Theo Nikola, Hội đồng quản trị công ty đã chấp nhận đơn từ chức của ông Trevor Milton và bầu ông Stephen Girsky – cựu Phó chủ tịch General Motors lập tức tiếp quản chức Chủ tịch của Nikola.
Trong thông cáo gửi ra sau khi từ chức Chủ tịch, nhà sáng lập Milton Trevor nói: "Nikola thực sự đã, đang và sẽ luôn ở trong dòng máu của tôi. Mọi người phải tập trung vào Nikola và nhiệm vụ thay đổi thế giới của công ty chứ không phải vào tôi".
Ông nói thêm: "Vì vậy tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là từ chức Chủ tịch công ty. Thành lập Nikola và chứng kiến công ty phát triển là một niềm vinh dự lớn lao đối với tôi".
Ông Milton từ chức sau khi công ty chuyên bán khống Hindenburg Research cáo buộc Nikola gian lận và lừa đảo nhà đầu tư.
Nikola phản bác và cho biết có hàng chục tuyên bố không chính xác trong báo cáo của Hindenburg. Theo CNBC, cả Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Bộ Tư pháp Mỹ đều đang điều tra các cáo buộc Nikola đánh lừa nhà đầu tư.
Hindenburg cho rằng ông Milton đã nói dối về công nghệ của Nikola để đạt được thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành xe hơi. Trong thông báo sáng 21/9, ông Milton tuyên bố: "Tôi sẽ bảo vệ bản thân mình trước những cáo buộc sai trái từ bên ngoài".
Ngày 8/9, đại gia xe hơi lâu đời General Motors (GM) thông báo đã đầu tư 2 tỉ USD để sở hữu 11% vốn của Nikola. GM cho biết sẽ sản xuất Badger - mẫu xe bán tải điện chạy bằng nhiên liệu khis hydro do Nikola thiết kế.
Bà Mary Barra – CEO của GM tuyên bố công ty đã "nghiên cứu tỉ mỉ" trước khi rót 2 tỉ USD vào Nikola. Sau thông báo rót vốn của GM, cổ phiếu Nikola lập tức tăng sốc 53%.
Theo CNBC, giá cổ phiếu Nikola trong năm nay biến động khá dữ dội. Hồi đầu tháng 5, giá ở khoảng 13 USD/cp, đến ngày 9/6 đóng cửa ở đỉnh 80 USD/cp. Cuối tuần trước, giá cổ phiếu Nikola dừng ở 34 USD/cp.
Trong 10 phiên gần đây, khối lượng giao dịch trung bình của Nikola đạt khoảng 53,2 triệu đơn vị, tương đương tới gần 15% tổng lượng cổ phiếu lưu hành.
Ông Mark Russell – CEO của Nikola cho biết công ty vẫn luôn cam kết thực hiện mục tiêu sản xuất phương tiện giao thông không khí thải. Xe chạy bằng nhiên liệu hydro sẽ chỉ thải ra môi trường hơi nước chứ không có khí CO2 như các xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, diesel).
Khí hydro có thể được sản xuất bằng cách dùng điện dư thừa từ các nhà máy điện gió và điện mặt trời để điện phân nước biển, không phải từ nhà máy nhiệt điện. Nói cách khác, quá trình sản xuất hydro cũng không phát thải CO2.
Tuy nhiên giá thành sản xuất và phân phối hydro rất cao, khiến cho việc đưa các mẫu xe hydro ra thị trường gặp khó khăn.
Nhiều người thường so sánh Nikola với một doanh nghiệp xe điện được thành lập trước tại Mỹ là Tesla.
Tên của hai công ty đều xuất phát từ nhà phát minh vĩ đại Nikola Tesla (1856 – 1943). Cả hai công ty đều hoạt động trong ngành xe hơi sử dụng nhiên liệu thay thế, cổ phiếu của cả hai đều có nhiều phiên tăng sốc, giảm sâu, …
Tuy nhiên hoạt động của Nikola và Tesla có nhiều điểm khác biệt căn bản.
Chẳng hạn, xe của Tesla chỉ chạy bằng điện, mà mạng lưới phân phối điện đã được xây dựng sẵn trên khắp nước Mỹ. Do đó, Tesla chỉ việc lắp thêm các đầu sạc để cung cấp năng lượng cho xe.
Trong khi đó, mẫu xe của Nikola sử dụng nhiên liệu khí hydro, phải được vận chuyển bằng xe tải tới từng điểm tiếp nhiên liệu, phải xây dựng kho chứa đảm bảo an toàn …
Khi Tesla chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2010, công ty của tỉ phú Elon Musk này đã có nhà máy sản xuất và bán ra khoảng 1.000 chiếc xe điện Roadster.
Nikola mới IPO hồi giữa năm 2020 và hiện chưa bán được bất kì chiếc xe nào, thậm chí cũng chưa có sẵn nhà máy sản xuất.
Dòng xe bán tải Badger của Nikola mà GM dự tính sản xuất hiện mới chỉ tồn tại trên mô hình máy tính, chưa có bất kì phiên bản mẫu nào được xuất xưởng. Dù vậy, Nikola vẫn nhận về tới 10 tỉ USD đơn đặt hàng trước.
Trong khi đó, Tesla đã bán được hơn 400.000 xe thuộc nhiều dòng khác nhau. Mẫu xe điện đầu tiên của Tesla mang tên Cybertruck đã được CEO Elon Musk mang lên giới thiệu trên sân khấu.