Giá cá sấu thương phẩm thời gian qua xuống thấp khiến nhiều hộ nôi gặp khó khăn, ( Ảnh Vũ Độ). |
Phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc
Theo Chi cục Kiểm lâm TP HCM, hiện tổng đàn cá sấu nước ngọt được nuôi trên địa bàn các quận, huyện của thành phố đã lên đến trên 160.000 con. Trong khi đó đến thời điểm này của năm 2016 chỉ xuất khẩu được khoảng 23.000 con cá sấu sống, 6.808 tấn da muối và 6.121 tấn da thuộc, với tổng giá trị xất khẩu khoảng 52 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 50%
Trong đó thị trường cá sấu sống chủ yếu được xuất qua thị trường Trung Quốc 99,6% cá sấu sống được xuất qua thị trường này, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp phía Trung Quốc đã ngừng thu mua cá sấu khiến một số trại nuôi phải đóng cửa vì không có thị trường. Đại diện công ty Forimex cho biết: “ Thương lái Trung Quốc thường lợi dụng khó khăn của các hộ nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít, không tìm được đầu ra để ép giá, ảnh hưởng lớn đến người nuôi cá sấu những năm vừa qua”.
Ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cá sấu của Việt Nam còn yếu, các sản phẩm chủ yếu xuất thô giá trị chưa cao. ( Ảnh minh hoạ) |
Theo tìm hiểu của PV, tại Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (quận 12, TP HCM) một trong những đơn vị hàng đầu về nuôi, thuộc da và kinh danh các sản phẩm từ cá sấu cũng đang hết sức khó khăn, sản xuất cầm chừng. Ông Tôn Thất Hưng, Phó giám đốc công ty cho biết, “Trước nhiều áp lực về vốn, thị trường nội địa tiêu thụ chậm, trong khi xuất khẩu hạn hẹp khiến công việc kinh doanh đình trệ trong thời gian dài, các dây truyền sản xuất cũng sản xuất cầm chừng”.
Theo các hộ nuôi, giá cá sấu phải đạt 120.000 đồng/kg người nuôi mới có lãi. Nhiều hộ ráng giữ đàn cá sấu lại để tiếp tục nuôi nhưng cũng chỉ giữ được một thời gian rồi phải chấp nhận bán, vì thương lái Trung Quốc chỉ mua cá sấu có trọng lượng 18 - 20kg/con, cá sấu càng lớn giá càng thấp.
Cần thành lập Hiệp hội
“Cái khó của các doanh nghiệp Việt Nam chính là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, ngành công nghệ thuộc da, chế biến sâu của ta còn yếu kém, nuôi ồ ạt, giá cá sấu giảm sâu” Nhận định của ông Đào Văn Đang Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM tại Hội thảo Liên kết nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cá sấu trên thị trường, được tổ chức 15/11 tại TP HCM.
Tình trạng xuất khẩu các sản phẩm thô giá trị thấp còn chiếm tỷ trọng lớn, ngoài các hạn chế từ các yếu tố nội tại của quá trình nuôi về con giống, kỹ thuật nuôi còn phụ thuộc vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm trời trang có sử dụng sản phẩm da cá sấu.
Để ổn định thị trường xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng thời gian tới cần thành lập Hiệp hội để điều hành sản xuất tạo cầu nối xuất khẩu, ( Ảnh Vũ Độ) |
Theo ông Thái Truyền, đại diện cơ quan Cites phía Nam, rất ít doanh nghiệp Việt Nam hội đủ các tiêu chuẩn của thế giới về kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm cá sấu, bởi hầu hết các doanh ngiệp đều là nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vì vậy mà việc xuất khẩu các sản phẩm cá sấu phần lớn phụ thuộc vào thương lái dẫn tới giá thành thấp.
“Trong 15 tiêu chuẩn của thế giới đối với một cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm từ cá sấu đi các nước khác, thì tiêu chuẩn về chứng minh sinh sản thế hệ hai (F2) là tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp khó đạt được nhất, bời phải cần từ 10 đến 15 năm nuôi mới đạt được tiêu chuẩn này” ông Truyền cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cũng cho rằng thời gian tới cần phải thành lập Hiệp hội cá sấu để có tiếng nói chung và bảo vệ ngành chăn nuôi cá sấu trước sự cạnh tranh không lành mạnh tạo kẽ hở cho thương lái ép giá.
Bên cạnh việc xuất khẩu da thành phẩm và cá sấu sống, nhiều doanh nghiệp đang phải tập trung đầu tư cho nghiên cứu sử dụng toàn bộ chế phẩm từ cá sấu. Cụ thể như Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà đã nghiên cứu tận dụng thành công xương cá sấu để nấu cao chữa bệnh xương khớp.