Phục dựng chân dung Chúa Jesus. Ảnh: Cathy Fisher. |
Sách Phúc âm trong Kinh Thánh viết Chúa Jesus là một người Do Thái sinh vào khoảng năm 4 trước Công nguyên ở Bethlehem thuộc Judea, theo Live Science. Khi còn nhỏ, Ngài sống ở Ai Cập một thời gian ngắn trước khi chuyển đến Nazareth. Các ghi chép này không đề cập Chúa Jesus trông như thế nào, ngoại trừ một số ám chỉ về trang phục của Ngài và các môn đồ, Joan Taylor, giáo sư Nguồn gốc Thiên Chúa giáo và đạo Do Thái kỷ nguyên Second Temple ở Đại học King's tại London, viết trong cuốn sách "Chúa Jesus có hình dáng như thế nào?"
Những mô tả nghệ thuật sớm nhất về Chúa Jesus có niên đại từ ít nhất hai thế kỷ sau khi Ngài qua đời cung cấp rất ít thông tin đáng tinh cậy về hình dáng của Ngài. Để tìm hiểu về gương mặt của Chúa Jesus, Taylor dựa vào khảo cổ học và các văn bản mang đến gợi ý về hình dáng chung của người Do Thái ở Judea và Ai Cập vào thời điểm Chúa Jesus sinh sống. Bà cũng xem xét những hình ảnh nghệ thuật trên tiền xu và tranh vẽ xác ướp Ai Cập.
Theo nghiên cứu của Taylor, thay vì cao lớn hơn hẳn những người dân ở Judea, Chúa Jesus cao khoảng 1,7 mét. Đây là chiều cao trung bình của những hài cốt đàn ông sống tại đó đương thời. Người dân ở Judea và Ai Cập thường có mắt nâu, tóc đen và nước da màu olive, dựa trên các hài cốt còn lưu lại, văn bản lịch sử và mô tả trong những bức tranh chân dung xác ướp.
Người dân Judea cũng tiếp xúc với những người châu Âu (nước da sáng hơn), người Sudan và Ethiopia (nước da tối hơn). Nhưng do người Do Thái ở Judea và Ai Cập có xu hướng cưới đồng hương, nước da, màu mắt và tóc của Chúa Jesus có thể giống đa số người dân ở Judea và Ai Cập.
Các ghi chép lịch sử cũng chỉ ra người dân ở Judea để tóc, râu tương đối ngắn và chải gọn gàng, có thể để tránh lây chấy, một vấn đề lớn ở thời điểm đó. Nhiều khả năng Chúa Jesus cũng làm tương tự. Ngài có thể sử dụng một con dao để cắt tóc và râu, bởi cư dân thời cổ đại giỏi dùng dao hơn người hiện đại.
Trong sách Phúc âm, Chúa Jesus được mô tả như một thợ mộc đi bộ nhiều nhưng đôi khi ăn uống rất kham khổ. Lối sống tích cực hoạt động nhưng thường xuyên thiếu thức ăn này có nghĩa Ngài có thể gầy gò nhưng rắn chắc. Một số đặc điểm khác trên gương mặt Chúa Jesus như khuôn miệng và gò má chỉ là suy đoán, theo Taylor. Ngài có thể có những vết sẹo hoặc tổn thương da trên mặt, dấu vết từ công việc thợ mộc, nhưng không có cách nào để khẳng định chắc chắn.
Taylor tỏ ra hoài nghi đối với những mô tả khẳng định Chúa Jesus rất đẹp trai. Bà lý giải nếu Chúa Jesus thực sự đẹp, các tác giả sách Phúc âm sẽ mô tả Ngài tương tự như đối với Moses (nhà tiên tri dẫn dắt người Israel và David, người giết chết tên khổng lồ Goliath, trong Kinh Thánh.
Các sách Phúc âm cùng với nhiều tài liệu khảo cổ còn lưu lại hé lộ một số chi tiết về trang phục của Chúa Jesus. Nhiều khả năng Ngài mặc một chiếc áo trùm dệt len không nhuộm màu để lộ cẳng chân hoặc một chiếc áo choàng không tay để giữ ấm. Giày của Ngài có thể mang kiểu dáng giống dép sandal hiện đại.
Trong số những học giả về Kinh Thánh đã đọc cuốn sách của Taylor, Helen Bond, giáo sư thần học ở Đại học Edinburgh, Scotland và Jim West, giáo sư nghiên cứu Kinh Thánh ở Đại học Thần học Ming Hua, Hong Kong, đều đưa ra nhiều đánh giá tích cực cho nghiên cứu.