Kể từ thời khắc tuyên bố ứng cử tổng thống Mỹ 5 năm trước, ông Trump đã lôi kéo cử tri với cái mác là một doanh nhân thành đạt có thể điều hành nền kinh tế thành công.
Đến ngày 27/9, cái mác "doanh nhân thành đạt" của ông Trump đã bị xé nát. Theo cuộc điều tra của tờ New York Times (NYT), tỉ phú Donald Trump - hiện thân của sự xa hoa trong những năm 1980 - đã mất nhiều tiền hơn những gì ông kiếm được. NYT đã chỉ ra ba điểm chính:
Ông Trump không giỏi kinh doanh
Ông Trump rất giỏi tránh thuế
Ông Trump có thể có xung đột lợi ích nghiêm trọng với các cường quốc nước ngoài
Liệu những phát hiện trên có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến cơ hội tái đắc cử của ông Trump không? Hoàn toàn có thể, ở một mức độ nào đó.
Ông Trump khai báo khoản lỗ khổng lồ 1,4 tỉ USD từ hoạt động kinh doanh chính trong 2008 và 2009. Dường như ông Trump đã đứng ra đảm bảo cho các khoản vay có tổng qui mô 421 triệu USD mà phần lớn sẽ đến hạn trả trong vòng 4 năm tới.
Tờ New York Times viết: "Nếu Trump tái đắc cử, chủ nợ của ông ta có thể rơi vào tình thế chưa từng có tiền lệ là phải xem xét tịch thu tài sản của tổng thống đương nhiệm để siết nợ".
Ông Joaquin Castro, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ nói với kênh MSNBC rằng bài báo của New York Times đã "tiết lộ điều mà rất nhiều người nghi ngờ, đó là Donald Trump là một kẻ lừa đảo, Trump thực chất không giống như những gì ông ta tự tuyên bố".
"Trump nhận mình là một doanh nhân thành đạt, có tài chốt thỏa thuận, tự mình gây dựng nên cơ đồ. Hồ sơ thuế chứng minh điều ngược lại. Về cơ bản Trump là một kẻ chây ì không đóng nhiều thuế".
Tờ New York Times cho biết ông Trump không đóng thuế thu nhập liên bang trong 11 trên tổng số 18 năm mà họ theo dõi. Ông Trump chỉ đóng 750 USD trong mỗi năm 2016 và 2017, thấp hơn hầu hết mọi công dân Mỹ.
Theo The Guardian, những con số trên phản ánh hiện tượng tránh thuế của giới nhà giàu tại Mỹ.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đăng trên Twitter: "Trump biết rõ hơn ai hết rằng luật pháp dành cho giới nhà giàu và các tập đoàn khổng lồ khác với những qui định mà người lao động chăm chỉ phải tuân theo. Thay vì sử dụng quyền lực để khắc phục tình trạng này, ông ta lại lợi dụng nó bất cứ khi nào có thể".
Một số người có thể sẽ rất muốn vụ bê bối thuế mới nhất này dập tắt khả năng tái đắc cử của Trump.
Theo The Guardian, những sự kiện kiểu này đã xảy ra rất nhiều lần, điển hình như khi đoạn băng Access Hollywood được công bố vào tháng 10/2016. Đoạn băng này đã ghi lại tiếng ông Trump khoe khoang về tấn công tình dục.
Cũng cần nhớ lại điều gì đã xảy ra trong cuộc tranh luận tổng thống giữa ông Trump và bà Hillary Clinton. Bà Clinton nói rằng có lẽ ông Trump không chịu công bố hồ sơ hoàn thuế vì ông không đóng đồng thuế liên bang nào. Ông Trump ngắt lời bà Clinton và nói: "Tôi không đóng thuế chứng tỏ tôi rất khôn ngoan".
Câu nói trên hứng phải không ít chỉ trích gay gắt và nhiều người dự đoán rằng sự nghiệp chính trị của ông Trump sẽ tiêu tùng. Tuy nhiên có lẽ câu nói này đã gây được ấn tượng với một số cử tri nghĩ rằng nếu có cơ hội họ cũng sẽ lách luật để tránh thuế.
Những người ủng hộ cuồng nhiệt của ông Trump có thể đã thấy bản thân họ trong ông. Ông Trump vẽ lên câu chuyện về một "người ngoài cuộc" và tự nhận mình là người không ăn nói như giới thượng lưu có học vấn cao nhưng vẫn làm giàu và kết hôn với người mẫu. Có vẻ nhiều người đã coi hình tượng về vị tỉ phú cổ cồn xanh là một phiên bản của giấc mơ Mỹ.
Một bộ phận lớn trong số những người "sùng bái" ông Trump cũng không để tâm đến bài báo của New York Times hay các bình luận trên Twitter.
Trước đây, các vấn đề về thuế má liên quan đến công việc kinh doanh của gia đình ông Trump cũng đã được đăng tải. Bài báo của New York Times về chủ đề này hồi tháng 10/2018 đã nhận được giải thưởng Pulitzer danh giá. Tuy nhiên, cuộc điều tra mới của họ đã đặt ra những câu hỏi sâu hơn và nguy hại hơn đối với ông Trump.
Theo New York Times, trong hai năm đầu của nhiệm kì, ông Trump đã nhận được 73 triệu USD từ các hoạt động ở nước ngoài, bao gồm 3 triệu USD từ Philippines, 2,3 triệu USD từ Ấn Độ và 1 triệu USD từ Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2017, ông Trump đóng 145.400 USD tiền thuế cho Ấn Độ và 156.824 USD cho Philippines - nhưng chỉ nộp 750 USD cho Mỹ.
Ông Trump cũng thường lớn tiếng khen ngợi các nhà lãnh đạo của Philippines, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Liệu khoản thu nhập đáng kể từ nước ngoài của ông Trump có mâu thuẫn với nhiệm vụ của ông với tư cách là tổng thống Mỹ không? Liệu ông có đặt tư lợi lên trên lợi ích của người dân Mỹ? Liệu ông có phạm pháp?
Tờ New York Times hứa sẽ đăng tải thêm nhiều câu chuyện về hồ sơ thuế của ông Trump. Những bài báo về thuế này sẽ không thể lay chuyển những cử tri trung thành nhất của ông Trump, nhưng lại có thể thuyết phục đủ nhóm cử tri khác để tạo ra sự khác biệt quan trọng trong cuộc bầu cử.