Người sử dụng đất Khu đô thị Mỹ Hưng nghìn tỉ đổi tên thành Cienco 5

UBND TP Hà Nội điều chỉnh tên người sử dụng đất Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 từ CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 - CTCP (Cienco 5).

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định điều chỉnh một số nội dung ghi tại quyết định số 3123 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây trước đây.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại quyết định 3128 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi hơn 182 ha (thuộc xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai), chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 từ CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 - CTCP (Cienco 5).

Khu đô thị nghìn tỉ ở Hà Nội đổi tên người sử dụng đất từ Cienco 5 Land thành Cienco 5 - Ảnh 1.

Phối cảnh tổng thể Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5. (Ảnh: khudothimyhung.com)

Quyết định nêu rõ, lí do điều chỉnh là căn cứ theo Quyết định 963 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc cho phép đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5 tại huyện Thanh Oai.

Ngoài ra, căn cứ theo Quyết định 24 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP. 

Cienco 5 có trách nhiệm kế thừa toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5 theo đúng qui hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, lí do điều chỉnh còn dựa trên đề nghị của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) tại các văn bản số 948/ANĐT-P5 ngày 6/8/2018, 147/ANĐT-P4 ngày 21/1/2020; đề nghị của Cienco 5 tại văn bản số 5 ngày 24/3/2020 và văn bản số 395 ngày 4/3/2020 của Tổng cục quản lý đất đai.

Quyết định của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, Cienco 5 và Cienco 5 Land có trách nhiệm nộp các khoản nghĩa vụ tài chính theo qui định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án và hợp đồng BT theo qui định.

Việc điều chỉnh căn cứ theo Quyết định 987 ngày 18/4/2018, Quyết định 961, Quyết định 964 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) theo qui hoạch điều chỉnh được phê duyệt tại quyết định 3229 ngày 13/7/2015 của UBND TP và biên bản thỏa thuận 10/BBTT ngày 21/8/2017 của hai doanh nghiệp trên.

Ngoài ra, Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT xác định giá trị dự án BT và các dự án đối ứng theo qui hoạch điều chỉnh được phê duyệt, việc cân đối giá trị dự án BT và giá trị quĩ đất thanh toán và các nghĩa vụ tài chính khác phải thực hiện (nếu có).

Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả thực hiện tại văn bản này, tổng hợp trình UBND TP điều chỉnh tên người sử dụng đất theo đúng qui định.

Mâu thuẫn giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land 

Theo tìm hiểu, Cienco 5 Land được thành lập vào tháng 12/2007, có địa chỉ tại lô CT1, KĐT Thanh Hà B - Cienco 5, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Khi đó, Cienco 5 nắm giữ 49% cổ phần (tương ứng 24,5 tỉ đồng) tại Cienco 5 Land. Mục đích thành lập Cienco 5 Land là để thực hiện dự án BT đường trục phía Nam Hà Nội.

Tuy nhiên, đến năm 2015, tỉ lệ vốn của Cienco 5 Land đã tăng lên 600 tỉ đồng và tỉ lệ cổ phần Cienco 5 nắm giữ giảm xuống còn 3,3%. Việc không nắm cổ phần chi phối khiến Cienco 5 không kiểm soát được hoạt động chuyển nhượng cổ phần tại Cienco 5 Land. Những bất đồng giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land cũng bắt nguồn từ đây.

Đến tháng 4/2016, Tập đoàn Mường Thanh đã bỏ ra 1.500 tỉ đồng để mua lại 95% cổ phần Cienco 5 Land, qua đó nắm quyền sở hữu dự án Thanh Hà - Cienco5. Đây là dự án hoàn vốn đường trục phía Nam Hà Nội (Hà Tây cũ) theo hình thức BT. 

Hiện nay, người đại diện theo pháp luật của Cienco 5 là ông Trần Trọng Đạt (Tổng Giám đốc), ông Lê Thanh Song (Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT).

Theo phản ánh của báo chí, khi thương vụ mua bán doanh nghiệp dự án này được công bố, Cienco 5 với tư cách là nhà đầu tư dự án BT bất ngờ có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), đề nghị rà soát lại quá trình triển khai dự án đường trục phía Nam Hà Nội và các dự án hoàn vốn, quá trình thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cienco 5 khẳng định là chủ thể duy nhất có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến dự án BT và các dự án liên quan, bất kì giao dịch nào được thực hiện không thông qua Cienco 5 đều vô hiệu.

Cienco 5 sau đó đã hủy bỏ toàn bộ các nội dung ủy quyền mà HĐQT Cienco 5 đã ủy quyền cho Cienco 5 Land liên quan tới dự án đường trục phía Nam Hà Nội và các dự án hoàn vốn như Khu đô thị Thanh Hà, Khu đô thị Mỹ Hưng.

Cienco 5 cũng đã gửi văn bản đến Cienco 5 Land về việc chấm dứt ủy quyền nhà đầu tư cho doanh nghiệp dự án kể từ ngày 25/4/2016. 

Đến tháng 5/2016, HĐQT Cienco 5 đã ban hành Nghị quyết vê việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Hà Hùng và kiến nghị Bộ GTVT dừng các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng dự án Thanh Hà cho Tập đoàn Mường Thanh.

Về Cienco 5, doanh nghiệp này là Tổng công ty Nhà nước được thành lập năm 1995. Từ ngày 2/6/2014, Tổng công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Tính đến tháng 10/2019, ngoài Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn tại Cienco 5, còn có CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX) sở hữu 38,68% và CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô sở hữu 15,5% vốn điều lệ.

Tháng 3/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo kết quả bán đấu giá 17,56 triệu cổ phần của Cienco5 do TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu.

Theo đó, một nhà đầu tư tổ chức trúng lô 40% vốn điều lệ Cienco 5 với mức giá 19.500 đồng/cp, tương ứng số tiền hơn 342 tỉ đồng.

Tháng 7/2020, HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - Mã: HPX) đã thông qua việc mua cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ tại Cienco5 và CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ đô.

Cienco 5 cũng là chủ đầu tư xây dựng Công viên nước Thanh Hà vướng lùm xùm với hàng loạt sai phạm trong thời gian vừa qua.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.