Ngành giao thông tăng tốc bù sản lượng các dự án chậm tiến độ

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, tính đến ngày 24/11, có 8 dự án lớn vẫn chưa đáp ứng tiến độ giải ngân và tiến độ thi công. Trong đó, có tới 5 dự án do địa phương làm chủ đầu tư.

Cụ thể, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 khởi công năm 2021, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 là 544 tỷ đồng (đạt 74% kế hoạch), chậm khoảng 26% (191 tỷ đồng). Sản lượng lũy kế đạt 52,57% giá trị hợp đồng, chậm 3,97%.

Nguyên nhân do các nhà thầu chưa chủ động nguồn cung cấp vật liệu cát đắp nền đường, chưa bố trí đủ nguồn tài chính phục vụ thi công và công tác giải phóng mặt bằng chậm (hiện còn vướng 1 tổ chức tôn giáo).

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo nhà thầu tập trung tài chính, huy động thiết bị, tăng ca, kíp đẩy nhanh tiến độ; kịp thời thực hiện cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu chậm tiến độ cho đơn vị có đủ năng lực thực hiện.

Dự án thứ hai là tuyến tránh Quốc lộ 1A, tỉnh Cà Mau khởi công tháng 1/2022, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 mới đạt gần 598 tỷ đồng, chậm khoảng 18% (131,3 tỷ đồng). Sản lượng lũy kế đạt 64,6%, chậm khoảng 12,7% so với kế hoạch.

Nguyên nhân do địa phương mới cơ bản bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 10/2022; Khan hiếm nguồn cát đắp nền đường; mưa nhiều, triều cường dâng cao ảnh hưởng đến thi công.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 chỉ đạo các nhà thầu huy động nguồn tài chính, nhân lực, thiết bị để thi công các hạng mục đường găng tiến độ: đắp cát, cọc xi măng đất; tập kết sẵn vật liệu móng, mặt đường để thi công ngay sau khi đắp nền đường.

Đối với dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột khởi công tháng 12/2021, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 chỉ đạt hơn 415 tỷ đồng, chậm khoảng 35,6% (229,99 tỷ đồng) do công tác giải phóng mặt bằng chậm kéo dài (chi phí giải phóng mặt bằng vượt hơn 331 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt), sản lượng thi công mới đạt 11,9%, chậm 4% so với kế hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, rà soát khối lượng giải phóng mặt bằng thực tế so với khối lượng phê duyệt trong tổng mức đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 30/11/2022; tiếp tục chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công “3 ca, 4 kíp” liên tục để bù lại tiến độ đã chậm.

Một trong những dự án báo động nhất về tiến độ triển khai là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở Giao thông Vận tải Hà Nam làm chủ đầu tư.

Khởi công tháng 3/2017, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 mới đạt 50,56 tỷ đồng, chậm khoảng 69,5% (115,44 tỷ đồng) do tiến độ thi công chậm khoảng 40% so với kế hoạch, một phần mặt bằng chưa được bàn giao cho nhà thầu thi công.

Lo lắng trước nguy cơ vỡ tiến độ của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư xem xét xử lý ngay các nhà thầu chậm theo quy định của hợp đồng đã ký kết, trường hợp cần thiết bổ sung nhà thầu, chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công bù lại tiến độ chậm.

Dự án thứ năm là nâng cấp Quốc lộ 37 qua Thái Bình và cầu sông Hóa. Khởi công tháng 11/2015, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 của dự án là hơn 171 tỷ đồng, chậm tới 39,9% (113,8 tỷ đồng) do tiến độ thi công chậm 10% so với kế hoạch điều chỉnh.

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay, dự án mới được Bộ Giao thông Vận tải gia hạn tiến độ đến tháng 12/2022, Sở Giao thông Vận tải Thái Bình cần chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công “3 ca, 4 kíp” liên tục bù lại tiến độ đã chậm, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022.

Tại dự án Quốc lộ 15 - Tiểu dự án 3 qua tỉnh Thanh Hóa, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 mới đạt hơn 97 tỷ đồng, chậm khoảng 53,3% (106,5 tỷ đồng) do tiến độ thi công chậm 10%.

Để đáp ứng tiến độ dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa chỉ đạo nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh thi công hạng mục bê tông nhựa, đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch tháng 12/2022.

Dự án cuối cùng trong danh sách chậm tiến độ là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279B qua tỉnh Điện Biên. Khởi công tháng 1/2017, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 mới đạt hơn 152 tỷ đồng, chậm khoảng 23,1% (45,6 tỷ đồng). Sản lượng lũy kế đạt 76% giá trị hợp đồng, chậm 11% so với kế hoạch.

“Nguyên nhân do thời tiết khu vực dự án bất lợi, trong tháng 10/2022 thường xuyên mưa nhiều ngày, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công bê tông nhựa. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu thi công tăng cường nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục bê tông nhựa để đảm bảo hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2022”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

Về tiến độ giải ngân các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự kiến đến hết tháng 11/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (đạt 69,4% so kế hoạch giao đầu năm).

Cũng theo ông Lưu Quang Thìn, từ nay tới ngày 31/1/2023, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng. Số lượng vốn tập trung tại các dự án của các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án lớn thuộc Bộ (khoảng 12.218 tỷ đồng, chiếm 60,6%) và dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (4.723 tỷ đồng chiếm 23,4%).

Trong đó, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao kế hoạch vốn 16.034 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 12.439 tỷ đồng (đạt 77,6%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng.

Đối với 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao kế hoạch 9.521 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 4.553 tỷ đồng (47,8%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 4.968 tỷ đồng...

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.