Đề xuất tách thi đại học và tốt nghiệp THPT của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại hội nghị tổng kết của Bộ GD&ĐT ngày 21/8 đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều trường đại học.
Một số lãnh đạo trường đại học cho rằng việc tách hai kỳ thi là việc cần thiết và đúng đắn.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tách hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học. Đây là ý kiến hoàn chính xác và rất khoa học”.
Quan điểm của ông Chính là nếu tách thành 2 kỳ thi riêng, công tác tổ chức, quản lý, giám sát nên giao về địa phương đối với thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học lo thi tuyển sinh.
“Các địa phương có thể giao thẳng về phòng GD&ĐT ở quận, huyện, kỳ thi này sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thậm chí, chúng ta có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ dùng kết quả thi cuối năm lớp 10, 11, 12 để đánh giá, sẽ làm nhẹ gánh nặng cho xã hội”, ông Chính đề xuất.
Tiếp đến, kỳ thi tuyển sinh đại học phải đa dạng và nên giao về cho các trường đại học.
Ví dụ cụ thể với ngành y và sư phạm, nếu chỉ xét đến yếu tố học giỏi để có thể làm bác sĩ, thầy giáo thì chưa đủ. Vì ngoài kiến thức, sinh viên phải có kỹ năng và quan trọng nhất là thái độ, lương tâm của nghề.
Nếu chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi, trường y sẽ không tuyển được sinh viên như ý mà trường sư phạm cũng không tuyển được người mình cần.
"Không phải trường nào cũng có thể tự tổ chức tuyển sinh riêng. Do đó, những tổ chức độc lập đứng ra xây dựng trung tâm đánh giá năng lực. Đó có thể là Bộ GD&ĐT hoặc một vài trường tốt.
Các trường còn lại sẽ quyết định có nên dùng kỳ thi này hay không, tức là họ được quyền tự chủ, khi nào đủ năng lực sẽ tổ chức thi riêng. Giống như IELTS, TOEFL, một đơn vị độc lập tổ chức thi nhưng kết quả được nhiều nơi công nhận và sử dụng", ông Chính nói.
Kỳ thi THPT quốc gia không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh của các trường đại học. Ảnh: Anh Tuấn. |
Theo đề xuất trên, Bộ GD&ĐT không nên làm tuyển sinh mà chỉ đưa ra nguyên tắc và kiểm tra các trường làm đúng hay không.
Ông Chính cũng cho rằng hiện tại, Bộ GD&ĐT ôm đồm nhiều việc, nên trả lại những việc vốn dĩ của các trường. Luật Giáo dục Đại học cũng nêu rõ tuyển sinh là trách nhiệm của các trường.
Ủng hộ đề xuất của ông Chính, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng đã đến lúc Bộ GD&ĐT nên trả kỳ thi đại học về cho các trường vì họ mới biết mình muốn tuyển sinh thế nào.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, hiện tại không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tâm lý chung của học sinh Việt Nam phải có thi mới học, nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT sẽ khó tưởng tượng chất lượng dạy và học ở cấp THPT sẽ ra sao.
Đại diện nhiều trường đại học cũng thừa nhận rằng chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn trong việc tìm ra đáp số tốt nhất cho bài toán tuyển sinh.
“Chúng ta đổi tới đổi lui cuối cùng lại đang có xu hướng quay về với cách làm cũ”, lãnh đạo một trường xin giấu tên nói.
Theo ông Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), hình thức kỳ thi có thể giống nhau nhưng sau bao nhiêu năm, tính chất và chất lượng sẽ khác. Bài toán này cũng chỉ có vài lời giải, do đó chúng ta phải chọn phương án tốt nhất.
Bắt đầu từ năm 1970, kỳ thi tuyển sinh đại học được tổ chức, kéo dài đến năm 2014, trải qua bốn lần thay đổi. Ban đầu, kỳ thi được tổ chức ở mỗi tỉnh thành, giảng viên trường đại học về các tỉnh coi thi.
Đến những năm 1991-2001, các trường tự tổ chức thi riêng, phần lớn thí sinh tập trung về Hà Nội và TP.HCM để ứng thí. Giai đoạn 2002-2014, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “ba chung”: Chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi.
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để sử dụng kết quả với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ông Nguyễn Quốc Chính cho rằng đánh giá kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” giúp giảm gánh nặng kinh tế cho xã hội là không hoàn toàn đúng.
“Đánh giá như vậy là chưa toàn diện. Rõ ràng khi so với việc Bộ GD&ĐT tổ chức hai kỳ thi như ngày xưa, kỳ thi THPT quốc gia gọn nhẹ, đỡ tốn kém nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn thế nếu giao việc thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương hoặc bỏ hẳn.
Một triệu thí sinh không cần đi thi vẫn xét tốt nghiệp được và chỉ một nửa trong số đó tham gia thi đại học, như thế sẽ đỡ tốn kém hơn nữa”, ông Chính nêu quan điểm.
Cũng theo người này, chúng ta cứ sử dụng một thang đo duy nhất như hiện nay rất nguy hiểm. Thang đo này càng hoàn thiện, càng tốt thì lại càng sai lầm.
Nếu duy trì việc thi cử như hiện nay, rất có thể, chúng ta sẽ định hướng sai cho học sinh. Ba năm phổ thông học sinh sẽ chỉ miệt mài giải các câu trắc nghiệm mà không chú trọng năng lực học đại học.
Sau khi đậu, điểm các em này có thể rất cao nhưng hoàn toàn không có kỹ năng để học và không đáp ứng được yêu cầu của ngành, nghề đào tạo.
Dù biết kỳ thi THPT quốc gia khó lòng giúp các trường tuyển được đúng đối tượng mình cần và phần nào bộc lộ hạn chế trong ba năm qua, một số trường đại học vẫn lo phương án tuyển sinh riêng.
Luật Giáo dục Đại học quy định rõ các trường đại học được quyền tự chủ tuyển sinh. Thế nhưng, con đường đi đến tự chủ hoàn toàn vẫn còn khó khăn với nhiều cơ sở giáo dục.
Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng vấn đề kinh phí thực hiện là lý do lớn khiến không ít trường e ngại, dù muốn tự chủ tuyển sinh.
Trong khi đó, ông Hồ Thanh Phong lo ngại về khâu làm đề thi rất nhiêu khê.
Theo ông Phong, công tác xây dựng đề thi vất vả và không phải trường nào cũng có thể tự thực hiện. Đề thi phải được đánh giá, được phản biện và phải được thử trước.