Đầu tháng 8, nhiều ngân hàng trong nước bắt đầu bước vào cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền gửi của khách hàng trong thời điểm nửa cuối năm. Đặc biệt, VietCapitalBank đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất kỉ lục, lên đến 10,2%/năm.
Các ngân hàng nhỏ vốn có lãi suất cao tiếp tục tăng lãi suất, một số ông lớn "chiếu trên" cũng rục rịch nhích dần lãi suất nhằm thu hút nhiều khách hàng.
Theo thống kê, một loạt các ngân hàng như VIB, VPBank, Sacombank, OCB, Eximbank, Kienlongbank, Techcombank… đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 8.
Các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động tiền gửi từ khách hàng. (Ảnh: Thanh Niên).
Tân binh trong cuộc đua này là VIB, nhà băng đưa ra chương trình ưu đãi ngày vàng trong 5 ngày từ 20-24/8, với lãi suất lên đến 9,1%/năm, nhằm hút một lượng lớn tiền gửi.
Với chương trình này, kì gửi càng dài thì mức lãi suất sẽ càng cao. Kì hạn gửi 6 tháng có lãi suất là 8,1%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm, 18 tháng có lãi 8,6%/năm và 61 tháng có lãi đến là 9,1%/năm.
Như vậy, các mức lãi suất mà VIB đang triển khai đều cao hơn 0,7 điểm % so với trước.
Trong khi đó, các khách hàng của VPBank hôm 22/8 đều nhận được thông báo ngân hàng này bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất. Theo đó, tương ứng mức tiền gửi dưới 300 triệu, lãi là 7,4%/năm. Tiền gửi từ 300 triệu đến dưới 1 tỉ là 7,7%/năm và 1 tỉ trở lên là 7,9-8%/năm cho kì hạn 6 tháng.
Nếu gửi từ 18 tháng trở lên, tùy từng khoản tiền mà lãi suất dao động từ 7,6-8,2%/năm. So với trước, các mức này đều nhỉnh hơn từ 0,2-0,4 điểm %.
Tại OCB, ngân hàng này điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất khi thực hiện trực tiếp tại quầy là 8%/năm, áp dụng cho kì hạn 36 tháng. So với biểu lãi suất trước đó, tỉ lệ mà OCB áp dụng từ ngày 12/8 đã tăng thêm 0,3 điểm %.
Sau lần điều chỉnh hồi tháng 7, Eximbank tiếp tục tăng lãi suất huy động trong tháng 8. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại đây hiện lên tới 8,4%, áp dụng cho các kì hạn 13 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Với mức lãi suất này, Eximbank đã điều chỉnh tăng thêm 0,4 điểm % so với trước.
Trong khi đó, kì hạn gửi 12 tháng cũng tăng mạnh từ mức lãi suất 6,8% lên thành 7,9%.
Lãi suất tiền gửi kì hạn 12 tháng tại các ngân hàng hiện nay. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Tại Kienlongbank cũng đã tăng lãi suất ở một số kì hạn dài. Cụ thể, với kì hạn 6-12 tháng, lãi suất 7%/năm, tăng 0,2%. Lãi suất các kì hạn từ 15-24 tháng đều tăng 0,5-0,7 điểm % lên 8%/năm, lãi suất kì hạn 36 tháng tăng từ 7,3% lên 7,8%/năm.
Cách đây vài ngày, ABBank cũng thông báo tăng lãi suất thêm 0,7-0,8% với mức cao nhất là 8,5%/năm, áp dụng cho cả kì hạn gửi 12 tháng.
Như vậy, ABBank đang là ngân hàng có lãi tiết kiệm gửi tại quầy cao nhất hệ thống hiện nay, cao hơn mặt bằng chung khoảng 1-1,5%.
Các ngân hàng khác niêm yết lãi hạn gửi 12 tháng trên 8% là CBBank, NCB và VietcapitalBank.
Không chỉ tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, VietCapitalBank là cái tên vừa lập kỉ lục khi chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất lên đến 10,2% một năm.
Mức lãi suất trên được áp dụng cho cả hai đối tượng khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức. Theo đó, mệnh giá tối thiểu để phát hành chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân là 10 triệu đồng và tổ chức là 100 triệu đồng.
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của VietCapitalBank đang lập kỉ lục, lên đến 10,2%/năm. (Ảnh: VietCapitalBank).
Kì hạn gửi tiền 24 tháng có lãi suất 9,5%/năm, 36 tháng có lãi suất 9,8%, 48 tháng được hưởng lãi suất 10% và mức cao nhất lên đến 10,2% cho chứng chỉ tiền gửi có kì hạn 60 tháng.
Đại diện VietCapital cũng cho biết thêm hình thức nhận lãi là 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kì, tùy nhu cầu của khách hàng.
Sau khi kết thúc kì hạn, nếu khách không đến thanh toán ngày đáo hạn, ngân hàng sẽ hỗ trợ chủ động chuyển khoản tiền vốn ban đầu và lãi phát sinh vào tài khoản thanh toán.
"Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn, chúng tôi hi vọng sẽ mang đến thêm sự lựa chọn cho khách hàng trong việc tích lũy các khoản tiền nhàn rỗi. Đây cũng là một hướng đầu tư hiệu quả dành cho các khách hàng cá nhân hay khách hàng tổ chức muốn sinh lời từ nguồn tiền của mình", đại diện Ngân hàng Bản Việt cho biết.
Thực tế, theo tìm hiểu, không riêng VietCapitalBank, so với việc gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn dù có cùng kì hạn. Trước đó, VIB và VietABank là 2 ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi có lãi suất cao nhất, với 9,1%/năm.
Với mức lãi suất tối đa lên đến 10,2%, VietCapitalBank trở thành ngân hàng có mức lãi suất cao nhất cho hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi đến thời điểm này.
Đáng chú ý, không chỉ các ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động mà BIDV và VietinBank cũng vào cuộc.
So với trước, lãi suất tiền gửi tại BIDV và VietinBank được điều chỉnh cao hơn từ 0,1-0,2 điểm % tại một số kì hạn.
BIDV và VietinBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất lên đến 7%/năm. (Ảnh: Zing).
Cụ thể, BIDV đầu tháng 8 đã niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2% so với trước.
Tương tự, VietinBank cũng tăng lãi suất tiền gửi cho kì hạn 12 tháng lên 7% như BIDV. Các kì hạn còn lại không thay đổi.
Đây được xem là lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động hiếm hoi của các ngân hàng lớn. Nếu so sánh, nhóm 4 ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đang là nhóm có mức lãi suất huy động thấp nhất, thấp hơn các ngân hàng nhỏ đến vài điểm %.
Thời điểm này, nếu gửi 1 tỉ đồng vào BIDV hoặc VietinBank, kì hạn gửi 12 tháng, số tiền lãi khách hàng nhận được sau 1 năm là 70 triệu đồng (lãi suất 7%/năm). Trong khi đó, cùng số tiền trên, nếu gửi vào ABBank, cùng kì hạn 12 tháng, khách sẽ nhận được 85 triệu đồng, cao hơn đến 15 triệu so với việc chọn các "ông lớn" để gửi tiền.