Người lao động Trung Quốc đứng trên bờ vực bị sa thải hàng loạt

Kinh tế suy thoái, thất bại của các doanh nghiệp sẽ đẩy người lao động đứng trước bờ vực bị sa thải hàng loạt. Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ nền kinh tế trong năm 2020.

Bắc Kinh cho biết sẽ không để nền kinh tế đất nước rơi vào suy thoái, và nguy cơ các doanh nghiệp sa thải hàng loạt lao động diễn ra, trước bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm và chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài. 

Cam kết này đặc biệt quan trọng trong năm nay, bởi nó đánh dấu sự kết thúc Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Chính phủ Trung Quốc. 

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã phá băng nền kinh tế bằng hàng loạt các gói kích thích, từ việc cắt giảm thuế quan để làm dịu nỗi đau tăng giá, đến cắt giảm lãi suất để khuyến khích ngân hàng cho vay nhiều hơn,…

Bắc Kinh cũng kêu gọi chính quyền các địa phương “làm việc hết mình” để ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp lớn diễn ra trong năm nay. 

Lao động Trung Quốc trước nguy cơ bị sa thải hàng loạt

Giới chức Trung Quốc cảnh báo, nước này có thể phải đối mặt với những sự cố bất ngờ lớn, khi bong bóng việc làm phát nổ. Đây là một thuật ngữ dùng đề cập tới những bất ổn xã hội và bạo loạn có thể xảy ra khi tình trạng thất nghiệp tăng cao. 

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc cho biết họ phải tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới hàng năm, để giữ ổn định xã hội.

Thực tế, dữ liệu việc làm của Trung Quốc gần như không tăng trong vài năm qua, dao động 4-5%. Điều này cho thấy những lo lắng bất thường của Trung Quốc là có cơ sở, trước một nền kinh tế đang giảm tốc và những thách thức mới trong năm nay mang tới.

“Bắc Kinh lo lắng nhiều về tình trạng bất ổn xã hội hơn là về các khoản nợ”, David Zwei, Giám đốc Transnational China Consulting Limited cho biết. 

Kinh tế giảm tốc, lao động Trung Quốc đứng trên bờ vực bị sa thải hàng loạt - Ảnh 1.

Kinh tế suy thoái, thất bại của các doanh nghiệp sẽ đẩy người lao động đứng trước bờ vực bị sa thải hàng loạt. (Ảnh: CNN).

Các yếu tố kinh tế như chi phí nhà ở tăng vọt, thị trường lao động cạnh tranh đã thúc đẩy cảm giác bất mãn ngày càng nhiều trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là ở người trẻ tuổi tại các thành phố lớn. 

“Năm 2020 sẽ rất khó khăn cho Trung Quốc và thất nghiệp hàng loạt có thể sẽ là vấn đề lớn nhất mà quốc gia này phải đối mặt”, Frank Ching, một nhà bình luận chính trị Trung Quốc và Phó Giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, đưa nhận định.

“Kinh tế suy thoái, thất bại của các doanh nghiệp sẽ đẩy người lao động đứng trước bờ vực bị sa thải hàng loạt. Điều này sẽ gây ra những căng thẳng trong xã hội”, ông nói thêm.

Các chính khách và những doanh nhân lớn ở Trung Quốc cũng bày tỏ nỗi lo lắng của mình với tình hình nền kinh tế. 

Cuối tháng trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Zhong Shan, cảnh báo mọi người nên thắt lưng buộc bụng, và chuẩn bị cho một năm khó khăn phía trước. 

“Sử dụng mỗi xu vào những thứ quan trọng”, ông nói. 

Jack Ma, người sáng lập Alibaba, gần đây cũng thừa nhận: “Năm 2019 là một năm khó khăn cho môi trường kinh doanh”. Tuy nhiên, Jack Ma nhấn mạnh rằng: “Đó mới chỉ là sự khởi đầu”. 

Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Trung Quốc dự kiến sẽ công bố số liệu tăng trưởng cả năm 2019 vào cuối tuần này. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy tăng trưởng GDP quý III của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại so với tốc độ yếu nhất kể từ năm 1992. 

“Mức tăng trưởng có lẽ sẽ vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của Chính phủ, từ 6-6,5%. Tuy nhiên đà giảm tốc thì còn lâu mới kết thúc”, Gao Shanwen, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu Essence Securities, có trụ sở tại Thâm Quyến, cho hay.

Gao cũng dự đoán tăng trưởng GDP hàng năm trong thập kỉ tới của Trung Quốc sẽ không vượt quá mức trung bình 5%. Trong một ghi chú mới đây, nhà kinh tế trưởng của Essence Securities, cho rằng Bắc Kinh sẽ phải nỗ lực rất nhiều để duy trì tốc độ tăng trưởng 4%. 

Kinh tế giảm tốc, lao động Trung Quốc đứng trên bờ vực bị sa thải hàng loạt - Ảnh 2.

GDP hàng năm trong thập kỉ tới của Trung Quốc sẽ không vượt quá mức trung bình 5%. (Ảnh: Head Topics).

Nhiều người cho rằng, cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm với Mỹ rõ ràng là nguyên nhân chính cho sự giảm tốc của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, nó chỉ là một mặt của vấn đề.

Nợ công đã tăng vọt trong thập kỉ qua, lên mức cao kỉ lục khi Chính phủ và các công ty nhà nước bắt đầu vay nợ rất nhiều sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, để tài trợ cho các dự án nhà ở và cơ sở hạ tầng.

Sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, khi giá nhà đất và giá thịt lợn đều tăng. Điều này có thể làm giảm chi tiêu cho xe hơi, hàng xa xỉ và điện thoại cao cấp.

Khu vực tư nhân một thời sôi động của Trung Quốc cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn. 

Từ năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt các quy định vay nợ của doanh nghiệp tư nhân, khiến cho khối này khó vay tiền hơn. Ngoài ra, khu vực tư nhân hiện nay cũng không còn có thể dựa vào sự hỗ trợ đáng kể của Chính phủ. 

“Ở chiều ngược lại, ngân hàng đang cho các doanh nghiệp nhà nước vay nợ nhiều hơn trong những năm gần đây. Không phải là để mang lại tăng trưởng kinh tế, nhưng nó sẽ giúp Trung Quốc ổn định thị trường việc làm”, Gao nói. 

“Trong ngắn hạn, giải pháp này là khả thi. Nhưng về lâu về dài thì nền kinh tế càng ngày càng kém hiệu quả”, ông nói thêm.

Bơm hàng tỉ USD cho ngân hàng, xây dựng nhiều hơn đường sắt, sân bay, giảm thuế... 

Kinh tế giảm tốc, lao động Trung Quốc đứng trên bờ vực bị sa thải hàng loạt - Ảnh 3.

Bộ Giao thông vận tải nước này đã phác thảo kế hoạch chi gần 400 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng đường sắt, đường cao tốc và đường thuỷ. (Ảnh: CNBC).

Trung Quốc gần đây đã dồn sức nhiều hơn cho việc phát triển kinh tế. 

Theo đó, Bắc Kinh đã bơm hàng chục tỉ USD vào hệ thống ngân hàng, công bố kế hoạch xây dựng thêm đường sắt, sân bay, giảm thuế nhập khẩu cho hàng trăm sản phẩm, và hứa sẽ mở cửa cho một số ngành công nghiệp có đầu tư nước ngoài. 

Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cố gắng kích thích nền kinh tế, bằng cách cắt giảm lượng tiền mặt ngân hàng phải dự trữ, điều này giúp giải phóng khoảng 115 tỉ USD cho vay dài hạn. 

Trung Quốc cũng không bỏ qua khu vực tư nhân. Thủ tướng Li Keqiang gần đây cho biết Chính phủ đang nghiên cứu các chính sách, để hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Điều này có thể dẫn tới việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay thương mại. 

Kích thích tài khoá cũng nằm trong kế hoạch. Bộ Giao thông vận tải nước này đã phác thảo kế hoạch chi gần 400 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng đường sắt, đường cao tốc và đường thuỷ. 

Bộ này cũng có kế hoạch mở thêm các dự án cho đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, vào tháng 4/2019, Chính phủ cho biết sẽ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất xe thương mại độc lập, hoặc liên doanh với Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2020.

Đầu tháng 1/2020, cơ quan quản lí tài chính Trung Quốc cũng đã tiết lộ các quy tắc mới, để cho phép tăng lượng tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường tài chính. Các quy tắc cho phép họ mở chi nhánh và hoàn toàn nắm quyền sở hữu ngân hàng ở Trung Quốc.

Chính phủ cũng bắt đầu cho phép các công ty nước ngoài sở hữu hoàn toàn các công ty trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hoạt động tại Trung Quốc đại lục. Quy định giới hạn về quản lí quỹ và các công ty chứng khoán cũng được dỡ bỏ vào cuối năm nay. 

“Chính phủ Trung Quốc đang hành động nhiều hơn để ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp”, các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu Huaxi Securities, nhận định.