Giám đốc đối tác bán lẻ của Nielsen Việt Nam - bà Lê Thị Thùy Trang, tiết lộ thông tin bất ngờ này tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức ngày 28/3.
Theo bà Trang, hiện tỉ lệ người Việt tiếp cận Internet và sử dụng Internet hàng ngày đều cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, tỉ lệ người tiếp cận Internet của Việt Nam và châu Á lần lượt là 58% và 51%. Trong khi đó, tỉ lệ người có sử dụng Internet mỗi ngày lần lượt là 94% và 86%.
Theo Nielsen, trung bình người Việt chi từ vài trăm đến 5 triệu đồng mỗi tháng để mua sắm online. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Đặc biệt, Giám đốc đối tác bán lẻ của Nielsen cho hay, trung bình mỗi ngày, người Việt bỏ ra đến 7 giờ đồng hồ để online trên môi trường Internet, gồm cả hoạt động trên các trang mạng xã hội.
Bà Trang nhấn mạnh chính yếu tố này sẽ giúp ngành thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh trong những năm tới khi nhu cầu mua sắm dần có sự dịch chuyển từ offline sang online.
"Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở nước ta hiện nay đạt trên 30%, đây là con số rất cao trong khu vực. Tuy qui mô về doanh thu và doanh số của ngành còn khá khiêm tốn nhưng nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng và điều kiện phát triển thì tương lai của thương mại điện tử là rất lớn", bà Trang nhấn mạnh.
Năm 2015, qui mô thương mại điện tử tại Việt Nam ở thời điểm khởi phát khoảng 4 tỉ USD, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong ba năm liên tiếp nên qui mô năm 2018 đạt gần 8 tỉ USD. Nếu giữ đà tăng trưởng này vào hai năm tiếp theo thì qui mô khi đó sẽ lên tới khoảng 13 tỉ USD.
Ngoài ra, nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra hơn 70% người Việt đã từng mua hàng online, trong đó tập trung nhiều nhất là vào buổi tối, trùng thời gian nghỉ ngơi hàng ngày.
Người tiêu dùng chi từ vài trăm nghìn đồng đến 5 triệu đồng mỗi tháng để mua sản phẩm từ các kênh thương mại điện tử.
Theo các chuyên gia, tương ứng với quá trình phát triển của thương mại điện tử trên thế giới, hiện Việt Nam đang ở giai đoạn đầu với mức đóng góp doanh thu tuy dưới 1% nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất ấn tượng.
Ở giai đoạn này, người tiêu dùng mua sắm online thường quan tâm nhất đến các ngành hàng như sách, đồ điện tử, các sản phẩm du lịch và đặc biệt quan tâm đến giá cả của sản phẩm. Nguyên nhân là tiết kiệm được một khoản tiền so với việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.
Thực tế, kết quả nghiên cứu của Nielsen tại Việt Nam cũng chỉ ra điều này. Cụ thể, khi mua sắm, bao giờ người tiêu dùng Việt cũng so sánh giá của các kênh khác nhau và 85% họ cho rằng chọn mua sắm trực tuyến để tận hưởng các chương trình khuyến mãi, với mức giá thấp hơn.
Trong tương lai, khi phát triển đến các giai đoạn tiếp theo, yêu cầu của người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng cũng sẽ tăng lên như đòi hỏi khắt khe về thanh toán, vận chuyển và trải nghiệm sản phẩm. Đồng thời, tiềm năng cũng sẽ rất lớn cho nhóm hàng liên quan trẻ em, chăm sóc cá nhân và thực phẩm hàng ngày - vốn chưa tăng trưởng mạnh hiện nay.