Sau những năm kháng chiến ác liệt tại chiến trường Trảng Bàng (thuộc tỉnh Tây Ninh), cái mà người lính Nguyễn Khánh Toàn đem về quê hương là mảnh pháo M79 nằm sâu 1,5 cm trên đầu và mức thương tật lên tới 62%. Với dáng người nhỏ bé, giờ đây người lính cụ Hồ - Nguyễn Khánh Toàn đang thực hiện nghĩa vụ cao cả, canh giấc ngủ cho hơn 200 liệt sĩ tại nghĩa trang thị trấn Phú Xuyên.
Hơn 200 ngôi mộ liệt sĩ hàng ngày được ông Toàn chăm sóc cẩn thận. (Ảnh Chí Hiếu) |
Những năm tháng chiến đấu và trận đánh định mệnh
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại mảnh đất Phú Xuyên (TP Hà Nội), từ nhỏ ông đã nuôi ý trí trở thành người lính, hiến dâng tuổi thanh xuân cho nền hòa bình của tổ quốc. Khi vừa đến tuổi nhập ngũ chàng thanh niên Nguyễn Khánh Toàn viết đơn tay xin đi bộ đội và chiến đấu tại chiến trường miền Nam.
Gần 10 năm chiến đấu đã tôi rèn cho người lính Nguyễn Khánh Toàn một ý chí kiên cường, vượt qua nhiều gian khổ lập lên nhiều những chiến công anh hùng, như tấn công chiếm sân bay Tân Sân Nhất, chiến đấu tại chiến trường Lộc Châu, Trảng Bàng bảo vệ từng tấc đất, giữ an toàn cho các đơn vị chủ chốt.
Ông Toàn còn nhớ như in trận chiến “giữa xác địch” vào mùa mưa năm 1968. “Hồi đó tại Tây Ninh quân địch càn dữ lắm, chúng lùng quân ta khắp nơi trong khi quân ta cũng vậy. Tại chiến trường Lộc Châu quân ta đã đến trước, nhanh chóng tổ chức trận địa mìn và "ém" quân chờ địch. Đúng như trong dự đoán, một ngày giữa tháng 8 năm 1968 quân địch tiến vào chiến trường, bị pháo cối của chúng ta tấn công dữ dội và xa vào trận địa mìn, sau trận chiến đó quân ta đã thắng lớn khi tiêu diệt hơn 200 lính địch.
Được chỉ đạo không cho quân địch vào trong 5 ngày còn lại của trận chiến, ông Toàn cùng 27 chiến sĩ còn lại của đại đội Gia Định 2 vững một lòng “quyết tử” bằng mọi giá cũng không để địch tiến vào. Đến ngày thứ 5, quân địch điều động sư đoàn pháo tiếp cận chiến trường, trong trận chiến đó ông Toàn bị thương nặng do bị chúng mảnh pháo M79, chấn thương nặng vùng đầu, đứt gân chân, tổn thương nặng vùng ngực, được người dân đưa về ân náu điều trị. Một năm sau, khi vết thương đã lành ông Toàn lại làm đơn ở lại chiến trường, thực hiện công tác đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ chỉ huy miền.
Người dành cuộc đời còn lại “canh giấc” cho đồng đội
10 năm “vào sinh ra tử” trên chiến trường ác liệt, người cựu chiến binh may mắn trở về với quê hương Phú Xuyên. Dành chọn cả tuổi thanh xuân với “nghiệp nhà binh”, giờ đây khi về quê cũ ông cũng chỉ muốn ở gần bên đồng đội.
Năm 1985, ông được UBND huyện Phú Xuyên đề cử làm quản trang cho nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phú Xuyên, không có lương cũng chẳng có danh vọng gì, thế nhưng hàng ngày ông Toàn vẫn cần mẫn chăm sóc cho những ngôi mộ liệt sĩ.
Cây cối xanh mát quanh nghĩa trang đều một tay ông Toàn chăm sóc. (Ảnh Chí Hiếu) |
Những ngày đầu ông tiếp nhận nghĩa trang liệt sĩ, quanh khuôn viên chẳng có nhiều cây cối, thương đồng đội phải chịu nắng mưa, ông đã tự mình đi mua và trồng lên những hàng cây xanh tỏa bóng mát cho toàn bộ nghĩa trang. Ông bảo: “Hai hàng cau như hai hàng lính tân binh nghiêm trang đón khách vào thăm, bên những ngôi mộ các liệt sĩ là hai hàng liễu rủ bóng tựa như người nữ dân quân tự vệ, cây nào cũng có linh hồn của nó”.
Ngày tháng qua đi khuôn viên nghĩa trang rộng 1 ha, hơn 200 ngôi mộ các chiến sĩ đều được ông chăm sóc cẩn thận, hương khói định kỳ. Dịp Tết Nguyên Đán hay các ngày lễ lớn ông gần như ở hẳn lại đây. "Trong nghĩa trang có gần 1/3 ngôi mộ khuyết danh chưa có người thân đến chăm sóc, cũng có những ngôi mộ có danh là người gần đây nhưng gia đình vẫn xin để lại nơi này. Tất cả các đồng đội đều được tôi chăm sóc mỗi ngày như người thân của mình".
Bước đi nhanh nhẹn của người cựu chiến binh nguyện cả đời sống cùng đồng đội. (Ảnh Chí Hiếu) |
Chuẩn bị bước qua tuổi 82, người cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn vẫn giữ được sức khỏe tốt, dáng đi nhanh nhẹn. Ông bảo rằng, "Đó là do các đồng đội nằm đây đã phù hộ cho tôi, chẳng mấy khi tôi ốm đau cả". Rồi bỗng ông Toàn nhìn lên đồng hộ và bảo, "Đã đến giờ tôi phải đi thắp hương cho các anh em của tôi rồi", nói xong, ông tất tả cầm lấy túi hương vội bước đi trong cái nắng ấm áp bất chợt giữa mùa đông lạnh giá.