Nguy cơ các công ty Trung Quốc thao túng thị trường cho vay ngang hàng Việt Nam

Theo Bộ KHĐT, thị trường dịch vụ cho vay ngang hàng trong nước đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…chi phối.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế để lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ.

4fd463491ad64449230ba4b244551c0b.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Yahoo Finance)

Cho vay ngang hàng Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam

Trong dự thảo, Bộ KHĐT bày tỏ quan ngại trước tình trạng thị trường dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending) trong nước đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…chi phối.

Vì vậy nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần thị trường cho vay ngang hàng nói riêng và kinh tế chia sẻ (KTCS) trong nước nói chung.

Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình KTCS khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm … vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần.

Theo Bộ KHĐT, tại Việt Nam, hoạt động cho vay ngang hàng bắt đầu xuất hiện từ 2016 với số lượng công ty P2P lending hiện nay vào khoảng 100 công ty (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm) như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan ... trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia ...

Tuy mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, nhưng các công ty P2P lending có sự tăng trưởng mạnh về số lượng công ty tham gia thị trường, số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và số phí dịch vụ thu được. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam và nhìn nhận đây là thị trường có tiềm năng cho P2P lending phát triển.

Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực đang tăng cường quản lý hoạt động P2P lending (Trung Quốc, Singapore, Indonesia...) thì các công ty nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Nguy cơ tội phạm núp bóng cho vay ngang hàng

Tại dự thảo lần này, Bộ KHĐT đánh giá do khung khổ pháp lí hiện nay chưa có qui định cụ thể đối với cho vay P2P, các công ty trong lĩnh này chủ yếu đăng kí ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến…

Thậm chí, có hiện tượng một số công ty cho vay P2P là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty cầm đồ, hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay.

Một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình cho vay P2P để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (rửa tiền, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, đa cấp…), quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn…

Ngoài ra, sự xuất hiện và phát triển nhanh của cho vay P2P đã và đang khiến các cơ quan Nhà nước đối mặt với khó khăn trong công tác quản lí, giám sát để phòng chống nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đồng thời, cơ quan quản lý cần kiểm soát các rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin; sử dụng trái phép thông tin cá nhân…

Bên cạnh đó, mỗi chủ thể kinh tế khi tham gia giao dịch cho vay ngang hàng đều có thể gặp rủi ro, bị thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí, lòng tin đối với thị trường.

Với nhà đầu tư, rủi ro mất tiền có thể xảy ra trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán hoặc công ty cung cấp sàn giao dịch cho vay ngang hàng gặp rủi ro hoạt động như không xác định được chính xác thông tin khách hàng, mất hoặc không truy cập được thông tin thay đổi của thành viên tham gia sàn giao dịch

Đối với khách hàng rủi ro về thông tin cá nhân khách hàng bị tiết lộ khi tham gia hoạt động chia sẻ qua sàn giao dịch, toàn bộ thông tin cá nhân của người tham gia sẽ được cập nhật, lưu trữ, công bố, chia sẻ cho toàn bộ các thành viên tham gia, trong khi việc bảo đảm thông tin cá nhân của thành viên tham gia là vấn đề khó có thể kiểm soát.

Ngoài ra, lĩnh vực này cũng có rủi ro về thuế và ngoại hối cho cơ quan quản lí khi người tham gia giao dịch là người không cư trú tại Việt Nam.

chọn
Hình ảnh thảm nhựa đường song hành Vành đai 4 qua Mê Linh
Dự án đường song hành Vành đai 4 - vùng Thủ đô (đoạn qua huyện Mê Linh, Hà Nội) có chiều dài 11,2 km với nhiều đoạn đã được thảm nhựa.