một chiến lược mới.

15. Đắc cử giúp ích cho công việc kinh doanh

Kể từ khi thành ứng viên tổng thống hàng đầu, ông Trump nhận được số tiền lớn từ các nhà vận động hành lang, chính trị gia và quan chức nước ngoài trả tiền để lưu trú tại các bất động sản hoặc câu lạc bộ của gia đình Trump.

Kể từ năm 2015, lượng thành viên mới tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Florida đã mang lại cho ông Trump thêm 5 triệu USD mỗi năm. Trong hai năm đầu ở Nhà Trắng, ông Trump thu về hàng triệu USD từ các dự án ở nước ngoài, như 3 triệu USD từ Philippines, 2,3 triệu USD từ Ấn Độ,...

16. Nhiệm kì tổng thống chưa giải quyết vấn đề tài chính cốt lõi của ông Trump

Khi doanh thu từ "The Apprentice" giảm sút, ông Trump đã phần nào khắc phục tình hình tài chính thông qua các biện pháp chỉ có thể dùng một lần.

Năm 2012, ông Trump thế chấp không gian thương mại ở Trump Tower để vay 100 triệu USD. Ông còn bán hàng trăm triệu USD cổ phiếu và trái phiếu nhưng hiện tại ông chỉ còn lại khoảng 873.000 USD cổ phiếu và trái phiếu để bán.

Một số hóa đơn lớn sắp hết hạn thanh toán có thể gây thêm áp lực tài chính cho ông Trump. Ông Trump dường như chưa trả hết nợ gốc của khoản thế chấp tại Trump Tower và toàn bộ khoản vay 100 triệu USD sẽ đến hạn trả vào năm 2022. Nếu thua trong vụ tranh chấp với IRS, ông sẽ nợ chính phủ thêm 100 triệu USD nữa.

17. Tình hình tài chính cá nhân không khá khẩm hơn

Vào thập niên 1990, ông Trump gần như đã tự hủy hoại bản thân khi tự mình đứng ra bảo lãnh các khoản vay hàng trăm triệu USD và kể từ đó ông nói ông rất hối hận vì đã làm như thế.

Tuy nhiên, các hồ sơ thuế chỉ ra rằng ông Trump dường như đã lặp lại sai lầm. Ông Trump có vẻ đang bảo đảm cho các khoản vay trị giá 421 triệu USD, dự kiến đáo hạn trong vòng 4 năm tới.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.