'Từ 2 cái chén, 2 đôi đũa, bả làm cánh tay phải cho tôi, chúng tôi đã dựng Tân Hiệp Phát với tình yêu ngọt ngào 40 năm như thế'

Giữa bữa cơm gia đình trưa muộn, ông Trần Quí Thanh nhắc các con gọi cô chú thân cận trong doanh nghiệp cùng ngồi vào mâm. Bà Nụ nhắc người nấu bếp chú ý chọn loại thực phẩm, chế biến thuận tiện cho mọi người những bữa ăn vội. Ông Thanh cười: "Bả vẫn tinh tế như vậy suốt 40 năm làm cánh tay phải cho tôi".

40 năm qua, từ 2 cái chén, 2 đôi đũa, vợ chồng ông Trần Quí Thanh và Madam Nụ, người tay mặt, người tay trái, vượt qua những biến cố lớn để xây dựng Tân Hiệp Phát thành một tập đoàn gia đình có tiếng xuất hiện trên Forbes, Business Insider.

Năm 1994, thương hiệu Tân Hiệp Phát chính thức có mặt trên thị trường. Sau 18 năm hoạt động trong lĩnh vực nước khát, đây là một thương hiệu hiếm hoi của Việt Nam được "gã khổng lồ" thế giới là Coca-Cola đề nghị hợp tác, với giá trị thương vụ lên đến 2,5 tỉ USD.

Con số là quá lớn với một doanh nghiệp địa phương, nhưng Tân Hiệp Phát quyết định từ chối và bước tiếp với định hướng đưa các dòng sản phẩm trà có lợi cho sức khỏe ra thị trường thế giới. Hiện những sản phẩm thuộc thương hiệu này đã có mặt trên kệ hàng của 20 quốc gia và tiến sát đến doanh thu tỉ USD.

16-thp-1

Nhìn về sự phát triển của Tân Hiệp Phát, từ những người thân cận trong gia đình, mỗi thành viên của nhà máy đến giới kinh doanh, ai cũng đều biết rằng tuy mới tồn tại trong thời gian ngắn nhưng Tân Hiệp Phát là kết quả tình yêu 40 năm gầy dựng không mệt mỏi, đi qua bao sóng gió của vợ chồng nhà sáng lập - ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ.

"Ổng là Thanh Râu, đẹp trai và là khách mua đường của tôi"

Trong những ngày bận rộn chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 40 năm ngày cưới, bà Phạm Thị Nụ - người được nhân viên Tân Hiệp Phát gọi bằng cái tên trìu mến Madam Nụ, vẫn loay hoay tiếp người thân, khách khứa dù sức khỏe không được tốt sau cơn bạo bệnh.

Tuy nhiên, khi nói về người chồng của mình là ông Trần Quí Thanh và việc xây dựng Tân Hiệp Phát từ lúc hai người về chung một nhà năm 1979, bà Nụ lại nhớ rất rõ và vui vẻ, thoải mái dành hơn một giờ đồng hồ trò chuyện với phóng viên.

"Hồi đó, người ta gọi ổng là Thanh Râu, đẹp trai và là một khách hàng đặc biệt mua đường của tôi tại chợ Bà Chiểu. Tôi ngày xưa cũng đẹp nhất khu chợ Bà Chiểu chớ bộ. Việc đám cưới bị gia đình ngăn cấm, nhưng cuối cùng mình cũng quyết cưới được nhau", bà Nụ nhớ lại.

14-thp-6

"Đến nỗi, sau khi cưới, hai vợ chồng đi tuần trăng mật về thì giật mình thấy căn nhà trống trơn. Ba tôi chỉ chừa lại cho vợ chồng tôi đúng cái giường, cái đi-văng, hai cái chén và hai đôi đũa đặt giữa nhà. Thế mà bà lại nói: 'Vậy là đủ rồi anh. Vợ chồng mình không sợ đói. Em tin anh sẽ làm ra tất cả", ông "Thanh Râu" cười, tiếp lời vợ.

Vậy là từ sau lời động viên của người vợ mới cưới, ông Trần Quí Thanh đã bắt đầu xây dựng lại sự nghiệp từ hai cái chén và hai đôi đũa. Ý chí làm ăn của cả ông Thanh và bà Nụ đã được xây dựng từ thời trước khi cưới, bởi hai người đều từng có kinh nghiệm và mối quen trong công việc buôn đường cát.

Thời gian này, công việc bán buôn, giao đường cho các mối trong và ngoài thành phố đều được thực hiện bởi hai vợ chồng, cả lúc bà Nụ đang mang thai. Từng là hoa khôi thời còn đi học, đến hoa khôi bán đường tại chợ Bà Chiểu nhưng đến lúc mang thai, bà Nụ vẫn giúp chồng cáng đáng công việc, tự chạy Honda 67 lên tận miệt Tây Ninh giao hàng cho khách.

Giai đoạn 1980-1990, trong thời buổi kinh tế còn khó khăn, sự nghiệp của vợ chồng ông Trần Quí Thanh đi từ công việc này nối công việc khác. Sau buôn đường cát, vợ chồng ông chuyển sang làm CO2 rồi tiến lên giai đoạn làm nước ngọt, sản xuất bia thủ công.

Đến năm 1994, ông Trần Quí Thanh khi ấy là một kĩ sư trẻ, đã có một quyết định một điều mà nhiều người cho là "không giống ai", khi mua một dây chuyền sản xuất phế liệu rồi lắp ráp lại, bắt đầu cho một sự nghiệp lớn hơn. Phân xưởng của nhà máy nước giải khát Bến Thành ra đời từ đó và là tiền thân của Tân Hiệp Phát bây giờ. 

Hiện phân xưởng này vẫn còn nằm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP HCM) và là một giá trị tinh thần của tập đoàn gia đình ông "Thanh Râu" - Madam Nụ.

"Tôi bệnh đột ngột, ông phải làm hết, vậy mà vẫn vượt qua"

"Trong công việc, tôi lo chuyện quản lí, bà chuyên về ngoại giao, gặp gỡ đối tác. Bà luôn làm hết sức mình vì công việc, có lần ngoại giao gặp khách, rượu Tây mà bà uống cả chai, về ói lên ói xuống. Rượu thì có ngon lành gì đâu nhưng đó là sự hết trách nhiệm trước công việc. Tôi rất tự hào về bà, khi người bạn đời của mình cùng chia ngọt sẻ bùi và có cùng chung chí hướng với nhau", ông Trần Quí Thanh tâm sự về vợ.

Vậy là từ việc buôn đường cát ở những những ngày đầu đến thành lập một doanh nghiệp lớn, cả vợ chồng ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ cũng đều chung tay phối hợp nhau từ chuyện lớn đến vấn đề nhỏ.

5E0A0084

Từ dây chuyền thủ công ban đầu, đến năm 2001, vợ chồng ông chủ Tân Hiệp Phát đã quyết định đầu tư một dàn máy hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Với dây chuyền này, nhà máy của vợ chồng ông "Thanh Râu" trở thành nhà máy có công suất làm bia tươi đóng chai cao nhất cả nước. 

Sự kiện sắm dây chuyền hiện đại này cũng bắt đầu cho hành trình đầu tư vào công nghệ sản xuất ngày càng tiên tiến, hiện đại của Tân Hiệp Phát, để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Hồi đó tôi đẹp trai, con một nữa, nhiều 'bồ' lắm nha, mà tôi thì đâu có ý định cưới 'bà' nào đâu. Rồi khi gia đình giục lấy vợ, 'bà' Nụ nói một câu mà tôi quyết định cưới luôn: Em muốn làm cánh tay phải cho anh. Tôi quyết là không ai cản được, chứ tôi bị mẹ và chị bả phản đối dữ lắm",

Năm 2014, Tân Hiệp Phát liên tục gặp biến cố, khủng hoảng truyền thông chưa chấm dứt rồi cùng lúc đó, một trong hai người lèo lái doanh nghiệp, là Madam Nụ, bất ngờ bị tai biến. Mọi việc của doanh nghiệp đều do một mình ông Thanh gồng gánh.

"Tôi đổ bệnh rất đột ngột, tôi không nghĩ rằng khi ngủ dậy lại liệt tay phải, chân phải, bệnh này chưa hết đã đến bệnh kia. Từ trước tới giờ ông làm việc A, thì tôi làm việc B, giờ bệnh đột ngột, ông phải làm hết, vậy mà vẫn vượt qua. Đó là điều tôi quý nhất ở ông", bà Nụ nói về người bạn đời của mình.

Trong khi ông Thanh gồng gánh công việc, Madam Nụ cũng không chịu bỏ cuộc trước căn bệnh hiểm nghèo. Người phụ nữ này giàu nghị lực từ kinh doanh đến cuộc sống, bà cho hay không chấp nhận việc ngồi xe lăn, nên cố tập đi hàng ngày. Hiện sức khỏe của bà đã tốt hơn, Madam Nụ đã có thể đi đứng và gặp gỡ, hỏi thăm các nhân viên của công ty.

Vượt qua biến cố và đấu với "người khổng lồ"

Vượt qua sự cố truyền thông cũng là lúc "cánh tay mặt" của ông Thanh vượt qua biến cố lớn của cuộc đời, Tân Hiệp Phát đã đi lên mạnh mẽ, nhanh chóng chớp lấy cơ hội để trở thành một "ông lớn" thực sự trong ngành nước giải khát.

Sau 3 nhà máy tại Bình Dương, Hà Nam và Chu Lai (Quảng Ninh) khánh thành, đầu năm nay, Tân Hiệp Phát đã khánh thành một nhà máy mới tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhà máy được đặt tại tỉnh Hậu Giang và có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng.

Tập đoàn gia đình này hiện đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất bằng công nghệ chiết lạnh vô trùng và khép kín Aseptic của GEA Procomac (Đức) vào các nhà máy. Công nghệ Aseptic được biết đến bởi tính vô trùng tuyệt đối trong sản xuất, và nhờ nó mà chất lượng sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát được chứng nhận HALAL cùng chứng nhận FDA do Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì cấp.

Cũng nhờ công nghệ này mà một doanh nghiệp nước giải khát của Việt Nam đã chinh phục được  20 thị trường khó tính như Canada, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, Singapore…

"Muốn cạnh tranh và vượt lên được những người khổng lồ quốc tế. Chúng tôi nghĩ rằng, công nghệ và chất lượng sản phẩm phải cao hơn so với họ", ông chủ Tân Hiệp Phát nói. Vì tham vọng vượt lên "người khổng lồ" và đưa sản phẩm có lợi cho sức khỏe ra thế giới, mà ông đã từ chối lời đề nghị hợp tác trị giá lên đến 2,5 tỉ USD của Coca-Cola.

"Chúng tôi cho rằng tiền không phải là tất cả. Coca-Cola yêu cầu Tân Hiệp Phát chỉ được bán sản phẩm ở Việt Nam, Lào, Campuchia và không được ra các sản phẩm mới nữa. Đó không phải là sứ mệnh và tầm nhìn của Tân Hiệp Phát", bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, con gái đầu của vợ chồng ông Trần Quí Thanh, cho biết.

9-3

Ở tuổi đã ngoài 60, ông Trần Quí Thanh đang có sự hỗ trợ đắc lực từ hai người con gái là bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích, cùng ba mẹ đồng hành trên chặng đường đưa Tân Hiệp Phát vươn ra biển lớn, đấu với những "gã khổng lồ" thế giới.

Từ con số 0 ban đầu, với 2 cái chén, 2 đôi đũa, vợ chồng ông Trần Quí Thanh và Madam Nụ, người làm việc A, người cáng đáng việc B, người tay mặt, người tay trái và với sự trợ giúp từ những người thân cận đã xây dựng Tân Hiệp Phát thành một tập đoàn gia đình có tiếng xuất hiện trên Forbes, Business Insider. 

Ông Thanh khẳng định Tân Hiệp Phát - nơi được gầy dựng bằng tình cảm của ông và bà Nụ những ngày đầu tiên, sẽ cán mốc tỉ USD trong vài năm nữa. Người sáng lập thương hiệu này cũng muốn Tân Hiệp Phát sẽ vươn ra thế giới và thăng hoa như tình cảm của ông và Madam Nụ suốt 40 năm qua.