Nha Trang đề xuất giữ lại một phần khu nghỉ mát chắn biển Evason Ana Mandara

Sovico Khánh Hòa muốn giữ lại một số công trình của khu nghỉ mát Evason Ana Mandara sau khi dừng đón khách. UBND TP Nha Trang cho rằng một số hạng mục ở công trình này phù hợp với quy hoạch của thành phố trong tương lai nên đề xuất giữ lại.

Theo Pháp luật TP HCM, UBND TP Nha Trang vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa muốn giữ lại một số công trình của khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang sau khi dừng đón khách.

Trước đó, vào cuối tháng 7, Sovico Khánh Hòa có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho giữ lại một số công trình, vật kiến trúc đẹp sau khi tỉnh thu hồi diện tích khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang để trả bãi biển cho cộng đồng. Doanh nghiệp còn đề xuất được thuê phần đất đã thu hồi để tiếp tục kinh doanh.

Ngày 5/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Xây dựng, UBND TP Nha Trang tham mưu giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư.

 Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang ngừng đón khách từ ngày 30/6. (Ảnh: Chu Lai).

Về đề nghị này, TP Nha Trang cho rằng một số hạng mục ở khu nghỉ mát Ana Mandara phù hợp với định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040 (đã lấy ý kiến cộng đồng dân cư) nên đề xuất giữ lại.

Trong đó, khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang thuộc khu vực công viên ven biển của phân khu 1 - khu trung tâm ven biển và phía nam sông Cái, từ cầu Trần Phú đến trục đường chính sân bay cũ.

Theo UBND TP Nha Trang, khu vực này được phép tổ chức các điểm dịch vụ công cộng với mật độ xây dựng gộp (tối đa là 5%), đan xen trong không gian công viên để cung cấp dịch vụ và tiện ích cho người sử dụng bãi tắm, công viên.

Ngoài ra, căn cứ đồ án quy hoạch phân khu phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt năm 2014, thì khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang thuộc quy hoạch đất công viên chuyên đề và được phép xây dựng với mật độ 10-15%, độ cao công trình một tầng.

Từ đó, UBND TP Nha Trang cho rằng việc tồn tại một số công trình theo hiện trạng tại khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang là phù hợp.

Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara ở khu bãi Dương, đường Trần Phú, TP Nha Trang, đã ngừng đón khách và chính thức trả lại bãi biển cho địa phương phục vụ cộng đồng từ hôm 30/6. Khu du lịch này có từ năm 1995, rộng hơn 26.000 m2, kéo dài khoảng 400 m trên bờ biển Nha Trang. Thời hạn thuê đất của dự án là 22 năm, tính từ 1995.

Khánh Hòa đã buộc di dời các công trình tại khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang để trả lại 28.000 m2 bãi biển, 10.000 m2 mặt nước biển phục vụ cộng đồng. Tỉnh cũng thu hồi gần 22.000 m2 tại công viên Phù Đổng đã giao Công ty TNHH Invest Park Nha Trang trước đây.

Ngoài khu nghỉ dưỡng Ana Mandara, giáp biển đường Trần Phú, còn công trình do tư nhân quản lý thuộc diện di dời nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Kinh tế & Đô thị cho biết.

Cụ thể, dự án Cụm nhà hàng và dịch vụ giải trí Louisiane rộng khoảng 4.800 m2 do CTCP Quốc tế Biển Xanh làm chủ đầu tư, đã hết hạn thuê đất vào ngày 1/3/2022 nhưng hiện vẫn đang hoạt động.

Dự án Nhà hàng Sailing Club có phần nổi rộng 2.054 m2 và 750 m2 không gian ngầm do Công ty TNHH Liên doanh Câu lạc bộ bơi thuyền Nha Trang làm chủ đầu tư, hiện còn thời gian thuê đất đến hết năm 2043.

Hai nhà hàng cũng được tỉnh Khánh Hòa đề xuất chủ trương để tiếp tục hoạt động cho đến khi quy hoạch phân khu khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng (Nha Trang) được phê duyệt.

Sau phiên họp ngày 25/7, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa thống nhất chấm dứt việc thực hiện lập điều chỉnh Quy hoạch phân khu khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng.

Đồng thời, đồng ý việc đề xuất lập đồ án thiết kế đô thị đối với khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, theo định hướng phục vụ mục đích công cộng kết hợp với dịch vụ nhưng ưu tiên phục vụ công cộng là chính.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.