Nhiều doanh nghiệp tất toán xong trái phiếu, rời danh sách 'khất nợ'

Một số doanh nghiệp trễ hẹn đã thanh toán xong gốc và lãi trái phiếu cho trái chủ hoặc có thoả thuận giãn lịch thanh toán với trái chủ như BĐS Hà An, BCG Energy...

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 24/2, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (thành viên của Tập đoàn Đất Xanh) đã có văn bản gửi HNX thông tin về tình hình dư nợ gói trái phiếu HAAN201910-07.

Cụ thể, gói trái phiếu trên được phát hành ngày 23/10/2019 và đến hạn ngày 23/10/2022. Tuy nhiên, ngày 23/10 không phải ngày làm việc nên ngày đến hạn được xác định vào ngày 24/10. Đến ngày 26/10, công ty đã thực hiện thanh toán toàn bộ toàn bộ gốc và lãi lô trái phiếu này.

Trước đó, tại ngày 21/2, HNX đã thông báo danh sách 54 doanh nghiệp công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 - 31/1 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, trong đó có BĐS Hà An.

Nói thêm về lô trái phiếu trên, gói trái phiếu có trị giá 498 tỷ đồng, lãi suất cố định 11,5%/năm.

Cùng tình trạng trên, ngày 23/3, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, mã chứng khoán: SCR) cũng có văn bản gửi HNX khẳng định công ty không còn dư nợ trái phiếu, đã tất toán cả nợ lãi và gốc lô trái phiếu trị giá 80 tỷ đồng vào ngày 23/11/2022, ngay một ngày sau ngày đáo hạn. Nguyên nhân là TTC có tên trong danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu nêu trên.

Ngoài các doanh nghiệp đã tất toán gốc, lãi trái phiếu, một số doanh nghiệp đã có thoả thuận riêng với trái chủ về lịch trả nợ, song những doanh nghiệp vẫn có tên trong danh sách chậm thanh toán cho người sở hữu trái phiếu.

Đơn cử, CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán: SHI) cũng công bố thông tin về lịch mua lại trước hạn lô trái phiếu trị giá 280 tỷ đồng. Theo đó, lô trái phiếu duy nhất của công ty có 1 trái chủ, giữa trái chủ và Sơn Hà đã thống nhất lịch mua lại với 5 lần tại các ngày 18/1 (42 tỷ đồng), 30/4 (28 tỷ đồng), 30/6 (38 tỷ đồng), 30/9 (38 tỷ đồng) và 29/12 (134 tỷ đồng).

Do đó, ngày 18/1, Sơn Hà đã thực hiện mua lại trước hạn 42 tỷ đồng (tương đương 15% mệnh giá trái phiếu).

Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 28/7/2021, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 28/7/2024, lãi suất 11%/năm.

Ngày 24/2, CTCP BCG Energy (thành viên của CTCP Bamboo Capital) đã ra thông cáo lý giải nguyên nhân của việc thay đổi thời hạn thanh toán trái phiếu cho đối tác Hanwha Energy.

BCG Energy cho biết, động thái này đưa ra nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, tránh những quan ngại không đáng có cho nhà đầu tư sau khi HNX công bố danh sách các công ty chậm trả lãi, gốc trái phiếu trong ngày 21/2.

Cụ thể, ngày 4/9/2019, BCG Energy đã phát hành gói trái phiếu chuyển đổi trị giá 115,75 tỷ đồng cho Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd, được dùng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại thị trường Việt Nam theo thỏa thuận chiến lược giữa hai bên.

Trái phiếu đáo hạn vào ngày 4/9/2022, và có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu của BCG Energy trong trường hợp Hanwha Energy lựa chọn chuyển đổi, trong trường hợp này phía BCG Energy sẽ không có nghĩa vụ thanh toán thêm. Sau đó, những thay đổi về điều kiện thị trường cũng như việc chưa có một chính sách dài hạn về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cùng với đó là những biến động về kinh tế toàn cầu khiến Hanwha Energy quyết định không chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Do đó, Hanwha Energy và BCG Energy đã thương thảo việc chuyển đổi một phần khoản trái phiếu thành khoản nợ với kỳ hạn thanh toán cuối cùng được thay đổi đến ngày 30/6/2023. Sau khi hai bên cùng đạt thỏa thuận về thời gian thanh toán, BCG Energy tiến hành công bố thông tin lên HNX theo quy định pháp luật.

Doanh nghiệp cho biết thêm, tính đến ngày 31/12/2022, BCG Energy đã thanh toán toàn bộ phần lãi phát sinh và 45 tỷ phần gốc cho Hanwha Energy. Khoản gốc còn lại là 70,75 tỷ đồng (tương đương với 3 triệu USD) đã được BCG Energy cùng với Hanwha Energy thống nhất phương án thanh toán phù hợp với nhu cầu của hai bên.

Nói thêm về tình hình trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp, trong danh sách 54 doanh nghiệp trễ hẹn trả gốc, lãi trái phiếu có 34 doanh nghiệp bất động sản - xây dựng, chiếm gần 63%.

Trong đó có các doanh nghiệp thuộc nhóm Đất Xanh, nhóm Novaland, nhóm Hưng Thịnh, nhóm LDG, Đầu tư Hải Phát, DRH Holdings, Danh Khôi...

Sang tháng 2, làn sóng trễ hẹn trả nợ trái phiếu tiếp tục lan rộng với hàng loại doanh nghiệp như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC), Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú (thành viên nhóm Novaland), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star, CTCP Fuji Nutri Food (FNF), CTCP Lavida Invest,... Nguyên nhân các doanh nghiệp này đưa ra chủ yếu là do không thu xếp kịp nguồn tiền thanh toán.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.