Tại khu chợ Nhật Tân (P. Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội), chỉ cần nhắc đến cái tên bà Tám, không ai là không biết đến người phụ nữ ngoài 60 tuổi, ngày ngày vẫn làm công việc lau dọn vệ sinh và lấy nước cho các sạp hàng. Người phụ ấy tên là Bùi Thị Đông (66 tuổi), người dân nơi đây vẫn quen gọi bà “Đông ết”, “Đông ma túy”, bởi ngoài công việc quét dọn rác ở chợ bà còn làm một công việc đặc biệt hơn, đó là chăm sóc, tắm rửa, khâm liệm và mai táng cho nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS.
Cuộc đời đầy trái ngang
Bà Bùi Thị Đông chia sẻ công việc của mình (Ảnh: Hạ Thảo). |
Sinh ra trong gia đình bần nông tại làng quê lúa Thái Bình, từ nhỏ cuộc sống đã cơ cực, đến tuổi trưởng thành bà Đông ra Hà Nội sinh sống và lập nghiệp. Thiết nghĩ cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc bên người chồng cùng ba con trai. Song, ngã rẽ cuộc đời đẩy bà vào con đường đầy trái ngang, khi người chồng nhiều năm đầu gối tay ấp bỏ nhà ra đi, cả ba người con trai lần lượt dính vào nghiện ngập và mắc căn bệnh xã hội HIV/AIDS.
Thương con, kinh tế gia đình lại khó khăn, bà Đông đã phải đi bán máu để nuôi các con của mình, nỗ lực đưa con đi cai nghiện nhưng vẫn không thành. Những ngày cuối đời, người con cả khát khao mái ấm gia đình, muốn cưới một cô gái nhiễm HIV ở cùng làng, bà đã đồng ý.
Hơn một năm sau, người con dâu phát bệnh rồi ra đi, trong khi cả họ hàng nội ngoại đều bịt kín mít vì sợ bệnh lây lan, thì chỉ duy nhất bà Đông là người dám lại gần nấu nước lá thơm tắm rửa, lau chùi cho cô khi nhắm mắt. Cứ như thế, bà tiếp tục “nuốt” nước mắt vào trong, tự tay khâm liệm cho con trai cả của mình không lâu sau cái chết của vợ và mới đây là đứa con trai thứ hai.
Giống như người anh cả và anh hai, người con thứ ba của bà Đông năm nay 24 tuổi nhưng cũng sớm xa vào ma túy, nghiện ngập. “Cuộc đời của tôi khổ lắm rồi, đã có những lúc tôi chỉ muốn uống thuốc sâu rồi chết đi”, bà Đông chia sẻ.
Bà Hảo, một người bạn thân thiết, gắn bó với bà Đông suốt hơn 20 năm qua cũng cho biết “Bây giờ tính tình bà Đông thất thường lắm, lại dễ nổi nóng, mỗi lần uống rượu say, bà hay chửi tục, hay quát mắng. Âu nó cũng là do sóng gió cuộc đời, chứ trong tâm con người của bà không như vậy”.
Bà Hảo (bên trái), người bạn thân thiết gắn bó với bà Đông hơn 20 năm qua. (Ảnh: Hạ Thảo) |
Tình nguyện làm công việc cả xã hội lảng tránh
Nhắc tới căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS, nhiều người vẫn luôn kì thị và tìm mọi cách xa lánh, thế nhưng với bà Bùi Thị Đông, từ hơn chuc năm qua, việc chăm sóc, tắm rửa, khâm niệm và mai táng cho những bệnh nhân mắc căn bệnh này lại là công việc rất quen thuộc. Chỉ cần có ai gọi là bà lập tức lên đường bất chấp thời tiết.
Bà Đông kể, năm 2005 có một chương trình về phòng chống HIV/AIDS về phường nhằm phổ biến kiến thức, tư vấn về căn bệnh HIV cũng như cách sống chung với HIV , bà được đi tập huấn và trở thành tình nguyện viên. “Qua chương trình, tôi nhận thấy, căn bệnh xã hội này chỉ cái mụn nhọn trong các căn bệnh của con người, những người làm cha mẹ không nên kì thị với con cái mình mà phải dang rộng bàn tay ra để cứu các cháu”, bà Đông cho hay.
Trong hơn 10 năm “làm nghề”, bàn tay bà Đông đã chăm sóc, tắm rửa, khâm liệm cho 47 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Nói về kỉ niệm khó quên nhất, bà Đông chia sẻ, “Tôi nhớ nhất là trường hợp của cháu tên Hiển (sinh năm 1978). Hiển là thanh niên có hoàn cảnh đáng thương, bố mẹ bỏ nhau. Khi tôi đón cháu ở trại Thanh Hóa về, cháu kêu ngứa khắp người, mẹ cháu khi đó vẫn đang thi hành án tù vì buôn ma túy, bố thì cứ đeo khẩu trang không động vào người con, một mình tôi đun nước tắm rửa cho cháu, hòa cho cháu một cốc nước chanh. Bốn tiếng đồng hồ sau thì cháu qua đời”.
Bà Đông làm lễ khâm niệm cho một bệnh nhân nhiễm HIV. |
“Hay trường hợp của một gia đình ở Thụy Khê có con bị mắc AIDS bị bệnh viện trả về và gọi cho tôi. Tôi vào chăm sóc, được 6 ngày thì cháu mất, trước khi nhắm mắt cháu nói chỉ nói một câu “cháu phù hộ cho bà được mạnh khỏe”, tôi đã mừng rơi nước mắt”, bà kể.
Lý giải về công việc tình nguyện đặc biệt này, bà Đông nói “Cuộc đời tôi đã phải bươn trải đi bán máu để nuôi con nghiện, nhưng tôi vẫn vững tâm bởi mình là người làm cha làm mẹ, thì mình phải làm một tấm gương cho con cái nhìn vào, để nó cảm nhận được tình yêu thương mà cố gắng sống đúng nghĩa đến lúc cuối đời”.
Từ gia cảnh của mình nói riêng và cả xã hội nói chung, bà Đông muốn nhắn nhủ rằng những người làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm bà có con em bị mắc căn bệnh xã hội hãy sống và đừng kì thị những con người ấy, hãy lắng nghe, chia sẻ và cảm thông với họ.