Người dân vây kín, BOT Quốc lộ 26 xả trạm ngay ngày đầu thu phí

Trạm thu phí Ninh Xuân hoàn vốn cho dự án BOT Quốc lộ 26 qua địa bàn thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa đã bị người dân vây kín buộc xả trạm ngay ngày đầu tiên tổ chức thu phí.

Đến 12 giờ ngày 16/12, Trạm thu phí Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) vẫn không thể thu phí, buộc phải xả trạm liên tục vì hàng chục xe tải chở hàng của người dân dừng xe phản đối trạm này đi vào hoạt động.

bot quoc lo 26 (3)

Một chiếc tải bị "hư" ngay trạm thu phí. (Ảnh: Khải An)

Trong sáng 16/12, các xe tải, chủ yếu là các xe chở đất, hàng hóa và vật liệu xây dựng, nối đuôi nhau đứng tại trạm thu phản đối.

Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và chính quyền thị xã Ninh Hòa đã có mặt để giải tỏa ách tắc giao thông, bảo đảm thông suốt Quốc lộ.

Các tài xế cho biết, trước đây đi vào thị xã không tốn phí nhưng nay mỗi lần đi phải tốn 40.000 đồng, đi về hết 80.000 đồng khiến chi phí vận tải tăng lên. Bên cạnh đó, muốn vào TP Nha Trang phải đi qua BOT Ninh Lộc. Hai trạm BOT cùng đóng trên địa bàn Ninh Hòa khiến người dân bức xúc.

Một chủ doanh nghiệp ở đây cho biết, một xe chở đất đá lời được 150.000 đồng, giờ đi về qua trạm mất 80.000 thì làm sao đủ khấu hao xe, đó là chưa tính tiền xăng dầu và tài xế.

Theo ông Phan Xuân Hạnh, Trạm trưởng Trạm thu phí Ninh Xuân, trước khi đi vào hoạt động Trạm đã xin ý kiến đến các Bộ, ngành, chính quyền địa phường, trong đó miễn, giảm phí cho hơn 2.950 xe ô tô qua Trạm thu phí Ninh Xuân. Đây là những phương tiện của 19 xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, nằm trong bán kính 10km tính từ trạm thu phí.

bot quoc lo 26 (1)

Người dân phản đối trạm BOT Ninh Xuân thu phí. (Ảnh: Khải An)

"Tuy nhiên, từ 0h ngày 16/12 khi trạm bắt đầu thu phí thì người dân đã tập trung phản đối. Đến trưa nay, Trạm hầu như phải đóng mở liên tục, không thu được phí. Nhiều xe dù đã xả trạm nhưng vẫn không đi", ông Hạnh cho biết.

Cũng theo ông Hạnh, Trạm BOT Ninh Xuân đi vào hoạt động theo đúng công văn 11668/ BGVT –TC ngày 5/12/2019 cho phép Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501 tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại Km 8+800 ở Khánh Hòa và Km 93+677 tại Đắk Lắk.

"Trước mắt, chúng tôi đã báo cáo tình hình đến UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ quan chức năng để có hướng xử lí", ông Hạnh cho biết.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, sáng cùng ngày, hàng chục người dân sống quanh trạm thu phí Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đưa phương tiện ra khu vực này để phản đối việc chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 501 bắt đầu thu phí.

Theo những hộ dân này, những hộ dân sống xung quanh mặc dù chủ đầu tư đã giảm giá vé nhưng vẫn còn cao. Một ngày nhiều người đi qua đây 5-6 lần với giá vé như hiện này thì mất gần 200.000 đồng.

Vụ việc khiến các phương tiện qua khu vực nay bị ùn ứ. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng xuống vận động, giải thích để người dân hiểu nhưng tình hình chưa thuyên giảm.

bot quoc lo 26 (2)

Trạm BOT Ninh Xuân liên tục xả trạm trong ngày đầu thu phí. (Ảnh: Khải An)

Hiện nay, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 501, thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ, với mức thu thấp nhất là 18.000 đồng/lượt, cao nhất 120.000 đồng/lượt.

Cụ thể, các mức phí tương ứng với các loại xe: 25.000 đồng/lượt đối với xe loại 1 (dưới 12 ghế ngồi, tải trọng dưới 2 tấn); 30.000 đồng/lượt đối với xe loại 2 (xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn); 40.000 đồng/lượt đối với xe loại 3 (từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn); 60.000 đồng/lượt đối với xe loại 4 (xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng Container 20 feet); 120.000 đồng đối với xe loại 5 (xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng Container 40 feet).

Riêng phương tiện của tổ chức, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại các xã: Ea Tyh, Ea Đar, Ea Sar và 2 thị trấn Ea Knốp, Ea Kar (huyện Ea Kar), mức thu tương ứng: xe loại 2 (18.000 đồng/lượt); xe loại 3 (24.000 đồng/lượt); xe loại 4 (36.000 đồng/lượt); xe loại 5 (72.000 đồng/lượt).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thu phí trên nhằm hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng mới đoạn qua thị xã Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 26 đoạn qua hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án này đầu tư xây dựng, nâng cấp khoảng 48 km; trong đó đoạn nằm trên địa phận tỉnh Khánh Hòa dài 18,5 km, đoạn nằm qua tỉnh Đắk Lắk dài 29,5 km. Dự án có tổng mức đầu tư 814 tỉ đồng. Thế nhưng Công ty CP Đầu tư - xây dựng 501 được thu phí trong 23 năm tám tháng.

chọn
Hình ảnh tiến độ KCN hơn 2.300 tỷ đồng của Ecoland ở Hưng Yên
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 3 được thực hiện tại huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ và huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) có quy mô 159,7 ha với tổng vốn đầu tư là 2.310 đồng.