Nhiều tài xế Uber loay hoay tìm công việc mới sau khi ứng dụng gọi xe này dừng hoạt động ở Việt Nam. (Ảnh: Di Linh) |
Uber đi, nhiều tài xế không muốn chạy Grab
Sau ngày 8/4 vừa qua, ứng dụng gọi xe Uber đã chính thức dừng hoạt động tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Hoạt động của Uber tại khu vực này được sáp nhập với Grab.
Đáng chú ý là gần 1 tháng trôi qua, nhiều tài xế Uber vẫn đang loay hoay giữa việc chuyển sang Grab, ứng dụng gọi xe Việt hoặc... tìm một công việc mới.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tiến Thành (Kim Ngưu, Hà Nội) cho biết anh muốn thay đổi công việc, tìm một công việc lái xe khác.
"Tôi vẫn chưa có ý định chuyển sang Grab. Hiện Grab có thể nói là độc quyền thị trường nên nếu sang đây sẽ gò bó hơn.
Ngoài ra, Grab không có cạnh tranh nên anh em tài xế có thể bị áp đặt nhiều hơn. Trong khi lượng khách cũng không nhiều", anh Thành nói.
Anh Thành cũng cho biết sẽ tìm một công việc khác và nếu có thể chạy Grab thì cũng là việc phụ.
"Tôi đang tính đi lái xe cho một công ty nào đó vì không thể trông chờ hết vào Grab. Bởi lẽ nếu mắc lỗi sẽ bị khóa tài khoản bất cứ lúc nào", anh Tiến Thành chia sẻ thêm.
Tài xế Uber tìm việc làm mới thay vì tiếp tục chạy xe công nghệ. (Ảnh: Di Linh) |
Cùng cảnh ngộ với tài xế nêu trên, anh Phùng Quang Khoát (Bồ Đề, Hà Nội) bày tỏ lo lắng sau khi Uber ra đi.
"Tôi phải lo chi phí cho gia đình, các khoản lãi ngân hàng. Trong khi đó giờ chỉ còn Grab, lượng xe sáp nhập lớn, tỷ lệ nhận cuốc không cao.
Tôi cũng nghĩ đến chuyện tìm một công việc khác vì thị trường xe công nghệ giờ không như trước. Nhiều người vay tiền đầu tư xe như tôi và đang gặp khó khăn", anh Khoát nói.
Anh Khoát cho rằng, việc tìm một công việc khác là chuyện đương nhiên để có thể ổn định lâu dài.
"Có thể tôi sẽ phải bán xe trả nợ ngân hàng và tìm một công việc khác ổn định hơn. Khi Uber dừng hoạt động, tôi và nhiều anh em khác đã thất vọng rất nhiều", anh Khoát chia sẻ.
Nhiều tài xế vay tiền ngân hàng mua xe và hiện đang gặp khó khăn. (Ảnh: Di Linh) |
Tài xế chưa mặn mà ứng dụng Việt
Sau khi Uber rời thị trường Việt Nam, nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ Việt được dịp "bùng nổ". Đơn cử như VATO, XELO...
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh H. (Ba Đình, Hà Nội) cho biết hành khách hầu như chỉ biết đến Uber, Grab hoặc taxi truyền thống.
"Rất ít người biết đến ứng dụng gọi xe Việt. Tôi chưa thử đăng ký các ứng dụng này nhưng khi xem trên các diễn đàn thấy anh em than phiền rất nhiều về việc ứng dụng không ổn định, cuốc ảo, không nổ cuốc...", anh H. cho biết.
Đồng cảnh với anh H., anh Vũ Minh T. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết anh có thử nạp tiền vào một ứng dụng gọi xe Việt nhưng thấy thường xuyên lỗi và ít khách nên đã dừng chạy.
"Tôi đang tính quay lại taxi truyền thống, cũng áp lực nhưng có lẽ ổn định hơn", anh T chia sẻ.
Theo Grab Việt Nam, đơn vị này đã hoạt động tại Việt Nam 4 năm và là quốc gia đầu tiên Grab giới thiệu dịch vụ GrabBike. Grab cũng cho biết đã giúp hơn 135.000 đối tác tài xế ở Việt Nam có thu nhập cao hơn 55% so với mức trung bình của quốc gia, tiết kiệm thời gian di chuyển đến 51%... |
Tin mới nhất vụ Cục Cạnh tranh điều tra Grab mua Uber
Liên quan đến thương vụ "thâu tóm" Uber, phía GrabTaxi vẫn chưa cung cấp căn cứ chứng minh thị phần kết hợp thấp hơn 30%. |