Nhiệm kì thành công của ông Phạm Hồng Hải tại HSBC Việt Nam

Trong 4,5 năm giữ vị trí điều hành HSBC tại Việt Nam, ông Hải đã để lại được dấu ấn đáng kể, thể hiện qua các chỉ số tích cực của ngân hàng này.
Pham Hong Hai

ông Phạm Hồng Hải.

Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa có thông báo về việc bổ nhiệm ông Tim Evans làm tân Tổng Giám đốc, thay thế cho ông Phạm Hồng Hải.

Ông Hải đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam từ tháng 12/2014 và là CEO người Việt đầu tiên được HSBC kể từ khi ngân hàng này có mặt tại Việt Nam vào năm 1870.

Gắn bó với HSBC hơn 20 năm kể từ khi là một sinh viên mới ra trường, ông Hải đã đối mặt với nhiều biến cố, từ những cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông Hải được giới tài chính biết đến như là “người buôn tiền số 1”.

Trong nhiệm kì kéo dài 4,5 năm điều hành HSBC tại Việt Nam, ông Hải đã để lại được dấu ấn đáng kể, thể hiện qua các chỉ số tích cực của ngân hàng này.

Tính tới cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của HSBC đạt xấp xỉ 113 nghìn tỉ đồng, tăng 25% so với thời điểm cuối năm 2014. Tổng tài sản của HSBC đã liên tục tăng trong các năm qua, đạt quy mô tầm trung so với các ngân hàng tại Việt Nam, và là ngân hàng ngoại có quy mô tài sản lớn nhất trong số 9 ngân hàng ngoại đang có mặt tại Việt Nam. 

Vốn chủ sở hữu của HSBC Việt Nam tính đến hết ngày 30/6 đạt 11.178 tỉ đồng.

Cũng tương tự các ngân hàng ngoại khác trên thị trường, mảng kinh doanh chính của HSBC đến từ hoạt động tín dụng. Phân khúc mà các ngân hàng ngoại hướng đến thường là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI, các công ty đầu ngành và mảng bán lẻ ở khách hàng cá nhân.

Thực tế trong những năm gần đây, các ngân hàng này đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng và quản trị tài sản, với mục tiêu là nhóm khách hàng giàu có và có thu nhập cao. Chiến lược của họ là không quá cạnh tranh về giá mà tập trung tăng cường chất lượng dịch vụ và phục vụ, đồng thời luôn cải tiến, phát triển mới sản phẩm để nâng cao trải nghiệm và tiện ích cho khách hàng.

Với HSBC Việt Nam, thông qua mạng lưới toàn cầu được hậu thuẫn bởi ngân hàng HSBC mẹ tại Hong Kong và Thượng Hải, ngân hàng này sắp xếp tín dụng cho những doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam hay những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài đều qua ngân hàng ngoại do các ngân hàng này có thể kết nối hai bên đối tác trong nước và nước ngoài.

Năm 2018, HSBC từng sắp xếp một giao dịch vốn lớn cho tập đoàn Vingroup và công ty con Vinfast, để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô.

Bên cạnh thế mạnh về thu xếp nguồn vốn, một ưu thế khác của HSBC đó là các hoạt động về thẻ tín dụng, mua sắm quốc tế.

Hoạt động tín dụng tăng trưởng thúc đẩy thu nhập lãi thuần của HSBC tăng trưởng đều đặn, từ mức 2.258 tỉ đồng cuối năm 2015 lên mức 3.473 tỉ đồng vào cuối năm 2018, tương ứng tốc độ tăng trưởng 35%. Trong nửa đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 1.867 tỉ đồng, tăng 17,3% so với cùng kì.

Thu nhập tăng trong khi chi phí hoạt động qua các năm gần như không thay đổi, giúp lợi nhuận HSBC tăng mạnh. Cuối năm 2015, HSBC ghi nhận lãi sau thuế 934,6 tỉ đồng thì sau đó 4 năm, lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 2.468 tỉ đồng, tăng 2,6 lần.

Nửa đầu năm 2019, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.275 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kì. Mức lợi nhuận của HSBC cao nhất so với các ngân hàng ngoại tại Việt Nam và thậm chí tương đương với một số ngân hàng Việt có quy mô lớn tài sản lớn hơn nhiều lần như VIB, Sacombank, SHB.

Hoạt động tăng trưởng của HSBC đi kèm với tính bền vững khi nhà băng này duy trì được tỉ lệ an toàn vốn ở mức cao 14%. Tính tới cuối tháng 6/2019, nợ xấu của ngân hàng chỉ đạt 349 tỷ đồng, chiếm 0,38% tổng dư nợ, giảm so với mức 0,44% hồi đầu năm.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.