Hàng loạt quảng cáo của người nổi tiếng trên facebook. (Ảnh: FB).
Đại diện một công ty truyền thông tại TP HCM cho biết thu nhập từ việc quảng cáo trên trang cá nhân của các "sao" thường được trả theo đầu việc (hình ảnh, video, livestream, tham gia sự kiện, quyền sử dụng hình ảnh, độc quyền hình ảnh...).
Có thể kí hợp đồng trong thời hạn một năm hay nửa năm tùy vào cam kết, và ý muốn của hai bên.
Nếu quảng cáo đơn thuần bằng hình ảnh, một sao hạng B có thể kiếm được từ 10-30 triệu đồng cho một hợp đồng. Còn giá quảng cáo với hình thức livestream trực tiếp trên mạng xã hội thì thù lao sẽ cao hơn so với quảng cáo bằng hình ảnh. Với các sao sở hữu lượng người hâm mộ và theo dõi hùng hậu, nguồn thu nhập này có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/lần.
Với đặc thù công việc đơn giản nhưng mang lại nguồn thu nhập "khủng", một số nghệ sĩ đã nhận công việc này.
Những loại mặt hàng quảng cáo thường thấy là trà giảm cân, mĩ phẩm chăm sóc da, thực phẩm chức năng, nước hoa, quần áo hay cả đồ ăn vặt. Có diễn viên hài còn được gọi là "thánh livestream" với những lần phát trực tiếp để quảng cáo sản phẩm dài hàng giờ đồng hồ và thu hút số lượng người xem cao ngất ngưởng.
Quản lí của một nữ diễn viên hài nổi tiếng khác chia sẻ với người viết: chỉ nhận lời quảng cáo khi các nhãn hàng trình ra đủ giấy tờ xác nhận kiểm duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, họ không thể kiểm tra được giấy tờ đó là giả hay thật và sản phẩm đó có chất lượng như thế nào? Khi chúng tôi đặt câu hỏi nữ diễn viên này có trực tiếp dùng sản phẩm đã quảng cáo trước khi giới thiệu tới mọi người hay chưa thì người này từ chối trả lời.
Có thể thấy, đổi lại với những hợp đồng quảng cáo trên mạng xã hội là chính danh dự, uy tín của người nghệ sĩ, bởi trong trường hợp này, niềm tin của khán giả đặt vào thần tượng của mình chuyển hóa thành niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm.
Cách đây chưa lâu, nhiều lô hàng trà giảm cân, mĩ phẩm từng được nhiều người nổi tiếng quảng cáo rầm rộ bị cơ quan chức năng bắt giữ do không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí chứa thành phần hóa học độc hại, đã đánh một đòn chí mạng vào niềm tin của người hâm mộ dành cho thần tượng của họ.
Việc nghệ sĩ quảng cáo (hay rao bán) sản phẩm một khi đã diễn ra tràn lan trên mạng xã hội thì đã đến lúc công chúng, người tiêu dùng cần có sự quản lí và giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng để tránh cho tất cả cùng bị "tổn thất".
Ấn Độ là một trong những quốc gia hiếm hoi đưa ra luật để giám sát, truy cứu trách nhiệm người nổi tiếng trong các trường hợp này.
Luật bảo vệ người tiêu dùng 2019 của Ấn Độ đề nghị phạt các ngôi sao tham gia quảng cáo sai lệch về sản phẩm, cùng với nhà sản xuất sản phẩm đó. Đây là dự luật được Thượng viện Ấn Độ phê chuẩn vào ngày 6-8 và đã được Hạ viện (Lok Sabha) thông qua trước đó.
Theo luật mới, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trung ương sẽ được thành lập, có bộ phận chịu trách nhiệm điều tra, đưa ra hình phạt.
Mức phạt có thể lên đến hơn 140.000 USD với người nổi tiếng quảng bá cho sản phẩm, hoặc nhà sản xuất quảng bá sai lệch về mặt hàng của mình. Ngoài ra, các ngôi sao còn có thể bị cấm tham gia quảng cáo trong 1 năm, hoặc lên đến 3 năm nếu liên tiếp tái phạm.
Quy định mới của Ấn Độ nêu cụ thể "quảng bá" là bất cứ thông điệp, tuyên bố, hoặc bất cứ biểu hiện hoặc hình ảnh, chữ kí nào của "sao" có dính dáng tới sản phẩm. Nói chung, tất cả hành vi khiến người tiêu dùng tin rằng đó là quan điểm của người nổi tiếng đều được tính.