Sẽ mở rộng đô thị TP Hà Tĩnh vượt qua đường tránh quốc lộ 1A

Đề án xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ nghiên cứu mở rộng không gian theo các hướng tây, nam, đông, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2025, đô thị TP Hà Tĩnh thành thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 là một đô thị tỉnh lỵ có kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

 Một góc TP Hà Tĩnh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).

TP Hà Tĩnh sẽ mở rộng không gian với định hướng về các hướng tây, nam và đông.

Cụ thể, hướng tây sẽ mở rộng vượt qua đường tránh quốc lộ 1A, kết nối với khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia, phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ.

Hướng nam mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo, nghiên cứu và sản xuất.

Hướng đông mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía Biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của tỉnh.

Sở Xây dựng tổ chức việc lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận để làm cơ sở cho việc mở rộng địa giới hành chính trước năm 2023.

TP Hà Tĩnh đã hoàn thành quy hoạch chung và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số quy hoạch như Khu đô thị đa chức năng Nam cầu Phủ; Khu đô thị hai bên đường Hàm Nghi, đường Ngô Quyền… Tới năm 2030, đất xây dựng đô thị TP Hà Tĩnh khoảng 4.116 ha.

Cấu trúc đô thị Hà Tĩnh và vùng phụ cận gồm đô thị thành phố trung tâm, các cụm động lực và các khu phát triển mới như Khu dịch vụ, du lịch sinh thái bắc thành phố; Khu du lịch biển Thạch Văn, Thạch Trị; Khu công nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê phía đông; Khu phát triển hỗn hợp phía nam; Khu phát triển phía tây nam gắn với khu du lịch hồ Kẻ Gỗ; Khu phát triển phía tây gắn với đầu mối giao thông cao tốc quốc gia,...

Năm 2006, thị xã Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại III. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập TP Hà Tĩnh với số đơn vị hành chính là 10 phường, 6 xã. Đến năm 2019, TP Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.