Trong giai đoạn ngày 1-8/10 năm nay, doanh số hàng miễn thuế ở tỉnh đảo Hải Nam đã nhảy vọt gần 150% so với cùng kì năm ngoái, đạt mức 1,04 tỉ nhân dân tệ (tương đương 155 triệu USD).
Cơ quan hải quan địa phương còn cho biết số lượt khách du lịch đến Hải Nam tăng hơn 40% lên 146.800.
Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc cũng tăng mua hàng ngoại trên mạng. Trong 7 ngày đầu tiên của tháng 10, tổng doanh số bán hàng trên Tmall Global, nền tảng thương mại điện tử chính của Alibaba dành cho các thương hiệu quốc tế, đã tăng 79% so với cùng kì năm ngoái.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, trong kì nghỉ Tuần lễ vàng năm nay, doanh số trung bình theo ngày cho mảng bán lẻ và thực phẩm - đồ uống cao hơn 4,9% so với cùng kì năm ngoái. Theo đó, tổng doanh thu trong giai đoạn này đạt 1.600 tỉ nhân dân tệ (gần 237 tỉ USD).
Trong Tuần lễ vàng 2020, người dân Trung Quốc vừa ăn mừng Tết Trung thu truyền thống, vừa kỉ niệm ngày Quốc khánh. Theo CNBC, đây là kì nghỉ lễ lớn cuối cùng trong năm của Trung Quốc.
Dữ liệu cho thấy người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rõ ràng vẫn có tiền để chi tiêu, ngay cả khi Trung Quốc nói chung còn đang phục hồi sau cú sốc kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra. Trong nửa đầu năm ngoái, các báo cáo chính thức cho biết du khách Trung Quốc đã chi 127,5 tỉ USD ở nước ngoài.
Ông Jianguang Shen, nhà kinh tế trưởng tại JD Digits (một đơn vị được tách ra từ công ty thương mại điện tử JD.com), cho hay phần lớn khách du lịch Trung Quốc đến từ tầng lớp trung lưu, ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn. Hiện tại, nhóm này đang chi rất nhiều cho các sản phẩm xa xỉ.
Ông Shen nói thêm, tăng trưởng nhu cầu trong nước khiến giá nhiều sản phẩm như dịch vụ lưu trú khách sạn, thiết bị nhà bếp, nhạc cụ và phụ kiện xe hơi tăng lên.
Trip.com, một công ty tư vấn du lịch, cho biết tổng giá trị giao dịch (GMV) đặt phòng khách sạn trong tháng 10 tăng hơn hai lần so với tháng trước. Các khách sạn 4 và 5 sao chiếm gần một nửa số lượng yêu cầu đặt phòng.
Ngoài ra, nhiều người cũng chọn các kì nghỉ lễ dài hơn, do đó số lượng khách lưu trú trong 7 ngày liên tiếp của Tuần lễ vàng đã tăng khoảng 70% so với một tháng trước.
"Rõ ràng tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng dịch vụ, đang phục hồi", nhà kinh tế Larry Hu của công ty tư vấn Macquarie nhận định.
"Tín hiệu từ Tuần lễ vàng rất quan trọng vì đà phục hồi trong những tháng tới phải phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng. Cho đến nay, mô hình phục hồi hình chữ V của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu, ba ngành này chiếm 50% qui mô nền kinh tế", ông Hu lập luận.
"Với các thay đổi chính sách gần đây, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm đạt đỉnh hoặc đã đạt đỉnh. Thật vui mừng khi nửa còn lại của nền kinh tế, gồm hai lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư chế tạo, đang bắt kịp", nhà phân tích Larry Hu nhấn mạnh.
Ông Hu dự đoán doanh số bán lẻ tháng 10 có thể tăng 3 - 4% so với cùng kì năm trước.
Hoạt động du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc đã chững lại do tốc độ tăng trưởng kinh tế chung đi xuống. Năm nay, dữ liệu về kì nghỉ Tuần lễ vàng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phục hồi từ cú sốc Covid-19.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết trong 8 ngày đầu tháng 10, có khoảng 637 triệu lượt khách đi du lịch trong nước và chi tiêu 466,56 tỉ nhân dân tệ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn kém số liệu năm ngoái (782 triệu lượt khách và 649,71 tỉ nhân dân tệ chi tiêu).
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc, mức tăng trưởng doanh số bán lẻ gần 5% trong Tuần lễ vàng năm nay cũng thấp hơn tốc độ 8,5% của cùng kì năm trước. Vào Tuần lễ vàng năm 2019, chỉ riêng mảng bán lẻ đã ghi nhận doanh thu 1.520 tỉ nhân dân tệ.
Chi tiêu của người tiêu dùng trong kì nghỉ lễ tăng chưa chắc đã tạo kích thích đồng đều cho các nền tảng mua sắm.
Lượng người dùng hàng ngày của trang web mua sắm theo nhóm Pinduoduo tăng trong Tuần lễ vàng so với mức trung bình hồi tháng 9, CNBC trích dữ liệu từ công ty phát triển ứng dụng Aurora Mobile cho hay.
Phân tích trên cho thấy mức tăng trưởng của các ứng dụng chia sẻ video, streaming Kuaishou và Douyin (phiên bản nội địa của TikTok). Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy lượng người dùng hoạt động trung bình hàng ngày trên JD.com và Taobao cùng Tmall của Alibaba giảm nhẹ trong cùng giai đoạn.
Thách thức lớn nhất đối với quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc là đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chung phục hồi, tỉ lệ người dùng mạng Trung Quốc kiếm từ 2.000 nhân dân tệ/tháng trở xuống tăng từ 39% hồi tháng 3 lên 43,2% vào tháng 6 vừa qua, theo phân tích của CNBC từ dữ liệu của Trung tâm Thông tin Mạng lưới Internet Trung Quốc.
Còn nhóm lao động kiếm từ 1.000 nhân dân tệ/tháng trở xuống chiếm 21% tổng lượng người dùng mạng của Trung Quốc trong tháng 6, tăng nhẹ so với hồi tháng 3.
Trong khi đó, tỉ lệ người dùng mạng thuộc phân khúc thu nhập cao (tức từ 8.000 nhân dân tệ/tháng trở lên) lại giảm từ 13,3% hồi tháng 3 xuống 11,5% trong tháng 6.