Người Xê Đăng mừng lúa mới: 'Hôm nay hồn lúa đã về với chúng ta'

Cứ vào dịp đầu năm mới, người Xê Đăng buôn H’ring (xã Ea Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) lại nô nức chào đón ngày hội “mừng lúa mới” nhằm tạ ơn đất trời, thần linh và cầu cho vụ mùa sắp tới bội thu.
thu vi le mung lua moi cua nguoi xe dang
Già làng đọc bài khấn trong lễ hội.

Ông A Nếch, trưởng buôn H’ring cho biết, lễ “mừng lúa mới” của người Xê Đăng đã có từ lâu đời. Nhưng trước đây, lễ “mừng lúa mới” chỉ tổ chức ở từng hộ gia đình và diễn ra từ 2-3 ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi đời sống có nhiều đổi thay, người dân chỉ tổ chức trong 1 ngày để tiết kiệm chi phí và lo cho việc đồng áng.

Trước ngày “mừng lúa mới” diễn ra, những thanh niên trai tráng trong làng được chọn lựa để dựng cây nêu trước nhà Rông. Tại đây, bàn đựng đồ lễ được chuẩn bị gồm: 1 đầu heo, 7 con chuột nướng. Người dân quan niệm rằng, đầu heo là món vật để tạ ơn đất trời đã cho một mùa màng bội thu, còn 7 con chuột là để báo hiệu cho thần linh ngăn những con vật phá hoại mùa màng.

thu vi le mung lua moi cua nguoi xe dang
Cả làng quây quần bên ché rượu cần.
thu vi le mung lua moi cua nguoi xe dang
Mọi người cùng nhau ăn uống, tâm sự và mong năm mới ấm no.

Mở đầu lễ hội, chủ hộ chọn ra đám lúa chín đẹp nhất, chắc hạt nhất rồi làm dấu và gọi những người trong gia đình tới, đọc lời khấn: “Ơi Thần lúa, hôm nay tôi xin phép được thay mặt mọi người trong gia đình, xin được lấy nắm lúa đầu tiên này, xin được rước hồn lúa về với gia đình, cho cả nhà chúng tôi được no đủ”.

Sau khi hoàn thành lễ khấn, người nhà sẽ xuống ruộng tuốt một gùi lúa tươi tốt nhất và mang về phơi khô, giã lấy gạo để nấu cơm lam. Sau đó, chuẩn bị thêm thịt rừng, cá suối, rượu cần rồi dâng lên cúng Yàng. “Hôm nay hồn lúa đã về với chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau đánh chiêng, uống rượu, ăn thịt mừng cho cuộc sống no đủ”. Hoàn thành lễ khấn, chủ hộ lấy cơm lam ăn và uống một chút rượu cần, rồi cả nhà xum họp ăn uống, ca hát với nhau.

thu vi le mung lua moi cua nguoi xe dang
Đoàn cồng chiêng với những giai điệu đón khách vào lễ hội.

Theo quan niệm của người Xê Đăng, đây là lễ hội lớn nhất trong năm, để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sau khi phần lễ kết thúc là lúc mở đầu của phần hội, đoàn cồng chiêng sẽ là người chào đón những vị khách đến tham gia cùng dân làng. Tại đây, những đôi trai gái với bộ trang phục truyền thống của người Xê Đăng ca hát, nhảy múa những giai điệu ngọt ngào, say nghiêng bên ché rượu cần. Cùng với đó, những trò chơi dân gian như đi cà kheo, đập niêu, thi giã gạo, kéo co... được diễn ra sôi nổi.

Đây cũng là thời điểm để bà con nông dân có thể đoàn tụ, quây quần bên nhau chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho mùa vụ mới được tốt tươi, người dân thêm no ấm. Và còn là dịp để các cơ quan đoàn thể trao tặng những món quà ý nghĩa cho người dân, động viên tinh thần, khuyến khích mọi người cố gắng hơn trong mùa vụ mới.

Từ năm 2013, lễ hội “mừng lúa mới” đã được UBND huyện Cư M’gar công nhận là 1 trong 5 lễ hội chính, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Ông Võ Đình Đoài, Chánh văn phòng Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết, do nhận thấy giá trị tinh thần và văn hóa trong lễ hội “mừng lúa mới” nên hàng năm chính quyền địa phương vẫn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ người dân để có một lễ hội thành công và tràn đầy niềm vui.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.