Chia sẻ tại hội thảo "Toán học không xa cách" trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2017 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VISAM) tổ chức ngày 13/8, GS Đỗ Đức Thái, thành viên Ban phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể, Chủ biên chương trình môn Toán, đã phát biểu về Toán học trong chương trình phổ thông.
Theo GS Đỗ Đức Thái, triết lý xây dựng chương trình môn Toán trong giáo dục phổ thông tổng thể được thể hiện ở 4 yếu tố: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và sáng tạo.
Tinh giản được hình dung như một cái đích, mỗi người đều cố gắng đi đến bằng con đường ngắn nhất, đơn giản, phù hợp với nhận thức, sự phát triển tâm sinh lý của học sinh.
“Một đơn vị kiến thức khi đưa vào chương trình học nhất định phải trả lời câu hỏi ‘Để làm gì?’, ‘Nếu bỏ ra có ảnh hưởng không?’, nếu không ảnh hưởng thì nên bỏ", ông Thái nói.
GS Đỗ Đức Thái tâm đắc khi trích dẫn câu nói của một vị giáo sư là tổng chủ biên chương trình Toán của nước Nga hiện hành: “Đừng giáo dục vì Toán học mà hãy giáo dục bằng Toán học” và “Toán học cho mọi người”.
Theo GS Thái, tinh giản không nằm ở chỗ vùng kiến thức này khó quá thì nên bỏ mà là cách dạy như thế nào?
GS Đỗ Đức Thái nói về việc học Toán trong chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Quyên Quyên.
“Tôi cực lực phản đối Bộ GD&ĐT vì thường xuyên tinh giản chương trình, vạc đến tận xương rồi không còn gì nữa, vạc thêm lại thành... quái thai. Vấn đề ở đây không phải vạc đi kiến thức mà kiến thức đó có vai trò gì trên con đường chúng ta mong muốn”, ông Thái nhấn mạnh.
GS Thái bày tỏ ông rất kinh ngạc khi nhìn đề thi THPT quốc gia thấy phải giải bất phương trình, tính tích phân, mũ logarit và lượng giác.
"Tôi nghĩ cuộc đời các em sau này chắc không sử dụng những nội dung này. GS Nguyễn Hữu Việt Hưng từng nhiều lần nói, dù 60 tuổi, ông chưa bao giờ phải giải phương trình tổ hợp hay rút gọn đẳng thức tổ hợp như đề thi vào đại học”, ông Thái nói.
Ông cho rằng do đặt vấn đề lệch lạc nên đẩy chương trình Toán hiện tại lệch lạc theo. Điều này khiến xã hội kêu nội dung học quá tải, không thiết thực.
Chương trình này có xu hướng dồn từ lớp trên xuống dưới mà đáng lẽ ra cần ngược lại. Ví dụ, những bài tập khó ở sách giáo khoa lớp 4 được dạy ở chương trình lớp 6 hoặc 7 ở các nước khác.
GS Đỗ Đức Thái thông tin là người từng đưa học sinh cấp một đi thi Toán quốc tế, trực tiếp dạy học các em, ông nhận ra: “Việt Nam có truyền thống thi gì cũng giỏi, thường chỉ kém trong một vài năm đầu tiên, những năm sau thành tích rất cao”.
Theo ông Thái, đây là nguyên nhân từ việc luyện thi. Vị GS này kể những năm đầu tiên dẫn đội tuyển thi Olympic Toán tiểu học quốc tế, thành tích rất thấp. Nhưng năm ngoái, cả thế giới có 26 giải nhất, Việt Nam chiếm tới 11 giải.
Ông khẳng định học sinh thi gì cũng giỏi nhưng Việt Nam không để lại dấu ấn trên đỉnh cao trí tuệ trong nhiều năm, cho đến khi có sự ghi danh đầu tiên của GS Ngô Bảo Châu.
Từ đó, GS Thái cho rằng học tốt nhưng không sáng tạo chỉ là người đi làm thuê. Người tri thức phải tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng nền kinh tế tri thức. Kiến thức và kỹ năng không hướng đến chuyện đi thi mà sẽ là thực tiễn cuộc sống. Ở đó, đỉnh cao của năng lực là tạo cho người học khả năng thích ứng bất kỳ sự thay đổi nào của xã hội, thể hiện khả năng giải quyết vấn đề và trên hết là sáng tạo.
“Tôi không ngại lắm khi dư luận phê phán chương trình môn Toán. Cái tôi sợ nhất là dư luận không chấp nhận triết lý của tôi là Toán học cần phải cho mọi người và là công cụ để mỗi con người mưu sinh", GS Thái nói.
Ông Thái khẳng định mọi người đừng hy vọng chương trình mới sẽ đưa ra những đơn vị kiến thức rất mới mà sẽ giảm tải nhiều so với hiện nay.
Dự kiến đầu năm 2018, chương trình phổ thông môn Toán sẽ thiết kế nội dung riêng dành riêng cho học sinh có năng khiếu và học sinh vùng đặc biệt khó khăn.