Luật Kiến trúc vừa được Quốc hội thông qua quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc, trong đó có việc lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia; lợi ích quốc gia; lợi ích dân tộc; trật tự xã hội; môi trường sống..., xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc…
Trao đổi với phóng viên VOV.VN bên hành lang Quốc hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, cần đề cao công tác tuyên truyền, giáo dục trong kiến trúc để bảo tồn kiến trúc nông thôn Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
PV: Thưa ông, ông có ý kiến gì vai trò của kiến trúc trong việc kiến tạo bộ mặt đô thị, bộ mặt nông thôn và vấn đề bảo tồn văn hóa?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Kiến trúc là lĩnh vực giáp ranh giữa công nghệ và mĩ thuật để nói lên bản sắc văn hóa của một không gian cụ thể, một quốc gia hoặc một dân tộc cụ thể.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nếu bỏ qua vai trò của kiến trúc chúng ta sẽ mất đi một bản sắc văn hóa tốt, không khai thác được yếu tố truyền thống của dân tộc, đặc biệt tại các vùng nông thôn - vùng rộng lớn và phong phú ở Việt Nam.
Tôi cho rằng, lúng túng lớn nhất của chúng ta hiện nay là kiến trúc nông thôn. Nếu như kiến trúc đô thị tiếp thu gần như tuyệt đối công nghệ mới thì kiến trúc ở nông thôn lại khác, phần lớn kiến trúc mới chỉ mang tính biểu tượng nhưng trong đó có rất nhiều giá trị mà chúng ta đã bỏ qua.
Là người làm lịch sử, tôi thấy trong thời gian người Pháp sang Việt Nam họ đã mang theo rất nhiều công trình văn minh của Pháp, nhưng đồng thời người ta cũng thích ứng luôn những chi tiết phù hợp, hài hòa với địa phương. Ví dụ, đó là các tòa nhà được thiết kế với mái dốc để phù hợp với mùa mưa; sử dụng tường bao dày cùng cửa chớp ổn định để khắc phục khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam.
Rõ ràng với việc nghiên cứu kĩ, những kỹ sư người Pháp thời điểm đó đã tạo ra những công trình kiến trúc mang một phong cách đặc trưng.
Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm nhiều tới quy hoạch, xây dựng làm sao có được ngôi nhà bền vững, mà chúng ta thường quên mất vai trò của kiến trúc – đó là yếu tố bảo tồn giá trị văn hóa, đặc biệt ở các vùng nông thôn hiện nay đang bị khủng hoảng của quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa tự phát nên bên cạnh yếu tố của hạ tầng đô thị thì hạ tầng kiến trúc gần như không còn gìn giữ được nhiều đặc điểm của nông thôn.
Thực ra, tôi cho rằng Luật Kiến trúc được đưa ra để phát huy sáng tạo, bảo tồn những nét văn hóa đồng thời vẫn theo kịp và hòa nhập được tốc độ phát triển của xã hội trên một lĩnh vực thiết yếu của mỗi người, đó là ngôi nhà.
PV: Trong xu hướng hội nhập hiện nay, việc xuất hiện hàng loạt các công trình kiến trúc phương Tây du nhập khiến nhiều người băn khoăn sẽ ảnh hưởng tới kiến trúc truyền thống. Xin ông cho biết ý kiến của mình?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng Luật Kiến trúc được thông qua cũng không cản trở điều đó.
Chúng ta tìm những sự hài hòa và đương nhiên có những điều chỉnh về độ cao, mật độ, cấu trúc… nhưng không vượt quá ngưỡng cho phép, tất nhiên đây là một lĩnh vực rất phức tạp.
Ví dụ, thời gian gần đây một số số hộ gia đình có điều kiện về kinh tế, họ muốn xây dựng ngôi nhà với những kiến trúc cổ điển của phương Tây giống như những lâu đài. Vẫn biết mỗi người có một quan điểm khác nhau, nhưng tôi thấy rằng dù kinh phí là rất lớn nhưng công trình đó thể hiện sự "trọc phú", bởi nó làm mất đi vẻ đẹp thực sự của công trình và đặc biệt không hài hòa phù hợp với không gian làng quê, không phù hợp với lối sống của người Việt Nam. Song, tất nhiên đó là quyền của họ.
Có Luật Kiến trúc, chúng ta cần có những điều chỉnh cần thiết. Tôi tin rằng mọi người đều muốn hướng đến điều tốt đẹp hơn, nếu chúng ta làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền quảng bá, đồng thời nâng cao năng lực thiết kế của người kiến trúc sư Việt Nam thì chắc chắn người ta sẽ được tư vấn và có sự lựa chọn khác, phù hợp hơn.
Do đó, tôi cho rằng công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng, nếu chúng ta không tuyên truyền tốt, không có một sự định hướng chuẩn mực, rất có thể để trong tương lai sẽ mọc lên cả "rừng" ngôi nhà "trọc phú" tại nhiều địa phương, rất không phù hợp.
PV: Vậy Luật kiến trúc sửa đổi sẽ góp phần hạn chế những mặt chưa được về kiến trúc mà ông vừa nêu, thưa ông?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Chắc chắn Luật kiến trúc sẽ phải điều chỉnh trong thực tiễn đời sống nhiều hơn là trong văn bản. Văn bản chủ yếu mới tạo ra hành lang pháp lý cho ngành kiến trúc phát triển được trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa phát triển như hiện nay.
Bên cạnh yếu tố quy hoạch và yếu tố xây dựng, người ta đang bỏ qua yếu tố kiến trúc, như vậy sẽ có những sản phẩm không phù hợp với xu hướng phát triển như hiện nay.
Do vậy, chúng ta rất cần có một hành lang pháp lý với các quy định, định hướng kiến trúc, phù hợp với văn hóa, kinh tế và truyền thống của Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành.
Tại Kỳ họp thứ 7, trong phiên thảo luận về dự án Luật Kiến trúc, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho biết, khi nói về kiến trúc của Việt Nam hiện nay, các nhà chuyên môn đã phải thốt lên cụm từ rất là buồn như "hỗn loạn kiến trúc tại các đô thị Việt Nam", "kiến trúc nông thôn ngày càng biến dạng"...
Theo ông Thành, nếu xây dựng được định hướng kiến trúc tốt thì sau một quá trình thực thi các đô thị nông thôn Việt Nam có thể mang đậm kiến trúc thuần Việt, kiến trúc nhà cửa khu vực sinh sống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, mang đậm bản sắc dân tộc, văn hóa của mình.