Khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận thương mại giai đoạn một vào cuối tuần trước, các chương trình tin tức vào giờ cao điểm trên hai kênh truyền thông nổi tiếng của Trung Quốc, là Đài truyền hình trung ương (CCTV) và Nhân dân nhật báo, đã không xuất hiện bất kì dòng thông tin nào về thoả thuận trên, bất chấp việc đưa tin rầm rộ của truyền thông trên toàn cầu.
Gần như không có bình luận chính thức nào về thoả thuận thương mại đã được thực hiện kể từ đó.
Tuy nhiên, có những cuộc tranh luận âm thầm đang diễn ra ở Trung Quốc, giữa những người quan tâm về chính trị, hoặc là trí thức hoặc là công dân bình thường.
Theo Nikkei, hầu hết các cuộc bàn luận này diễn ra trực tiếp, bởi môi trường Internet giờ đây đã bị kiểm soát chặt chẽ, nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo.
"Có phải Chủ tịch Trung Quốc vừa đầu hàng Tổng thống Mỹ?", "Hoa Kỳ được quyền đơn phương giám sát và đánh giá tiền trình của thoả thuận. Hơn nữa Trung Quốc dường như cũng đã cam kết mở rộng nhập khẩu hàng hoá Mỹ thêm 200 tỉ USD trong hai năm tới", "Sau khi lãng phí hơn 6 tháng, đây có phải là kết quả cuối cùng hay không",…
Đó là một số câu hỏi đang được dư luận Trung Quốc đặt ra.
Nhật báo Nikkei quan sát thấy rằng, cụm từ "đầu hàng" được sử dụng phổ biến trong các cuộc tranh luận như thế này. Nhiều người Trung Quốc miêu tả bản thoả thuận thương mại tạm thời có chút thiệt thòi cho chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình và cộng sự vẫn luôn khẳng định nếu Trung Quốc quyết đấu với Mỹ trong một cuộc chiến kéo dài, họ có thể sẽ chiếm thế thượng phong.
Trước đó, thoả thuận thương mại đã được Mỹ và Trung Quốc công bố đồng thời, chỉ vài ngày trước khi lệnh áp thuế bổ sung tiếp theo của Mỹ lên hàng hoá Trung Quốc được thực hiện.
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo trong tối thứ Sáu, để thông tin về thoả thuận.
Tuy nhiên, không một vị Bộ trưởng Thương mại hay Nông nghiệp nào có mặt trong buổi họp báo. Ngay đến Phó thủ tướng Liu He, người được cho là quen thuộc với các cuộc đàm phán thương mại, cũng vắng bóng. Thay vào đó, người thông báo về thoả thuận lịch sử này lại là một viên chức cấp thấp trong chính phủ.
Truyền thông Trung Quốc chỉ nhắc tới thông tin này trong phần điểm tin. Câu chuyện cũng nhanh chóng biến mất trên các chương trình tin tức hàng ngày của Nhân dân nhật báo và CCTV vào ngày hôm sau.
Vào cuối tháng 4, Mỹ và Trung Quốc đã soạn thảo một thoả thuận thương mại dự thảo, dài 150 trang. Nhưng đến đầu tháng 5, Trung Quốc đột ngột đơn phương bỏ 30% văn bản trong dự thảo trên.
Nước này tuyên bố họ không muốn một hiệp ước bất bình đẳng. Kết quả là Trump đã công bố áp dụng vòng trừng phạt thuế quan thứ 3 và thứ 4 lên hàng hoá Trung Quốc.
Theo thông tin do Washington công bố, thoả thuận tạm thời lần này liên quan đến 7 lĩnh vực: bảo vệ sở hữu trí tuệ, chấm dứt chuyển giao công nghệ, mở rộng nhập khẩu thực phẩm và nông sản của Mỹ, bãi bỏ các dịch vụ tài chính, giải quyết các hành vi tiền tệ không công bằng, mở rộng thương mại và thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Thoả thuận sẽ có tính ràng buộc pháp lí, đòi hỏi phải được Quốc Hội Trung Quốc phê chuẩn. Cùng với đó, Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện thoả thuận của Trung Quốc. "Cuối cùng thì nó cũng không hơn một hiệp ước bất bình đẳng mà Trung Quốc đã cố tránh vào hồi tháng 4", tờ Nikkei viết.
Thoả thuận bao gồm các mục tiêu rõ ràng như Trung Quốc sẽ phải tăng mua hàng trị giá 200 tỉ USD của Mỹ trong vòng 2 năm tới, mục đích là để thu hẹp sự mất cân bằng thương mại song phương. Thoả thuận cũng kêu gọi Trung Quốc nhập khẩu thêm từ 40-50 tỉ USD hàng nông sản mỗi năm từ Mỹ.
Trump tự hào về những gì mà thoả thuận đã đạt được. Trong khi đó Trung Quốc dù muốn hay không thì cũng đã phải chấp nhận các điều khoản bất lợi.
Nhìn lại, Trung Quốc có lẽ đã có một bản thoả thuận tốt hơn nếu họ chịu thoả hiệp vào hồi tháng 4. Mặc dù nó cũng là một thoả thuận không có lợi với họ, nhưng Trung Quốc ít ra cũng đã có thể tránh được hai đợt áp thuế bổ sung và giữ cho tăng trưởng kinh tế ở mức 6%.
Thay vào đó, nước này chuyển chiến lược và bắt đầu theo đuổi chính sách tự cung tự cấp và "trường kì kháng chiến".
Vào thời điểm đó, các quan chức Trung Quốc dường như đã quyết định rằng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chiều hướng sẽ tốt hơn cho họ. Họ cũng nghĩ rằng có thể sử dụng hàng nông sản như mộ chiêu bài để thương lượng, vì Trung Quốc biết những cử tri nông dân là một bộ phận rất quan trọng của Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nhưng đáng buồn, trái với mong đợi của họ. Thời gian trôi qua càng khiến lợi thế nghiêng về ông Trump nhiều hơn.
Kể từ tháng 4, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm chạp rõ rệt, vượt quá ngưỡng chấp nhận của Bắc Kinh. Hoá ra, Chủ tịch Tập Cận Bình không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi đến thoả thuận với Tổng thống Trump.
"Việc thu thuế năm nay sẽ là một thách thức với chính quyền", một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề kinh tế Trung Quốc cho hay. "Tôi tự hỏi liệu có thể tránh được tăng trưởng âm hay không? Vì hiện tại không còn tiền cho các gói kích thích kinh tế".
Cái lợi duy nhất mà Trung Quốc nhận được trong bản thoả thuận thương mại tạm thời lần này, đó là việc hoãn các mức thuế còn lại trong vòng áp thuế thứ 4, và giảm một nửa mức thuế 15% đã được áp dụng từ tháng 9/2019.
Tuy vậy, việc giảm thuế quan cũng chỉ được thực hiện sau 30 ngày kể từ khi bản thoả thuận thương mại được chính thức kí kết. Do đó, cũng phải ít nhất hai tháng nữa thoả thuận này mới có hiệu lực.
Mọi điều khoản khác trong thoả thuận đều là Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của Mỹ.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Robert Lighthizer, nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, rằng sự thành công của thoả thuận này phụ thuộc vào các nhà cải cách ở Bắc Kinh.
Do đó, ông bày tỏ hi vọng rằng thoả thuận sẽ được thực hiện đúng, dưới sự lãnh đạo của các nhà cải cách.
Hiện chưa rõ khi nào các cuộc đàm phán giai đoạn 2 sẽ được khởi động, mặc dù Trump nói là "ngay lập tức".
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020