Chia sẻ tại hội thảo gần đây về chủ đề truyền thông trong doanh nghiệp gia đình, diễn ra tại TP HCM, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho biết truyền thông nội bộ trong một doanh nghiệp vốn đã khó, nhưng với doanh nghiệp gia đình lại càng khó hơn.
Tiếp tục phát triển công ty từ người gầy dựng là cha mẹ, vốn là những người rất giỏi trên thương trường, bà Phương đã chia sẻ nhiều thông tin về cách truyền thông tại Tân Hiệp Phát, để các thành viên thuộc hai thế hệ có thể thấu hiểu nhau, giải quyết các bất hòa của nhau.
Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương thẳng thắn chia sẻ nếu như các doanh nghiệp khác có thể giải quyết được vấn đề một cách rạch ròi thì câu chuyện tại doanh nghiệp gia đình lại không dễ dàng như vậy.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng các doanh nghiệp gia đình có nhiều chuyện khó nói nhưng bắt buộc phải ngồi lại giải quyết thẳng thắn với nhau. (Ảnh: Kỳ Hoa).
Nguyên nhân chính là mối quan hệ của các lãnh đạo trong công ty cũng chính là mối quan hệ cha con, anh em và các thành viên khác trong gia đình.
"Những câu chuyện của các doanh nghiệp, công ty gia đình rất nhạy cảm. Đó có thể là các chủ đề như con cái thắc mắc tại sao họ lại nhận mức lương bằng nhau, tại sao bố mẹ lại chia đều mức thu nhập trong khi thực lực và công sức bỏ ra tại công ty lại khác nhau", bà Trần Uyên Phương thẳng thắn.
Đây chỉ là một trong số nhiều chuyện "khó nói" của các công ty theo mô hình quản trị gia đình.
Theo bà Trần Uyên Phương, thực tế, còn có rất nhiều vấn đề khác xảy ra, như mâu thuẫn giữa các thế hệ, người sáng lập thuộc thế hệ F1 và người tiếp nối F2 không có cùng cách suy nghĩ, hoặc chính các người con không muốn theo đuổi sự nghiệp mà bố mẹ đã gây dựng.
Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cũng cho rằng trong khi đây vốn là những chuyện "khó nói" thì vấn đề truyền thông nội bộ tại các doanh nghiệp này lại hiếm được đề cập, khiến những người lãnh đạo khó có thể tháo gỡ được vướng mắc.
Bà Trần Uyên Phương chia sẻ về cách quản trị, truyền thông trong doanh nghiệp gia đình. (Ảnh: Kỳ Hoa).
Tại Tân Hiệp Phát, không chỉ bà mà các thành viên còn lại là ông Trần Quí Thanh, "Madam" Phạm Thị Nụ, Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Bích và một người em trai nữa đều tham gia vào các khóa huấn luyện về cách truyền thông trong doanh nghiệp gia đình.
"Tại Tân Hiệp Phát, chúng tôi tách rời giữa khái niệm doanh nghiệp và gia đình, giải quyết từng vấn đề một. Chúng càng tách rời bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Vì vậy, nếu chúng ta né tránh hoặc không chủ động giải quyết thì sẽ càng làm rối các vướng mắc, mâu thuẫn giữa các thành viên", bà Trần Uyên Phương khẳng định.
Theo bà Phương, nếu là các vấn đề của công ty thì nơi phải bàn luận chính là công ty. Bàn ăn trong gia đình không phải là nơi tốt nhất để nói về công việc, mà chủ yếu phải nói về câu chuyện, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình.
"Có nhiều cách để tách rời giữa doanh nghiệp và gia đình, tùy cách chúng ta nghĩ và thực hiện. Tuy nhiên, phải thực hiện một cách nghiêm túc. Chúng ta cần suy nghĩ kĩ lại việc các buổi họp gia đình đã nghiêm túc chưa hay còn xuề xoà, và vẫn còn điều gì đó chưa an toàn để nói", bà Phương cho biết.
Bà Trần Uyên Phương cho rằng tại Tân Hiệp Phát các thành viên luôn chia sẻ, giải quyết công việc với nhau thẳng thắn và bình đẳng. (Ảnh: THP).
Là thế hệ F2 tham gia tiếp quản công việc gia đình, con gái ông Trần Quí Thanh cho biết bà đã tìm hiểu rất nhiều về các doanh nghiệp gia đình trên thế giới, và tham gia cả những khóa học về chủ đề này của Harvard.
Theo bà Phương, dù việc duy trì mô hình công ty gia đình là không phải dễ, nhưng cũng có nhiều gia đình duy trì được từ 5-7 thế hệ. Thậm chí, trên thế giới, còn có một doanh nghiệp duy trì được đến hơn 1.000 năm.
Vì vậy, con gái ông Trần Quí Thanh đặt nhiều kì vọng Tân Hiệp Phát sẽ trở thành một doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tồn tại hàng trăm năm bằng chính cam kết giữa 5 thành viên trong gia đình bà về sự thấu hiểu, đồng cảm đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển và đi lên.
Không riêng bà Trần Uyên Phương, TS. Ramesh Ramachandra - Giám đốc điều hành Talent Leadership Crucible (Singapore), chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp gia đình, cũng khẳng định việc truyền thông trong các gia đình có ý nghĩa rất quan trọng để doanh nghiệp đi theo mô hình này có thể duy trì được dài lâu và bền vững.
TS. Ramesh Ramachandra cho rằng truyền thông trong gia đình là yếu tố để các doanh nghiệp gia đình duy trì được dài lâu và bền vững. (Ảnh: Kỳ Hoa).
TS. Ramesh Ramachandra đưa ra kết quả khảo sát cho thấy có đến 60% các thành viên trong gia đình cho rằng không có khả năng duy trì gia sản của gia đình, hoặc công việc kinh doanh. Trong khi đó, chỉ 25% cho rằng thiếu trình độ và sự chuẩn bị.
Vì lí do này mà số lượng các doanh nghiệp gia đình có thể duy trì được đến các thế hệ thứ 4 trở lên là rất hiếm.
"30% doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình tiếp tục thành công về thế hệ thứ 2, có 12% tiếp tục thành công vào thế hệ thứ 3 và chỉ 3% tiếp tục thành công vào thế hệ thứ 4", bà Ramesh Ramachandra cho biết.
Ngoài ra, xung đột trong doanh nghiệp gia đình sẽ trở nên phức tạp hơn khi có sự tham gia của các thế hệ kế cận, thay đổi động lực giữa các thành viên, phân tán quyền sở hữu trong doanh nghiệp.
Vì vậy, theo TS. Ramesh Ramachandra, việc truyền thông, kết nối và khẳng định giá trị của doanh nghiệp gia đình là rất cần thiết, nếu như các doanh nghiệp gia đình muốn đi được xa.
"Hầu hết doanh nghiệp gia đình đổi mới và thành công được xác định là đã chú trọng việc sử dụng các tài năng nguồn lực gia đình phù hợp, chia sẻ các thông tin đặc thù giữa các thành viên, và tham gia đầu tư vào việc xây dựng các đội ngũ quản lí hiệu quả", chuyên gia cho biết.
Bà Poorani Thanusha cho rằng các doanh nghiệp phải tạo ra cam kết để hỗ trợ những gì cần thiết cho sự tăng trưởng. (Ảnh: Kỳ Hoa).
Vì lí do này, bà Poorani Thanusha - Tư vấn chính của Talent Leadership Crucible, đã chỉ ra những phương pháp cụ thể để các thế hệ lãnh đạo trong một doanh nghiệp gia đình cần tập trung.
"Các doanh nghiệp phải tạo ra cam kết gia đình để hỗ trợ những gì cần thiết cho sự tăng trưởng. Phải thường xuyên ngồi lại, thảo luận, đối thoại với nhau. Đây có thể là thách thức, bởi nhiều người cho rằng thấy ba mẹ hàng ngày rồi thì việc gì phải thảo luận", chuyên gia bày tỏ.
Bà cũng hiến kế một mô hình giao tiếp mới để tự giải quyết được mâu thuẫn, hoặc điều hòa các mối quan hệ với những thành viên trong gia đình, thế hệ F1 và F2.
Theo bà, mỗi thành viên trong gia đình phải xác định mức độ lắng nghe và giải quyết một vấn đề dưới lợi ích của tập thể, chứ không phải dựa trên cảm xúc cá nhân hoặc đóng khung trong khoảng cách an toàn.