Việc tuyển sinh của các trường trung cấp ngày một gian nan dù nhu cầu nhân lực trên thị trường lao động vẫn đang rất cần. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Nhiều ngành thiếu nhân lực, không tuyển đủ chỉ tiêu
Thực tế các mùa tuyển sinh cho thấy, hầu hết học sinh đều có nguyện vọng đăng kí thi vào các trường Đại học và Cao đẳng, chỉ tỉ lệ rất nhỏ đăng kí thi Trung cấp. Học trung cấp đa số là học sinh trượt nguyện vọng các trường đại học và cao đẳng. Chỉ có một phần nhỏ, học sinh chủ động chọn con đường Trung cấp ngay từ đầu vì tự xét thấy năng lực bản thân và gia cảnh thích hợp với cấp học này.
Việc thí sinh không giới hạn nguyện vọng xét tuyển năm nay càng tăng cơ hội học Đại học, cánh cửa tuyển sinh cho các trường trung cấp càng thêm gian nan.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM nhận định: “Xu hướng chọn trường của các học sinh ảnh hưởng đến sự cân đối giữa các nhóm ngành đào tạo, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, thừa nhân lực nhóm ngành kinh tế và thiếu hụt nhân lực nhóm ngành kỹ thuật”.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, thực tế thị trường lao động trong những năm gần đây, các doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu hụt người lao động có trình độ Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề. Thời điểm cuối năm 2016 vừa qua, theo khảo sát, nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục chú trọng lao động có trình độ, tay nghề tiếp tục tăng. Ở bậc sơ cấp nghề - Công nhân kỹ thuật - Trung cấp (chiếm 62,48%) tăng 29,19% so với cùng kỳ; tập trung ở các nhóm ngành: Dệt may – Giày da, Cơ khí – Tự động hóa, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Mộc – Mỹ nghệ - Tiểu thủ công nghiệp,…nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
Trong các năm qua chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đào tạo nghề có trình độ cao đẳng và trung cấp luôn gia tăng nhưng vẫn ít người học. Các ngành – nghề kế toán, tài chính ngân hàng đào tạo quá nhiều, dẫn đến dư thừa lao động. Trong khi đó các ngành kỹ thuật đang thiếu hụt nhân lực như điện, hàn, cơ khí lại đào tạo quá ít và chỉ tiêu tuyển sinh đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây, do nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu.
Không nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm đến việc chọn học các ngành trung cấp trước thềm tuyển sinh. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Những nhóm ngành thiếu nhân lực trung cấp
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động nhân lực trung cấp đang tồn tại sự mất cân đối giữa cung và cầu. Nhu cầu nhân lực lớn hơn nguồn cung nhân lực. Nhân lực nhóm ngành kỹ thuật thiếu hụt cả chất và lượng nhưng nhân lực nhóm ngành kinh tế (kế toán, tài chính ngân hàng) lại dư thừa.
Ông Chí Vỹ, GĐ công ty TNHH TM DV Xây dựng Phú Di (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: "Mặc dù đăng tuyển nhiều nhưng chúng tôi vẫn thiếu lao động có tay nghề mà phải tuyển lao động phổ thông cho vừa làm vừa đào tạo. Những vị trí cần như thợ hàn buộc phải có tay nghề nhưng việc tuyển cũng rất khó vì thợ lâu năm đòi lương cao, thợ trung cấp mới ra thì khan hiếm. Ngày nay, tuyển Đại học còn dễ hơn trung cấp!".
Nhóm ngành Cơ khí, Điện tử - Viễn thông, Xây dựng… được nhận xét hiện đang là những ngành nghề thiếu hụt về nhân lực trình độ trung cấp. “Nhu cầu nhân lực trung cấp trong các ngành nghề này liên tục tăng qua các năm và có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015 – 2020, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lại giảm đáng kể, đặc biệt ngành Cơ khí và Điện tử. Một số ngành như Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Y tế (điều dưỡng), Dược, Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Kế toán tuy có nhu cầu nhân lực trung cấp cũng khá cao, nhưng so với chỉ tiêu đào tạo đang có xu hướng thừa nhân lực”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, khu vực dịch vụ được dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhân lực tăng trung bình 4,56% một năm lên khoảng 3,1 triệu người vào năm 2020 (chiếm 57,5% tổng nhu cầu), trong đó nhu cầu trình độ trung cấp khoảng 18%. Khu vực công nghiệp, nhu cầu nhân lực được dự đoán tăng trung bình 2% một năm lên khoảng 2,2 triệu người vào năm 2020 (chiếm 41,4%), trong đó nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm khoảng 14%.
Ông Tuấn cũng nhận định, trong giai đoạn 2015 – 2020, dự báo nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp sẽ tập trung nhiều vào các nhóm ngành: công nghệ thông tin; xây dựng; cơ khí; du lịch – nhà hàng – khách sạn; y tế - dược; kế toán; tài chính; ngân hàng; điện tử - viễn thông.
Trung tâm dự báo nhân lực cũng cho biết, nhóm ngành công nghệ thông tin; du lịch – nhà hàng - khách sạn; y tế - dược; kế toán, tài chính ngân hàng là những nhóm ngành có lượng lao động qua đào tạo trình độ trung cấp cao hơn nhiều so với nhu cầu nhân lực, dẫn tới tình trạng dư thừa. Trong khi đó nhóm ngành cơ khí; xây dựng; điện tử lại thiếu hụt nhân lực, chỉ tiêu đào tạo thấp hơn nhiều so với nhu cầu nhân lực.
Mặc dù nhu cầu nhân lực trung cấp vẫn thiếu hụt trên thị trường lao động nhưng trước thềm tuyển sinh vẫn không nhiều phụ huynh, học sinh mặn mà với cánh cửa từ các trường. Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, gian tư vấn các trường nghề không thu hút được sự quan tâm của nhiều thí sinh. Một trong số những phụ huynh ít ỏi quan tâm đến trường nghề chia sẻ: “Tôi và con tham khảo thêm thông tin trường nghề để phòng sức học cháu không đủ xét vào Cao đẳng, Đại học. Năm nay, nguyện vọng xét tuyển của thí sinh được nhiều nên chỉ cần cháu chọn đúng trường vừa khả năng mình là cơ hội học Đại học, Cao đẳng rất cao. Nếu cháu vào được Cao đẳng thì vẫn ưu tiên cho học Cao đẳng hơn Trung cấp”. |