Nhà 3, 5 tầng có nên lắp thang máy không? Chi phí ước tính cho việc lắp đặt

Thang máy là thiết bị giúp tối ưu hóa thời gian và công sức đi lại trong một tòa nhà. Vậy, nhà 3, 5 tầng có nên lắp thang máy hay không? Cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết sau để có cái nhìn khách quan nhất về vấn đề này.

Nhà 3, 5 tầng có nên lắp thang máy không? 

Để phù hợp với cuộc sống hiện đại và tất bật, việc lắp đặt thang máy cho nhà 3, 5 tầng, đặc biệt là những căn nhà ống, nhà phố hay biệt thự, dần trở nên phổ biến. Song, có nên lắp thang máy hay không thì còn tùy thuộc vào nhu cầu và đánh giá riêng của từng gia đình.

Lợi ích của việc lắp đặt thang máy

Tham khảo những lợi ích sau để đưa ra cho mình quyết định phù hợp nhất:

- Thuận tiện cho việc đi lại: Đây là tiêu chí quan trọng đầu tiên khiến nhiều gia đình không chần chừ mà “xuống tiền” cho việc lắp đặt. Nếu có một chiếc thang máy trong nhà, các thành viên sẽ dễ dàng di chuyển từ tầng trệt lên các tầng trên cùng một cách nhanh chóng. Đặc biệt, nếu việc đi lại giữa các lầu diễn ra với tần suất cao thì lắp đặt thang máy là một điều cực kỳ đáng cân nhắc.

- Dễ dàng cho việc vận chuyển đồ đạc: Ngoài giúp ích cho quá trình đi lại, thang máy còn được sử dụng để giải quyết nỗi lo vận chuyển đồ đạc lên các tầng cao. Đặc biệt, với những gia đình làm ăn kinh doanh, nếu kho chứa sản phẩm nằm ở lầu trên thì gia đình có thể cân nhắc lắp đặt thang máy.

- An toàn cho trẻ em và người lớn tuổi: Nếu gia đình bạn có trẻ em hoặc người già thì nên lắp đặt thang máy cho không gian nhiều lầu của nhà mình. Đối với hai đối tượng này, việc đi lên xuống giữa các tầng bằng thang bộ sẽ khá nguy hiểm. Do vậy, một chiếc thang máy sẽ giúp bạn an tâm hơn, đặc biệt là khi không có mặt ở nhà.

Ảnh: OfficeHome Funi

Hạn chế của việc lắp đặt thang máy

Bên cạnh một số sự cố thường gặp khi sử dụng thang máy như thang máy bị đơ hay mất điện đột ngột, dưới đây là một số hạn chế mà việc lắp đặt thang máy mang lại:

- Tốn kém về mặt tài chính: Khi muốn lắp thang máy trong nhà, bạn cần bỏ ra một số tiền khá lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng. Với những gia đình dư dả về mặt tài chính, số tiền này chỉ là chi phí đầu tư đơn giản cho lợi ích, song với nhiều gia đình, đây là một số tiền không hề nhỏ.

- Khiến không gian bị thu hẹp: Nhắc đến việc làm thang máy trong nhà thì không thể không bàn đến vị trí cũng như diện tích cần dành ra cho phần thang máy sắp lắp đặt. Thông thường, thang máy chỉ có diện tích chừng 2,5 - 3,2m2. Tuy nhiên, nếu lúc xây dựng nhà bạn không chừa ra không gian cho việc lắp đặt này thì nó sẽ khiến không gian bị bí bách hơn rất nhiều.

- Tốn điện năng sử dụng: Tiền điện cũng là một yếu tố đáng để bạn cân nhắc khi lắp thang máy trong ngôi nhà của mình. Bình quân mỗi tháng, một chiếc thang máy gia dụng sẽ tiêu tốn khoảng vài trăm nghìn tiền điện, tùy thuộc vào công suất sử dụng của gia đình.

- Tốn thêm chi phí bảo dưỡng: Để đảm bảo an toàn cũng như tính ổn định của thiết bị thì thang máy cần phải được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ. Do đó, bạn cũng nên tính đến chi phí bảo dưỡng, thay thế thiết bị về lâu về dài nếu thật sự chọn lắp đặt.

Dựa vào những phân tích nêu trên, câu trả lời cho câu hỏi “Nhà 3,5 tầng có nên lắp thang máy không?” là “nên nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”. Các yếu tố đó bao gồm nhu cầu sử dụng của các thành viên, khả năng tài chính của gia đình và không gian nhà ở hiện có. Căn cứ vào từng yếu tố mà bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất để tránh gây bất tiện cho các thành viên trong gia đình.

Ảnh: Thang Máy FUJI MOS

Ước tính chi phí cần bỏ ra khi lắp thang máy cho nhà 3, 5 tầng

Dưới đây là bảng giá dự trù cho việc lắp thang máy cho nhà 3, 5 tầng cũng như chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng mà bạn có thể tham khảo:

Chi phí lắp đặt thang máy dự kiến

STT

Loại thang

Tải trọng (kg)

Giá trung bình (triệu đồng)

1

Giá thang máy có phòng máy

300 – 350

280 – 285 

2

Giá thang máy không có phòng máy

300 – 350

310 – 320

3

Giá thang máy gia đình có phòng máy

450 – 500

290 – 300

4

Báo giá thang máy gia đình có phòng máy

550 – 630

300 – 310 

5

Giá cầu thang máy gia đình có phòng máy

750 – 800

320 – 330

6

Giá thang máy tải khách có phòng máy

900 – 1.000

350 – 360

Từ bảng giá trên, có thể thấy, để lắp đặt một chiếc thang máy gia đình, bạn cần phải bỏ ra số tiền ít nhất là 280 triệu đồng và cao nhất là lên đến 1 tỷ đồng (tùy vào loại thang máy). Bên cạnh đó, bạn cũng cần dự trù khoảng vài triệu đồng chi phí thuê nhân công lắp đặt để đảm bảo thang máy có thể hoạt động tốt nhất.

Các chi phí khác trong quá trình sử dụng thang máy

STT

Loại chi phí

Mức phí trung bình (đồng/tháng)

Ghi chú

1

Tiền điện

350.000

Tần suất sử dụng khoảng 30 - 40 lần mỗi ngày

2

Bảo trì, bảo dưỡng định kỳ

150.000

 

3

Kiểm định

55.000

Trong thời gian 20 năm đầu tiên

4

Thay bóng chiếu sáng cho cabin

2.000

12.000 đồng/bóng, mỗi cabin cần 2 bóng, một năm thay 1 lần

Như vậy, tổng chi phí “nuôi” thang máy sẽ vào khoảng 557.000 đồng/tháng (tương đương với 6.684.000 đồng/năm). Dựa vào đây, bạn có thể xem xét và quyết định nhà 3, 5 tầng có nên lắp thang máy hay không.

Ảnh: Thang máy Hùng Phát

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.