Ảnh: Vntalking.
Livetream là hình thức phát sóng trực tuyến. Hình thức này chỉ thực sự nở rộ trong những năm gần đây khi Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh trang bị tính năng này cho mọi người dùng vào năm 2016.
Càng ngày, tính năng livetream càng giành được sự đón nhận nồng nhiệt từ mọi người. Nó thu hút người dùng đến mức YouTube, trang chia sẻ video hàng đầu thế giới cũng phải học hỏi tính năng này từ Facebook chỉ sau đúng một năm.
Ban đầu, theo Facebook, tính năng này được đưa ra chỉ với mục đích chia sẻ khoảnh khắc cuộc sống (Facebook) hay các buổi stream game (YouTube). Sau này, các nhà phát triển nhận thấy các buổi livetream đã thu hút một lượng lớn người xem và nhận ra rằng, đây là một cách để làm quảng cáo và kiếm tiền hiệu quả.
Ngày nay, với nhiều doanh nghiệp, livetream là nơi để các nhãn hàng kí các hợp đồng quảng cáo với những streamer nổi tiếng, quảng bá thương hiệu. Đối với người dùng cá nhân, phát trực tiếp là một cách để bán hàng, tiếp thị sản phẩm hiệu quả, trực quan nhất.
Cơn sốt HQ Trivia kiếm tiền khủng từ quảng cáo.
Confetti là một trò chơi đố vui trí tuệ gồm 10 câu hỏi được phát sóng trực tuyến vào 21h từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần với giải thưởng lớn chưa từng thấy. Mỗi buổi livetream của Confetti thu hút hàng trăm nghìn người dùng lại tham gia "săn" 3.000 đôla đến 6.000 đôla tiền thưởng.
Nhiều người đặt ra câu hỏi vậy Confetti kiếm tiền từ đâu để chi trả số tiền thưởng "khủng" như thế cho người xem? Muốn biết câu trả lời thì phải nhìn vào thành công của HQ Trivia, bản chính của Confetti.
Với HQ Trivia, vào 9 giờ tối mỗi ngày, mỗi người chơi sẽ có cơ hội thử thách kiến thức của mình với 12 câu hỏi, giải thưởng có thể lên tới 18.000 đôla cho mỗi lần chơi.
Cơn sốt HQ Trivia cuối cùng cũng đem về trái ngọt cho nhà sản xuất. Khi lượng người theo dõi các buổi livetream ngày càng đông, thì những khoản tiền quảng cáo của các nhãn hàng lớn như Warner Bros và Nike đổ về HQ Trivia ngày một nhiều hơn.
Tại Việt Nam, có thể dễ dàng kể tên những streamer đình đám, có lượng người theo dõi khủng, có thể kiếm nhiều tiền mỗi tháng nhờ các buổi livetream của họ trên các nền tảng như Khoa Pug, PewPew, ViruSs....
Nội dung các buổi livetream cũng rất đa dạng, từ review sản phẩm, review món ăn đến stream game, trò chuyện tư vấn...Mỗi chủ đề hot có thể thu hút hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt theo dõi. Điển hình như một buổi livetream của hiện tượng mạng Hoa Vinh đã thu hút hàng triệu người xem mỗi tối.
Có rất nhiều streamer coi việc livestream là công việc chính hàng ngày, toàn thời gian của mình. Biết tận dụng và khai thác đúng cách, họ hoàn toàn có thể kiếm đủ tiền để sống và thậm chí còn chạm ngưỡng mơ ước của nhiều người nếu nhiệt tình hết mình gây dựng được tiếng tăm đủ lớn.
Theo thống kê, một streamer có view chỉ ở mức trung bình trên Facebook, với lượng người xem vào khoảng 300 - 400 đều đặn mỗi lần lên sóng hứa hẹn sẽ kiếm được khoảng 1.200 đôla mỗi tháng từ phía Facebook.
Nguồn tiền mà những người livetream này kiếm được có thể đến từ lượng người theo dõi (theo chương trình Partner của YouTube), từ tiền quyên góp (donation) của người dùng và một lượng lớn chủ yếu đến từ tiền quảng cáo, tài trợ của các doanh nghiệp.
Có thể nói tiền quảng cáo, hợp tác với các nhãn hàng là nguồn thu chính của các streamer nổi tiếng hay các gameshow đình đám, thu hút nhiều người chơi.
Mới đây, Faecbook cũng bổ sung tính năng tặng sao cho các streamer. Cứ mỗi sao nhận được, streamer sẽ được trả 0,01 đôla, tương ứng.
Để có sao, người dùng Facebook phải trả tiền để mua. Theo bảng giá, để mua 95 sao người dùng phải trả 45.000 đồng (1,99 đôla), 250 sao giá 109.000 đồng (4,99 đôla), 530 sao giá 219.000 đồng (9,99 đôla), hoặc 6.400 sao với giá hơn 2 triệu đồng (99,99 đôla) cùng với các mức giá khác.
Như vậy, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng, một ý tưởng để có thể livetream là có thể dễ dàng kiếm tiền trên Facebook hay YouTube.
Với những người dùng cá nhân, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì livetream lại là một cách tốt nhất để bán hàng online, tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Khi giá quảng cáo trên các nền tảng như Facebook hay YouTube đang ngày một trở nên đắt đỏ thì giá cho các buổi livetream là hoàn toàn miễn phí. Người bán có thể tạo một tài khoản riêng và tự tiến hành livetream quảng cáo các mặt hàng trên đó.
Vì tính trực quan và độ tương tác cao, các buổi livetream giới thiệu sản phẩm đang dần trở thành kênh bán hàng hữu hiệu nhất. Mỗi buổi livetream bán hàng kéo dài khoảng từ 45 phút đến 1h, thu hút trung bình khoảng 300.000-400.000 lượt xem.
Chị Ngọc, 34 tuổi một người chuyên bán quần áo online cho biết, từ khi áp dụng hình thức quảng cáo bằng các buổi livetream, doanh thu cửa hàng chị đã tăng gấp 3-4 lần so với trước kia.
Trên thực tế, livestream là một trong những phương thức của mô hình Social Commerce (thương mại điện tử tương tác) đang phổ biến trên thế giới. Đây là sự kết hợp giữa thương mại điện tử với các nền tảng mạng xã hội làm tăng tính tương tác giữa người dùng và nhà bán hàng; và giữa những người dùng với nhau, tạo điều kiện và khuyến khích người dùng chia sẻ, trao đổi về những kinh nghiệm mua sắm online.
Sở dĩ mô hình livestream được ưa chuộng vì hội tụ nhiều yếu tố như tính giải trí, tính thực tế và phần nào giúp loại bỏ những e ngại khi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng là không được cầm nắm, thử sản phẩm.
Thông qua nó, người dùng 'nhìn' được sản phẩm thật, cảm nhận được rõ hơn về tính năng, công dụng cũng như được nghe các lời nhận xét, đánh giá sản phẩm
Không chỉ những người kinh doanh nhỏ lẻ, những doanh nghiệp hàng đầu cũng tận dụng các buổi livetream với các chuyên gia hoặc người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm, gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Thành công nhất trong mô hình livetream bán hàng này phải kể đến trang thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba, và mới đây Lazada tại Việt Nam cũng học theo khi mời một loạt những người nổi tiếng như Huỳnh Lập, Cát Tường, Will 365, Kaity, Mâu Thủy… để livestream dùng thử sản phẩm và đưa ra các lời khuyên, đánh giá.
Tại Trung Quốc, làn sóng kiếm tiền từ livetream đang ngày một phai nhạt dần, thay vào đó là một hình thức mới: kiếm tiền từ các video siêu ngắn.
"Livestream giống như series truyền hình dài tập còn các video ngắn chỉ giống như phim lẻ. Video mang đến tác động lớn hơn và tính tương tác cao hơn, livestream có thể khiến người xem cảm thấy tẻ nhạt vì chỉ xem một người trong thời gian dài. Bên cạnh đó video ngắn rất thích hợp để giải trí trong những quãng thời gian rảnh rỗi lẻ tẻ", Zeng Hu (33 tuổi), quản lý cấp trung tại một công ty quản lí tài sản có trụ sở ở Jinan nói.
Một nền tảng công nghệ mới nổi đã "chiếm sóng" toàn bộ thời gian rảnh rỗi của giới trẻ Trung Quốc trong thời gian gần đây có tên gọi cũng cực ngắn: Tiktok.
Tiktok cho phép người dùng sáng tạo ra những đoạn video ngắn, dài từ 15 giây đến vài phút, có gắn thêm nhạc và các hiệu ứng đặc biệt, và mang tính giải trí rất cao, thu hút lượng lớn người xem trong hàng giờ liền không biết chán.
TikTok đã có hơn 104 triệu lượt tải về trên App store trong 6 tháng đầu năm 2018, vượt qua cả Facebook, YouTube và Instagram để trở thành ứng dụng iOS được tải về nhiều nhất trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, các nền tảng video siêu ngắn vẫn đang loay hoay tìm cách kiếm tiền từ người xem. Cho đến nay thì phần lớn doanh thu vẫn là từ quảng cáo.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn hết sức lạc quan vào nền tảng này. Theo IHS Markit, thị trường video siêu ngắn được dự đoán đến năm 2020 sẽ đạt giá trị khoảng 14,08 tỉ đôla.
Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu dữ liệu QuestMobile, số người dùng thường xuyên mỗi tháng của thị trường livestream trên các nền tảng đã giảm 10,8%. Đây thực sự là một tín hiệu không mấy tốt đẹp đối với những ai đang mơ mộng về việc kiếm tiền miễn phí bằng cách livetream trực tuyến.